Tình người ở làng phong

GD&TĐ - Nói đến làng phong Đăk Kia ở xã Đoàn Kết, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, không thể không nói đến những người đã tình nguyện về sinh sống với làng, đem lại sự hồi sinh mầu nhiệm cho những bệnh nhân phong nơi này. 

Bà Y Phương thăm hỏi một bệnh nhân phong
Bà Y Phương thăm hỏi một bệnh nhân phong

Đổi thay ở làng phong

Những con đường đất vào làng phong Đăk Nia đầy phân gia súc trước kia đã được bê tông hóa thẳng tắp, sạch sẽ. Bên cạnh nhà rông truyền thống được những cư dân làng phong dựng nên là ngôi trường tiểu học xinh xắn của con em bệnh nhân phong.

Những ngôi nhà xập xệ trước đây được thay thế bằng những khu dân cư khang trang, thoáng đãng, sạch sẽ. Trước mỗi nhà đều có thảm cỏ xanh được chăm sóc, gọt tỉa cẩn thận, gợi cho người đến thăm làng phong một cảm giác dễ chịu, yên bình… và phía bên kia đường làng,là ngôi nhà thờ dành cho những cư dân làng phong Đăk Kia.

Trên con đường làng dẫn đến bệnh xá phong Đăk Kia, những bệnh nhân phong chậm rãi rê bước trên đôi chân tàn tật đến bệnh xá tìm chỗ hong nắng buổi sớm, một số thì đến lấy thuốc, rửa vết thương…, đó là việc thường ngày trong suốt quãng đời “làm cư dân” ở làng phong.

Bác sĩ Y Hà Lâm - người phụ trách bệnh xá phong Đăk Kia - chia sẻ: “Những bệnh nhân phong ở đây đều được điều trị, chăm sóc chu đáo. Những người mới mắc bệnh được chữa trị kịp thời đã khỏi bệnh.

Số bệnh nhân mắc bệnh lâu ngày, để lại di chứng tàn tật thì phải dùng thuốc, chăm sóc vết thương hàng ngày. Những người mắc bệnh nặng dần qua đời nên số bệnh nhân phong nặng đã giảm dần”.

Bà Y Phương chăm sóc cây cảnh tạo môi trường xanh đẹp cho làng phong

Bà Y Phương chăm sóc cây cảnh tạo môi trường xanh đẹp cho làng phong

Thôn trưởng thôn Đăk Kia (làng phong Đăk Kia) - A Nhiêh cho biết: “Thôn Đăk Kia có 186 hộ gia đình với gần 700 nhân khẩu, trong đó có khoảng 30 người sống độc thân. Trong làng hiện chỉ còn 80 người mắc bệnh phong, đặc biệt là những người sống độc thân bị tàn tật nặng, lở lói tứ chi, không tự chăm sóc cho bản thân mình, nên phải có y tá hay các sơ của làng phong chăm sóc, chữa trị”.

Ngoài được chế độ chăm sóc, chữa trị miễn phí, những bệnh nhân phong là trại viên do bệnh xá quản lý được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn mỗi người 30.000 đồng/ngày. Còn bệnh nhân là trại viên hay bệnh nhân cộng đồng có bệnh án thì được hỗ trợ tiền ăn 40.000đ/ngày. Bệnh xá còn có bếp ăn được xây dựng khang trang, đảm bảo nguồn thức ăn sạch cho bệnh nhân điều trị…

Ngoài ra những bệnh nhân phong ở đây cũng thường được các tổ chức từ thiện, nhân đạo xã hội khắp mọi miền đất nước đến thăm và tặng quà nên phần nào cũng đã xoa dịu được nỗi đau trên cơ thể, giúp họ thêm nghị lực chống chọi với bệnh tật…

Lặng lẽ hiến dâng

Nói đến làng phong Đăk Kia, không thể không nói đến những người tình nguyện về sinh sống tại làng phong, để chăm sóc những người bị bệnh. Trong số đó phải kể đến bà Y Phương (sơ Phương), năm nay đã 81 tuổi, nhưng đã có “thâm niên” gần 60 năm sống tại ngôi làng này…

Vào những năm của thập kỷ 50 (thế kỷ XX), trại phong Đăk Kia có khoảng gần 1.000 bệnh nhân từ các tỉnh Tây Nguyên đổ dồn về để chữa trị. Hầu hết, những bệnh nhân này đều ở thời kỳ bệnh phát tác mạnh, lở loét và thối rữa tứ chi... nhưng phương pháp điều trị lúc bấy giờ khá đơn giản vì chưa có thuốc đặc trị như bây giờ.

Hầu hết những con bệnh chỉ được truyền nước, tiêm thuốc kháng sinh penicelin, bệnh nặng thì rửa vết thương bằng cồn, nước muối, băng bó. Thông thường, những bệnh nhân phong ở giai đoạn cuối, vết thương bị lở loét, thối rữa và rất nặng mùi, cảm giác rất ghê sợ.

Đã có nhiều người tình nguyện vào đây nhưng được một thời gian thì xin thuyên chuyển hoặc bỏ việc. Nhưng đối với bà Y Phương tình cảm, trách nhiệm không cho phép bà sợ hãi hay ghê tởm trước những vết thương của bệnh nhân.

Ngày qua ngày, bà không lo lắng nguy cơ lây lan của con bệnh mà vẫn ân cần chăm sóc, rửa ráy, tỉ mỉ băng bó từng vết thương, quan tâm từng con bệnh như người ruột thịt của mình cho đến ngày nghỉ hưu vào năm 2011.

Hiện nay, mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu những bà vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Bà cho biết, cách đây mấy năm, một cơn bạo bệnh tưởng chừng đã cướp đi mạng sống bà. Nhưng nhờ nghị lực và chữa trị kịp thời, nên bà đã khỏe lại.

Sơ Y Dung - một y tá vừa tốt nghiệp ra trường cũng tình nguyện về làng phong Đăk Kia, cho biết: “Bà Y Phương nghỉ hưu rồi, nhưng hàng ngày bà vẫn đi trồng bầu, bí, rau xanh… Dư dả chút ít thì bà cũng san sẻ cho những bệnh nhân phong. Tuy đã có chúng tôi thay thế bà, nhưng mỗi khi có bệnh nhân phong đến tìm, bà vẫn chăm sóc, rửa ráy vết thương cho họ. Ngoài ra, mỗi khi có tổ chức từ thiện nào đó tặng quà cho bệnh nhân phong, bà không quản ngại tuổi cao, sức yếu, mang quà đến từng nhà phân phát đều cho các bệnh nhân…”

Những bệnh nhân phong đang trang trí một công trình

Những bệnh nhân phong đang trang trí một công trình

Tấm lòng và phẩm cách của bà Y Phương đãtrở thành biểu tượng tốt đẹp của cư dân làng phong. Quên mình và lặng thầm hy sinh vì những bệnh nhân phong, bà Y Phương đã làm không ít trái tim người lay động.

Sơ Y Dung chia sẻ thêm, ngoài tôi còn có sơ SisKa cũng tình nguyện về đây phục vụ và chăm sóc những bệnh nhân phong thay bà Y Phương. Hàng ngày nhìn thấy phẩm cách và đạo đức của bà, chúng tôi cảm phục lắm và quyết học tập theo gương của bà.

Chúng tôi đã có dịp theo chân bà Y Phương và sơ Y Dung đến thăm những bệnh nhân phong nặng. Trước khi đi, bà Y Phương không quên mang theo dụng cụ rửa vết thương, băng gạc, thuốc sát trùng… Bà Y Phương nói: “Sẵn đây rửa vết thương cho họ luôn, để họ khỏi phải vất vả đi đến chỗ mình”.

Bà Y Phương và sơ Y Dung lần lượt đến từng nhà và trong khoảng thời gian ngắn, cả hai người đã rửa, chăm sóc vết thương cho 5-6 người. Mặc dù đối diện với những vết thương lở loét, mưng mủ nhưng khuôn mặt hai người phụ nữ này không có biểu hiện gì là ghê sợ. Trong số các bệnh nhân, có người đã được chăm sóc như vậy hàng chục năm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ