Với nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ – những người hằng ngày gắn bó với Đờn ca tài tử thì đây như một lời kính cáo, lời tri ân với tiên tổ, với tất cả những cá nhân, tổ chức đã góp phần sáng tạo, gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật rất đỗi bình dị, tự nhiên mà thanh cao hết sức độc đáo này...
Trăm năm tao ngộ một giờ!
Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao văn Lầu có tổng diện tích mặt bằng 12.500 m2 |
Từ những thập niên giữa và cuối thế kỉ thứ XVII, những đoàn người hướng về phương Nam, trong hành trang mang theo có cả những âm điệu của quê nhà.
Sự thay đổi của phong thổ, đất đai cùng sự hào phóng của thiên nhiên nơi vùng đất mới đã làm thay đổi tính cách những lưu dân, để rồi trở nên rộng mở và thoải mái hơn…
Lần hồi đã hình thành nên tính cách phóng khoáng, hào hiệp, nghĩa tình của những người dân phương Nam; hình thành nên văn hóa sông nước, văn minh miệt vườn và hòa quyện, giao thoa của nền văn hóa cộng cư Kinh, Khmer, Hoa, Chăm...
Cùng với đó, một loại hình nghệ thuật mới đã ra đời trên nền tảng âm nhạc cung đình Huế, nhạc lễ Nam bộ và dân ca, đó chính là Đờn ca tài tử Nam bộ. Chính vì vậy mà Đờn ca tài tử được đông đảo người dân hấp thụ, trao truyền và sáng tác, sáng tạo.
Trải qua trăm năm dâu bể, biết bao thăng trầm, đến ngày hôm nay nghệ thuật Đờn ca tài tử được thế giới vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tiếp nối là một Festival Đờn ca tài tử được tổ chức tầm quốc gia khiến cho người mộ điệu Đờn ca tài tử, những nghệ nhân, nghệ sĩ hết sức “nức lòng”.
Nói như lời của ông Võ Văn Dũng - Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu: “Niềm hạnh phúc ấy trước hết là do công sức, trí tuệ, tâm huyết của các bậc tiền nhân, của bao thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân đã lao động sáng tạo, gìn giữ, trao truyền mà có…”.
Những câu ca, điệu đờn chất phát, ngọt ngào của loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử không thuần tuý là những câu ca, điệu đờn, mà chính là tình người, tình đất của phương Nam. Chính vì vậy mà nó không chỉ tồn tại và thăng hoa trong phạm vi Nam bộ, mà còn lan tỏa đến cả trong và ngoài nước…
Xứng danh vùng đất được coi là “chiếc nôi” của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, Bạc Liêu cùng với các địa phương trong vùng tổ chức Lễ hội Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất như một lời kính cáo, lời tri ân với tiên tổ, với tất cả những cá nhân, tổ chức đã góp phần sáng tạo, gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật rất đỗi bình dị, tự nhiên mà thanh cao, bác học hết sức độc đáo này. Đâ sẽ là nơi giao lưu, gặp gỡ của các nghệ nhân, nghệ sĩ và người mộ điệu cả nước.
Là diễn đàn trao đổi, bàn luận về trách nhiệm bảo tồn, lưu giữ và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử. Festival còn là chuỗi sự kiện với tâm điểm là tôn vinh, quảng bá nhằm làm cho Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ được hội tụ và tỏa sáng…
Ông Võ Văn Dũng cho biết: Thông qua Festival Đờn ca tài tử, lần đầu tiên sẽ thực hiện sự kết nối phát triển du lịch giữa các tỉnh Nam Bộ với nhau và Nam Bộ với các tỉnh trọng điểm du lịch của cả nước. Thông qua hội chợ chuyên đề về du lịch nhằm đẩy nhanh tăng trưởng của ngành kinh tế mũi nhọn này.
Nhưng điều quan trọng hơn hết của cuộc gặp gỡ lần này chính là dịp để các tỉnh thành Nam Bộ gắn bó tình cảm với nhau hơn, chung sức chung lòng, liên kết chặt chẽ với nhau hơn để cùng nhau phát triển, cùng nhau đưa Nam Bộ đi lên trong sự phát triển chung của đất nước. Mà một trong những động lực của sự phát triển ấy chính là văn hóa…
Sức sống của Đờn ca tài tử
Các nghệ nhân tham gia biểu diễn tại Festival Đờn ca tài tử tổ chức tại Bạc Liêu |
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm vinh dự, tự hào của Việt Nam nói chung và của 21 tỉnh, thành Nam Bộ nói riêng.
Tuy nhiên đây cũng là trách nhiệm lớn lao đối với việc phát huy và gìn giữ những di sản quý báu, tốt đẹp mà các thế hệ cha ông đã trao truyền lại bằng mồ hôi và cả máu xương cùng tình yêu, niềm tin và hy vọng vào thế hệ mai sau.
Điều đáng trân trọng và cái hay, cái đặc sắc nhất của nghệ thuận Đờn ca tài tử là ở chỗ từ bài bản thì người chơi còn có tính tùy hứng, tính công bình, tính nhường nhịn… đúng với tên gọi “tài tử” của loại hình nghệ thuật độc đáo có một không hai này.
Theo GS.TS Trần Văn Khê, khi quan sát môi trường, con người và nếp sống miền Nam sẽ rõ tại sao bài bản không còn giữ được chuẩn (tính từ cái gốc ca Huế).
Đó là do người đờn, người ca không muốn giữ nguyên si bài bản như thầy đã dạy, mà luôn có đôi nét thêm thắt thay đổi, tô điểm, đưa một chút “ta” vào trong “chúng ta”.
Do lòng luôn thương nhớ cội nguồn, nên mặc dầu trong Đờn ca tài tử có rất nhiều điệu, nhiều giọng, nhiều hơi, nhưng các điệu, các hơi diễn tả nỗi u buồn, được người ca và người nghe thích thú, say mê trong diễn tấu, miệt mài trong thưởng thức...
Điều này đã minh chứng rằng nghệ thuật Đờn ca tài tử không chỉ có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam bộ, còn là cầu nối giữa văn hóa bác học và văn hóa dân gian.
Dù đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử nhưng loại hình âm nhạc mang đậm dấu ấn dân gian này vẫn luôn được lưu giữ và không làm mất đi những nét tinh túy riêng.
Vẫn đủ sức lan tỏa và hấp dẫn nhiều thế hệ người chơi và người thưởng thức, phản ánh tâm tư tình cảm gợi lên cuộc sống của người dân vùng sông nước Nam Bộ…
Những cung thương sâu nặng ân tình ấy đã song hành với thời gian, hơn một thế kỉ đi cùng cuộc khẩn hoang lập nghiệp của những cư dân mới và đã trải dài suốt một vùng đất vừa mới được khai phá.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử mang đậm hồn tính phương Nam và là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Nam bộ không thể trộn lẫn.
Bản sắc văn hóa Nam Bộ chính là động lực để Nam bộ phát triển, mà Nghệ thuật Đờn ca tài tử là yếu tố rất quan trọng góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa ấy.
Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 chính là nhằm góp phần làm sâu sắc thêm tiềm năng, lợi thế và sức mạnh của Nam Bộ, là diễn đàn phát đi thông điệp: “Phải bảo tồn, phát huy những giá trị vĩnh hằng ấy”.
Tại Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được tổ chức trong khuôn khổ Festival Đờn ca tài tử, GS.TS Trần Văn Khê đề xuất:
Nên phổ biến Đờn ca tài tử không chỉ trong lễ hội mà có thể tổ chức những buổi Đờn ca tài tử có giải thích cho HS cấp Tiểu học, Trung học.
Những xưởng đóng đàn ngoài việc tạo ra nhạc khí cao cấp, nên tạo ra những nhạc khí trung bình với mức giá vừa phải để người mới vào nghề và học sinh tập sự có thể mua được. Những doanh nghiệp lớn có thể tài trợ tổ chức hằng năm những cuộc liên hoan Đờn ca tài tử.
Công việc giữ gìn, phát triển và phổ biến Đờn ca tài tử không phải chỉ riêng giới chuyên môn mà mọi người, nhất là chính quyền nên chung tay, tạo mọi điều kiện thuận lợi, có chế độ ưu đãi cho nghệ nhân, nhạc sĩ, nghệ sĩ truyền nghề, tạo cho dân chúng điều kiện để hưởng ứng những chương trình Đờn ca tài tử đúng nghĩa...