Tinh thần tự chủ đại học trong đại dịch Covid-19

Tinh thần tự chủ đại học trong đại dịch Covid-19

Tất cả đều toát lên tinh thần tự chủ của các trường, trách nhiệm với người học và xã hội, đồng thời còn là sự tự khẳng định mình trước xu thế mới.

Phát huy vai trò tự chủ

Ngay trong những ngày dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thầy trò Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên đã sáng chế thành công máy đo thân nhiệt có tốc độ siêu nhanh. Ý tưởng này được hình thành từ đầu tháng 3, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Giám hiệu nhà trường đã đặt hàng PGS.TS Phạm Thành Long, Trưởng bộ môn Cơ điện tử của trường. Đến ngày 21/3, sản phẩm đầu tiên đã được hoàn thành và được lắp đặt ngay trong khu ký túc xá sinh viên nước ngoài của nhà trường.

Điểm độc đáo nhất ở thiết bị đo thân nhiệt này là không cần chạm trực tiếp vào máy như các thiết bị đo thân nhiệt hiện nay. Người đo chỉ cần đưa tay vào mắt đo thân nhiệt ở khoảng cách 3cm, máy sẽ tự động phát tín hiệu và trả kết quả trên màn hình sau 1 - 2 giây. Máy đo được sáng chế từ các cảm biến khoảng cách và cảm biến thân nhiệt. Vỏ thì được làm bằng các vật liệu sẵn có. Chi phí sản xuất 1 máy (không tính nhân công) chưa đến 2 triệu đồng.

Nhóm 4 sinh viên của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã chế tạo thành công máy rửa tay sát khuẩn, sản phẩm ra đời bắt nguồn từ yêu cầu thực tế hạn chế sự lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Cấu tạo chính của máy rửa tay sát khuẩn gồm mạch điều khiển, các cảm biến, hệ thống phun dung dịch, bình đựng dung dịch… Người sử dụng chỉ cần đưa tay vào khu vực phụ dung dịch sát khuẩn, thiết bị sẽ tự động phun dịch lên tay. Chỉ mất khoảng 3 - 5 giây sau, máy sẽ cung cấp lượng dung dịch để rửa sạch tay.

Khoa Kỹ thuật và Công nghệ của Trường Đại học Quy Nhơn cũng cho ra đời 2 loại thiết bị là máy rửa tay sát khuẩn tự động và máy đo thân nhiệt tự động từ xa. Qua quá trình đo, máy sẽ tự động điều chỉnh để đo báo chỉ số thân nhiệt, báo động bằng âm thanh khi người đo có thân nhiệt vượt giới hạn.

Trường Đại học Trà Vinh, một trường đại học trẻ nhưng đã sớm khẳng định bằng uy tín về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trường đã sớm cho ra mắt máy đo thân nhiệt và phun tự động dung dịch sát khuẩn. Thiết bị đo thân nhiệt và vòi phun sát khuẩn hoàn toàn tự động, không cần người giám sát hay tác động điều khiển bất cứ thao tác nào. Có giá thành sản xuất rẻ và được sớm đưa vào sử dụng tại TP Trà Vinh, những sản phẩm khoa học của Trường Đại học Trà Vinh đã phát huy hiệu quả trong phòng chống dịch Covid-19…

Như vậy, có thể thấy các trường đại học đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng nghiên cứu khoa học để tham gia phòng chống dịch Covid-19 cùng cộng đồng. Việc làm của họ không chỉ có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, mà còn phát huy tinh thần tự chủ toàn diện nhất.

Tinh thần tự chủ đại học trong đại dịch Covid-19 ảnh 1
Thiết bị đo thân nhiệt và phun tự động từ xa do Trường Đại học Trà Vinh chế tạo.

Sẻ chia khó khăn

Những ngày sinh viên nghỉ học đang kéo dài thêm thì câu hỏi học phí có phải đóng không, có được giảm không… luôn được đặt ra. Nhưng có giảm hay không, giảm ở mức nào còn phụ thuộc vào quyền của mỗi trường. Các trường tự chủ trong việc lên kế hoạch giảng dạy, tổ chức học tập, mức thu học phí nên họ có lý của mình và quyền tự chủ theo quy định. Vậy nên, nhiều trường bằng những hình thức khác nhau đã chủ động giảm học phí cho người học.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã sớm ra thông báo miễn giảm học phí cho sinh viên. Cụ thể, ngay trong những ngày đầu tháng 4, lãnh đạo nhà trường quyết định dành gói 20 tỷ đồng hỗ trợ miễn giảm học phí học kỳ II năm học 2019 - 2020 đối với các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Sau đó, Trường Đại học Ngoại thương cũng đã kích hoạt gói hỗ trợ tài chính đặc biệt dành cho sinh viên, bao gồm việc hỗ trợ số tiền tương đương 5% học phí của học kỳ II năm học 2019 - 2020 (số tiền này được giảm trừ trực tiếp vào học phí phải nộp) cho toàn bộ gần 15.000 sinh viên hệ đại học chính quy ở cả 3 cơ sở. Đồng thời, lùi thời hạn đóng học phí thêm 1 tháng.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Ngoại thương cũng triển khai ngay việc xét cấp bổ sung học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian dịch Covid-19 và đạt kết quả học tập từ loại khá trở lên với mức học bổng tương đương 50% - 100% học phí. Ngoài ra, các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch còn có thể tham gia chương trình cho vay học bổng FTU-Mabuchi với lãi suất 0% trong thời gian học tập tại trường. Đối với các đối tượng chính sách, ngoài việc được miễn giảm học phí theo quy định, sẽ được nhận thêm một khoản hỗ trợ tài chính từ nhà trường.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thông báo sẽ giảm 8% học phí môn học lý thuyết online cho sinh viên đăng ký môn học trong học kỳ II năm học 2019 - 2020. Theo tính toán của nhà trường, với mức này tổng số tiền học phí sinh viên được giảm hơn 40 tỷ đồng. Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM giảm 25% học phí học online nhằm hỗ trợ cho sinh viên. Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM thông báo giảm 10% học phí học kỳ II cho sinh viên. Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia TPHCM sẽ giảm 7% học phí cho tất cả sinh viên hệ chính quy trên các học phần đào tạo online.

Ở miền Tây, Trường Đại học Trà Vinh đưa ra thông báo giảm 30% học phí cho sinh viên học online vào học kỳ II. Ngoài ra, các trường đại học Nguyễn Tất Thành, Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, Văn Lang, Văn Hiến, Hoa Sen, Quốc tế Hồng Bàng, Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng thông báo giảm học phí cho sinh viên trong mùa dịch với mức giảm từ 7 - 20% học phí, tùy từng trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.