Tính khối lượng thế nào?

Theo lộ trình nêu trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trước ngày 1/1/2025 sẽ thực hiện thu phí đối với việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, chủng loại chất thải phát sinh.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý. Phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được phân loại không phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý...

Về lý, điều này là đúng bởi như phân tích của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, quản lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân từ lúc phát sinh đến thu gom, vận chuyển và xử lý là vấn đề bức xúc, cấp thiết đặt ra đối với hầu hết các khu vực đô thị và nông thôn hiện nay. Bởi vậy, quy định về phân loại, tính chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại nhằm khuyến khích phân loại từ hộ gia đình, cá nhân; bảo đảm công bằng trong việc chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý theo hướng phát sinh nhiều thì trả tiền nhiều, không cào bằng, bình quân theo đầu người như hiện nay là cần thiết.

Vậy nhưng tổ chức thực hiện như thế nào? Theo dự thảo Luật, đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý. Vậy ai sẽ là người kiểm tra xem các loại rác đã bỏ vào bao bì đúng quy định hay chưa? Ai sẽ là người thông báo cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý? Cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào...?

Chắc chắn rằng, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ đơn giản hơn nhiều nếu thực hiện phân loại tại nguồn. Nhưng để thực hiện được không phải cứ nói, cứ quy định, cứ yêu cầu là được mà cần phải có chế tài xử lý thật nghiêm nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, đồng thời với đó là các cơ chế khuyến khích phù hợp. Cũng có ý kiến cho rằng, nên có phương thức khác nhau với chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp. Ví dụ, đơn vị thu gom phân loại cần trả tiền cho các hộ gia đình thì mới khuyến khích được người dân. Nếu bắt người dân trả tiền, họ không trả lại vứt bừa. Còn nếu được trả tiền, dù không đáng bao nhiêu nhưng người dân có ý thức sẽ phân loại, thu gom sạch sẽ...

Thu phí là cần thiết nhưng vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào. Việc tính toán số lượng, chủng loại chất thải phát sinh sẽ theo đơn vị túi, khối hay kg? Thu phí theo khối lượng, về lý thuyết có thể sẽ tác động trực tiếp tới người dân, nhưng mức độ tác động đó liệu có đủ để điều chỉnh hành vi xả thải? Liệu có dẫn đến nhập nhèm trong phân loại rác và hơn nữa là đổ trộm để không phải trả phí hoặc trả phí ít đi? Những câu hỏi này cần được trả lời thấu đáo. Nếu không, sẽ khó có giải pháp thực sự hữu hiệu. Và rác thải vẫn chưa thể thành tài nguyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ