U80 sống vui khỏe vì làm việc mang tính kỷ luật

Bác tôi còn là người thực sự nhẫn nại, khiêm tốn và hào phóng. Với từng lời khuyên của mọi người, dù không đồng ý với họ, bác vẫn nhẫn nại lắng nghe và tôn trọng sự khác biệt ấy. Còn với những lời khen, bác lại khiêm tốn đón nhận.

U80 sống vui khỏe vì làm việc mang tính kỷ luật
Nhìn thấy bác tôi đang lom khom chăm những luống rau ngoài ruộng, cô Mai liền cất lời: “Bà để các con, các cháu làm thôi bà ơi! Bà lớn tuổi rồi dành sức nghỉ ngơi bà ạ!”. Nghe tiếng, bác tôi liền đáp: “Cô Mai đấy à? Tôi còn sức nên vẫn muốn làm cô ạ”. Không lạ gì câu trả lời của bác tôi vì bác ấy là người đã quen lao động từ nhỏ. Vì thế mà việc ngồi chơi với bác lại là điều khó khăn.
Chẳng riêng gì cô Mai, nhiều người đến nhà chơi, nếu thấy bác tôi chăm con lợn, con gà, chăm đám rau, dọn cỏ dại trong vườn bằng đôi tay nhanh nhẹn ở tuổi gần 80, ai cũng đều khuyên bác nghỉ ngơi. Người bảo: “Tuổi như chị em mình sống được mấy nữa, thôi để bọn trẻ nó làm chị ạ”, người lại bảo: “Bà vẫn khỏe thật đấy nhưng cứ tiếc việc làm gì. Tuổi này để các con, các cháu nó hầu được rồi”.
Ai khuyên bác tôi cũng cám ơn nhưng vẫn đều đặn làm việc nhà, ruộng vườn phụ giúp các con, các cháu. Bác giải thích cho tôi: “Quen lao động từ nhỏ rồi, giờ bác phải vận động như thế mới khỏe người. Chứ giờ cứ ngồi một chỗ là ốm ngay”. Bác còn bảo: “Giờ làm được việc gì có ích bác đều thấy vui. Mà có vui thì người mới khỏe”.

wnv1f.jpg

Ngày qua ngày, trong suốt nhiều năm, bác tôi luôn thức dậy từ gà gáy, thứ âm thanh quen thuộc cất lên từ chuồng gà ở sau vườn. Bác có thói quen rửa mặt bằng nước giếng, cái giếng hiếm hoi bác tôi còn giữ lại được khi mà nhà nhà đã chuyển sang dùng nước máy. Bác sẽ tự nấu cơm ăn buổi sáng. Bác bảo: “Chẳng phải tiết kiệm gì nhưng vì cái dạ dày của bác đã quen với những bữa cơm sáng”. Thi thoảng, bác mới dùng bữa sáng các con, cháu mua ở ngoài hàng về cho chúng vui.
Sau khi đã xong việc cho lợn, gà ăn, chăm ruộng, vườn, bác dành thời gian nghỉ ngơi. Bữa ăn trưa của bác cùng gia đình là lúc 12 giờ hàng ngày. Chiều đến, bác lại quay với những công việc quen thuộc. Buổi tối, bác dùng cơm cùng đông đủ con, cháu lúc 7 giờ tối. Thời gian biểu một ngày của bác là vậy.
Bác bảo tôi rằng, tạo được thói quen làm việc đều đặn, ăn uống đúng giờ cũng là một trong những cách để bác có được sức khỏe dẻo dai như hiện tại. Nhiều người lúc đầu không hiểu nhưng giờ thì đều nhận thấy được lợi ích từ việc tạo thói quen và thực hiện điều đó chăm chỉ mang tính kỷ luật của bác tôi.
Thêm nữa, bác tôi còn là người thực sự nhẫn nại, khiêm tốn và hào phóng. Với từng lời khuyên của mọi người, dù không đồng ý với họ, bác vẫn nhẫn nại lắng nghe và tôn trọng sự khác biệt ấy. Còn với những lời khen, bác lại khiêm tốn đón nhận.
Chưa kể với thành quả lao động của mình dù chỉ là bán được con lợn, con gà, số tiền thu được bác tôi sẽ dành một phần làm quà thưởng thành tích học tập của các cháu hàng năm. Phần còn lại bác thường công đức vào đình, chùa những dịp lễ, Tết. Thường ngày, bác cũng hay chia sẻ với hàng xóm, láng giềng quả trứng gà, nắm rau do chính tay mình làm ra.
Ngoài sự hào phóng, thân thiện với mọi người, bác tôi còn luôn quan tâm và ghi nhớ các câu chuyện của người thân, họ hàng một cách cẩn thận. Bác lắng nghe để có thể hiểu, để động viên và cho mọi người lời khuyên đúng lúc. Bởi vậy mà ở tuổi gần 80, bác vẫn là người mà các con, cháu trong đó có tôi, luôn muốn tìm đến để chia sẻ câu chuyện của mình và tìm kiếm lời khuyên hữu ích trong cuộc sống.
Theo Phunuvietnam.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.