379 hành khách và phi hành đoàn đã thoát khỏi “ngọn đuốc khổng lồ” chỉ trong 90 giây.
Đó là một điều thần kỳ và đầy may mắn. Nhưng cũng phải nói ngay rằng, nếu phi hành đoàn và đặc biệt là các tiếp viên thiếu đi tính chuyên nghiệp thì không biết hậu quả sẽ như thế nào?
Xem các video ghi lại hình ảnh chiếc Airbus bốc cháy khi đang lao trên đường băng với vận tốc hàng trăm km/h mà rùng mình. Họ chỉ có 90 giây để xử lý sự cố, đưa toàn bộ 379 người thoát khỏi ngọn lửa đang trùm lên chiếc máy bay.
Cuộc chạy đua thoát khỏi tử thần diễn ra trong 90 giây, một khoảng thời gian không đủ cho mọi sự chần chừ toan tính như một lập trình cài đặt sẵn. Nhưng đó là sự “lập trình” rất chuyên nghiệp, không được phép sai số.
Sự nhanh nhẹn, dứt khoát trong từng động tác của các tiếp viên hàng không khi hướng dẫn cho hành khách thoát hiểm, tính kỷ luật của người Nhật được thể hiện rõ nhất trong hoàn cảnh này.
Tất cả đều tuân theo hướng dẫn của tiếp viên hàng không mà không có cảnh chen lấn, xô đẩy, tranh nhau thoát hiểm như ta vẫn thường thấy trong các đám cháy có đông người ở khắp nơi trên thế giới.
Người Nhật cùng bộ máy vận hành đất nước của họ luôn luôn chính xác. Chính xác đến từng vài ba chục giây như tàu điện chẳng hạn. Ấy thế mà một sự cố hàng không đã xảy ra, gây bất ngờ cho không ít người trước sự “vô lý” ở những nơi cần sự chính xác tuyệt đối.
Một máy bay đang đỗ trên đường băng mà vẫn có một chiếc khác đáp xuống! Có một sai lầm nào đó đã xảy ra ở một công đoạn nào đó trong quá trình điều hành cất - hạ cánh ở sây bay này.
Nhưng đó mới là cuộc sống, có những điều đã và sẽ xảy ra ngoài dự đoán và sự tưởng tượng của con người. Vấn đề là ở chỗ, xử lý những tình huống ấy phải là những con người chuyên nghiệp với tính kỷ luật được đặt cao nhất. Tính kỷ luật đã trở thành một đặc tính văn hóa của người dân Nhật.
Trong các tiệm ăn uống hoặc các cửa hàng mua sắm mà cần phải xếp hàng thì dù có hai người khách, người Nhật vẫn xếp hàng! Tính kỷ luật đó nay được vận vào việc thoát khỏi đám cháy máy bay trong trật tự tuyệt đối. Chỉ cần lộn xộn, vô kỷ luật một chút là sẽ xảy ra cảnh chen lấn, xô đẩy tìm lối thoát hiểm và điều kỳ diệu sẽ không đến với hàng trăm hành khách hôm ấy mà chắc chắn sẽ có một thảm kịch xảy ra!
Gần 13 năm trước, vào ngày 11/3/2011, cả thế giới đã chứng kiến thảm cảnh động đất và sóng thần đã xảy ra ở Nhật làm chết và mất tích gần hai vạn người. Trong hoang tàn đổ nát ấy, những em bé lên năm lên bảy của nước Nhật vẫn xếp hàng nghiêm ngắn để đợi đến lượt mình nhận lương thực cứu trợ dù các cháu ấy đang đói lả! Cách đây mấy hôm, chúng ta lại chứng kiến một lần nữa tính kỷ luật của người Nhật đã cứu lấy chính mạng sống của họ.
Người Việt đã học được bài học gì về các sự cố này?