(GD&TĐ) - Hơn 20 năm qua, ở một vùng quê nghèo ven phá Tam Giang, có một ông thầy lưng bị còng, chân trái bị teo, việc đi lại rất khó khăn nhưng hằng ngày vẫn cầm tay đưa bút, dạy những phép toán cho từng em nhỏ nghèo ngay tại ngôi nhà nhỏ của mình. Đó là hình ảnh của thầy Nguyễn Trai, ở thôn Thanh Lam, (xã Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Không đầu hàng số phận
Lớp học của thầy Trai nằm sâu trong thôn Thanh Lam, khi chúng tôi đến cũng vừa lúc thầy cho các em học sinh nghỉ giải lao, lấy ca nước trong nhà ra, rót từng li đưa cho từng em uống xong rồi mình mới uống. Cử chỉ đó của thầy đã làm cho chúng tôi hết sức ngỡ ngàng và xúc động.
Năm này đã bước sang tuổi ngũ tuần, thầy Trai không còn nhớ mình đã có bao nhiêu em học sinh, tổ chức được bao nhiêu lớp học, chỉ biết rằng hơn 20 năm qua ngày nào mình cũng tận tình, tâm huyết dạy chữ cho các em nhỏ nhà nghèo trong làng.
Năm lớp 9, đang trên đường đi học về bỗng dưng hai đầu gối Trai cứ chụm vào nhau. Rồi chân tay tê cứng. Hai tháng nằm viện, chân càng lúc càng yếu, đi lại khó khăn, rồi cả cơ thể không còn cử động được nữa. Suốt 2 năm ròng chạy chữa hết Đông y, Tây y nhưng bệnh vẫn không hề thuyên giảm, cơ chân teo đi. Phải nằm ở nhà, chân lại bị tật không còn đi được nữa, thấy các bạn trong xóm đi học Trai khóc hết nước mắt, nhiều lần mẹ cũng khóc theo. Thầy Trai tâm sự: “Hồi đó khổ sở lắm, đang chạy nhảy bình thường bỗng dưng bị liệt cả hai chân. Không đi lại được, thêm gánh nặng cho gia đình, nhiều lúc mình nghĩ quẩn…”.
Thầy Nguyễn Trai |
Rồi một ngày, mọi người trong gia đình hết sức ngạc nhiên khi thấy Trai đi được từng bước bằng đôi nạng gỗ. Đó là kết quả của sự kiên trì tập luyện. Ngày ngày, trước khi mẹ đi làm đồng, nhờ mẹ buộc một sợi dây vào song cửa sổ cạnh giường, rồi Trai ở nhà dùng tay kéo sợi dây để tập ngồi dậy. Đã không biết bao nhiêu lần bị té đến bầm dập tay chân nhưng Trai không nản, cứ tập luyện ngày này qua ngày khác, dần dần anh đã ngồi dậy, đứng và đi lại được cùng đôi nạng gỗ. Một hôm, cha mẹ đi làm về, anh Trai nói rằng bữa nay anh tự phục vụ bản thân được rồi, cha mẹ khỏi bận tâm nữa. “Nghe con nói vậy, tôi và cha nó không tin vào tai mình. Nhưng khi được tận mắt thấy con cầm đôi nạng tự đi lại được trong nhà, vợ chồng tôi mừng như bắt được vàng” - bà Cháu, mẹ của anh Trai, bộc bạch nhớ lại những giây phút hạnh phúc lóe sáng lên trong cuộc đời nhiều nỗi u buồn của con mình.
Thầy giáo của con nhà nghèo
Đó là những đưa trẻ nhà nghèo trong xóm vì gia đình khó khăn nên không được đến trường, suốt ngày mặt mày lem luốc mò cua, bắt ốc, chăn trâu ngoài đồng ruộng. Thương cảm trước hoàn cảnh của các em đang tuổi ăn tuổi học mà lại không được đến trường, thầy Trai trăn trở với câu hỏi: “Chẳng lẽ mình lại để cho các em mù chữ trong cuộc sống nghèo khổ này hay sao? Tại sao mình biết chữ mà không dạy cho các em?. Xuất phát từ ý nghĩ đó, về nhà Trai đã xin bố mẹ được mở lớp để dạy chữ cho các em.
Thầy giáo đặc biệt và lớp học cũng thật đặc biệt, trong lớp học này có học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau, có đứa đã 13-14 tuổi nhưng cũng có đứa mới chỉ 4-5 tuổi. Lớp học ban đầu được dựng bằng tranh, tre do chính Trai và bố mình đi xin của những nhà trong xóm. Để các em có chỗ ngồi học, thầy Trai đi xin lại bàn ghế cũ của nhà trường thải ra về tu sửa lại. Việc thầy Trai dựng trường, mở lớp dạy học làm nhiều người dân đầm phá nửa tin, nửa ngờ vì biết thầy bị liệt lấy sức đâu để lên lớp. Nhưng khi đưa con đến học, tận mắt chứng kiến thầy giáo chống nạng đứng khom người dạy học, họ càng cảm phục và trân trọng sự cố gắng của người thầy khuyết tật.
Bài học đầu tiên thầy dạy các em là đạo làm người và cách sống giản dị, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, chứ không phải môn toán hay môn văn. Nội dung những bài học ấy không cao xa, mà gần gũi, đời thường. Đó là tấm lòng hiếu thảo của người học trò với gia đình, xã hội, về gương các học sinh quên mình cứu bạn giữa dòng lũ xiết.
Lũ trẻ sáng đi học, chiều chăn trâu, mò cua, bắt ốc. Học phí chúng dành cho thầy là mớ ốc, rổ khoai mót được. Thấy cảnh chân tật lưng còng chăm sóc mẹ già, nhiều phụ huynh lấy công trả nghĩa ơn thầy. “Mùa về, người vài ba lon gạo, cân bắp, củ sắn, củ khoai… mang đến biếu thầy, chứ ở đây cuộc sống còn khó khăn lắm” - một phụ huynh tâm sự. Thầy Trai nghẹn lại khi kể cho chúng tôi nghe, một hôm có mấy em học sinh trong bộ quần áo dính hết bùn lầy, mặt mày lem luốc bê mớ ốc mà chúng rủ nhau đi ra ngoài đồng bắt cả buổi chiều hôm trước đến biếu mình. “Thầy tật nguyền, lại nuôi mẹ già nữa, thầy chịu dạy mấy đứa nhỏ ở đây, tụi tui mừng lắm. Nhiều khi chỉ biết lấy công thay tiền học phí, hay đong mấy lon gạo, bắp mang cho thầy. Dân phá ni nghèo quá, tụi tui cả đời không biết mặt chữ đã khô rồi, nếu không có thầy chắc cả đời bọn trẻ cũng không được đi học” - chị Nguyễn Thị Thanh, phụ huynh một học sinh của thầy, xúc động nói.
Năm 2005, bà Nguyễn Thị Kim (Nha Trang) biết tin về lớp học đã tìm đến và hỗ trợ thầy xây lại phòng, mua dụng cụ học tập cho các em. Khi được hỏi về mong muốn của mình, thầy Trai cho biết: “Mong muốn lớn nhất của mình là có sức khỏe, cuộc sống bớt phần vất vả hơn để tiếp tục dạy chữ cho các em nhỏ nhà nghèo trong xóm”.
Hơn 20 năm dạy học, hàng trăm trẻ em nghèo vùng đầm phá Tam Giang được thầy giáo không lương dạy cho cái chữ để biết phân biệt đâu là lẽ phải cuộc đời. Ngần ấy vốn liếng kiến thức của thầy cho, các em cũng đủ để vào đời kiếm sống. Mặc dù thầy chưa một ngày được học về phương pháp sư phạm, nhưng chính tấm lòng nhiệt huyết của thầy đã khích lệ, chắp cánh ước mơ cho những trẻ thơ hiếu học bên phá Tam Giang. Từ lớp học của thầy Trai, có nhiều em nay đang là sinh viên theo học các trường cao đẳng, đại học ở Huế.
Ngọc Quyên - Trung Hiếu