(GD&TĐ)- Các chuyên gia kinh tế đánh giá, tình hình kinh tế tháng 4 và 4 tháng đầu năm nay tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với tình hình lạm phát tăng cao gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tâm lý lo lắng trong nhân dân; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng chậm.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất. |
Giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu được cải thiện đã góp phần vào tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu 4 tháng năm 2011. Cụ thể, giá hạt điều tăng 40%, cà phê tăng 54%, hạt tiêu tăng 66%, than đá tăng 32%, dầu thô tăng 38%. Tính riêng yếu tố tăng giá cả các mặt hàng này đã làm cho kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay tăng khoảng 2,1 tỷ USD.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng ước đạt 605 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện đạt 56,6 nghìn tỷ đồng, bằng 26% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế còn một số vấn đề tồn tại như: nhập siêu có xu hướng giảm nhưng vẫn còn khá cao. 4 tháng, kim ngạch nhập khẩu đã đạt 31 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,9 tỷ USD, tăng 35%.
Đáng chú ý nhất, trong 4 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giảm gần 50% so với cùng kỳ. Lượng vốn nêu trên được đăng ký cho 350 dự án (gồm cả cấp mới và tăng thêm). Riêng số dự án được cấp phép mới là 262 dự án không giảm so với cùng kỳ, nhưng vốn đăng ký chỉ đạt khoảng 3,2 tỷ USD, bằng 57% so với 4 tháng đầu năm ngoái.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đứng đầu về số dự án cấp mới và tăng vốn trong 4 tháng đầu năm với 205 dự án (với tổng vốn đạt 2,44 tỷ USD). Tiếp đó là các dự án dịch vụ lưu trú-ăn uống, cấp nước-xử lý chất thải và kinh doanh bất động sản.
Tuy thu hút vốn mới giảm mạnh nhưng giải ngân FDI vẫn tương đương 4 tháng đầu năm 2010 với lượng vốn ước đạt khoảng 3,6 tỷ USD.
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, những giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn thị trường và giá cả; rà soát lại các công cụ, chính sách tiền tệ như: tăng tổng phương tiện thanh toán; tăng tổng dư nợ tín dụng; lãi suất.
Bên cạnh đó, bộ cũng tập trung quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; rà soát và cắt giảm vốn đầu tư phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP; chú trọng việc giải ngân vốn nguồn vốn ODA, FDI để đảm bảo thu hút ngoại tệ.
Vietnam+