Tính mở trong giáo dục khai phóng
Giáo dục khai phóng (GDKP) với mục đích giáo dục toàn diện, hệ thống kiến thức rộng. Ở Việt Nam, cũng đã có những trường đại học thực hiện theo xu hướng này. Tiêu biểu trong số đó có Trường ĐH Việt - Nhật. GS Furuta Motoo – Hiệu trưởng trường này, cho biết: Xã hội luôn cần GDKP, ở Trường ĐH Việt - Nhật, học viên được tự do lựa chọn những môn học ở những chương trình đào tạo khác ngoài học phần của mình: Học viên Kỹ thuật Môi trường có thể học môn học từ chương trình Biến đổi khí hậu và phát triển; học viên Quản trị Kinh doanh có thể học môn học từ chương trình chính sách công... Người học được học tập trong môi trường mà họ được tôn trọng về sở thích và khao khát tìm kiếm tri thức, được khuyến khích chủ động thể hiện và tiếp thu tri thức.
Với tinh thần khai phóng, hướng đến giáo dục bền vững, Trường Đại học Việt - Nhật đã xây dựng Khoa học bền vững nhằm nghiên cứu chuyên sâu về bản chất sự bền vững, cũng như việc nhận diện các rủi ro và tìm các giải pháp khả thi giải quyết các vấn đề đang và sẽ đe dọa sự phát triển bền vững của con người mà mỗi cá nhân, nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay phải đối mặt.
Vẫn còn mới mẻ và chưa phổ biến, nhưng có thể nói tinh thần khai phóng trong giáo dục đại học đã ít nhiều lan tỏa tới nhiều trường. Làm được đến thang bậc nào theo định nghĩa của GDKP còn tùy từng điều kiện và ý chí của từng nhà trường, có trường quyết tâm đẩy mạnh thực hiện và đưa hẳn vào mục đích như Trường ĐH Việt – Nhật, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành…, có trường manh nha đưa vào như một số đại học ngoài công lập có điểm tựa vững mạnh về kinh tế, có trường định hướng cho tương lai như những đại học non trẻ nhưng lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng biết cách hoặc định cho tương lai. Nhưng cũng có không ít trường nếu chiểu theo những giá trị của GDKP thì tinh thần khai phóng đã khá là phổ biến và thấm sâu vào các hoạt động.
Ảnh minh họa |
Mong muốn và là đích hướng tới
Là một trường đại học địa phương non trẻ nhưng hướng đi vững chắc và những giá trị đạt được cho thấy GDKP đã sớm hình thành và tinh thần này rất phù hợp với định hướng phát triển của nhà trường. PGS.TS Phạm Tiết Khánh – Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, cho biết: Phát triển mô hình đào tạo đa ngành, đa cấp, đa phương thức đào tạo thích ứng nhu cầu xã hội và nhu cầu “học tập suốt đời”, từ sau đại học, ĐH, CĐ đến các chương trình đào tạo theo địa chỉ sử dụng lao động.
Hiện nay, trường chúng tôi đào tạo 33 ngành bậc cao học, 58 ngành bậc ĐH, 25 ngành bậc CĐ và nhiều chương trình đào tạo khác theo đơn đặt hàng. Phương thức đào tạo chính qui, vừa làm vừa học, văn bằng 2, liên thông, đào tạo quốc tế, đào tạo trực tuyến, từ xa, bồi dưỡng nghiệp vụ… Tất cả đều hướng đến mục tiêu cao nhất là “Mang đến cơ hội học tập chất lượng cho cộng đồng”.
Có thể dễ dàng nhận thấy cách thức mà Đại học Trà Vinh triển khai đã và đang tiệm cận với GDKP. Trường mở rộng các chương trình đào tạo Coop – đào tạo gắn kết doanh nghiệp trong và ngoài nước, trải nghiệm nghề nghiệp thực tế, vừa học, vừa làm và được trả lương. Mở rộng các vườn ươm ý tưởng khởi nghiệp và khởi nghiệp trong sinh viên.
Hình thành hợp tác xã sinh viên với đa dạng mô hình khởi nghiệp như: Cửa hàng văn phòng phẩm và lưu niệm, cửa hàng rau quả an toàn, cà phê sinh viên… Phát triển “ Maker space - không gian sáng chế ” với các trang thiết bị, phòng lab chuyên sâu tại các khoa để sinh viên, giảng viên nghiên cứu khoa học và nghiên cứu ứng dụng theo đơn đặt hàng của đối tác. Tất cả các hoạt động đều hướng tới sinh viên làm trung tâm trong mọi hoạt động, quá trình đào tạo được xem là quá trình cốt lõi các quá trình khác chỉ được xem là “phục vụ” để nâng cao các giá trị cho “quá trình đào tạo”.
Những kết quả đạt được của Đại học Trà Vinh cho thấy, tinh thần GDKP đã lan tỏa sâu rộng vào các hoạt động và đem lại những giá trị nhất định. Năm 2018, Đại học Trà Vinh vào Top 100 trường đại học đáng học nhất ở Việt Nam và xếp hạng 22 theo bảng xếp hạng Webometrics lần thứ hai của năm 2018...