Tinh giản biên chế: Cần đồng bộ và quyết liệt

GD&TĐ - Hiện tại, cả nước có đến 11 triệu người hưởng lương, chế độ phụ cấp từ ngân sách quốc gia. Theo quy định của Bộ Nội vụ, mỗi đơn vị xã chỉ có khoảng từ 50 - 70 cán bộ được hưởng lương, nhưng thực tế con số này tăng lên gấp 3 lần, trung bình mỗi xã có đến 150 - 170 cán bộ xã, thôn.

Tinh giản biên chế: Cần đồng bộ và quyết liệt

Thống kê mới đây của Bộ Nội vụ cho thấy, hiện cả nước có 1,5 cán bộ cấp thôn đương nhiệm hưởng chế độ Nhà nước. Bộ máy, ban bệ ở cấp trên sao thì ở cấp xã, thôn y tương tự. Gần đây, ở một số tỉnh xảy ra tình trạng “lạm phát” cấp phó. Tỉnh Gia Lai, tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 45 cán bộ thì có đến 21 vị trí lãnh đạo, hay Sở Xây dựng có 33 cán bộ nhưng 17 người làm lãnh đạo. Tỉnh Thanh Hóa, riêng tại Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cấp phó giám đốc lên đến 8 vị.

Theo Thông tư liên tịch giữa Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan đều có quy định cụ thể về số lượng các chức danh lãnh đạo, đối với cấp phó giám đốc các sở thì không quá 3 người. Khi được hỏi, tại sao địa phương không làm đúng quy định của cấp trên thì các vị lãnh đạo ở đó biện hộ đủ lý do, nào địa bàn rộng, dân số đông, quản lý không xuể; nào có người sắp nghỉ hưu, luân chuyển đi chỗ khác…

Vấn đề tinh giản được dư luận xã hội rất quan tâm; công tác chỉ đạo rất tập trung, các loại văn bản, kế hoạch thì khá đầy đủ nhưng kết quả thực tế thu được rất đáng buồn: 6 tháng đầu năm 2016 mới “giải quyết” được 10.000 trường hợp, chỉ bằng 1/4 chỉ tiêu đề ra. Tình trạng bội chi ngân sách ngày càng gia tăng có nguyên nhân chính từ bộ máy hành chính, số người hưởng từ ngân sách quá lớn.

Hệ lụy của một bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả thì ai cũng đều biết. Đã đến lúc cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt. Trước hết là Bộ Nội vụ có nhiệm vụ rà soát và thống nhất, đồng bộ các văn bản, quy định về tuyển dụng mới và tinh giản biên chế từ Trung ương đến địa phương, mọi ngành nghề, lĩnh vực. Mặt khác, các quy định của cấp trên khi ban hành, triển khai thực hiện phải được tuân thủ đầy đủ, triệt để; những cá nhân, tập thể nào cố tình bổ nhiệm sai, bổ nhiệm dư thừa cán bộ, công viên chức thì kiên quyết xử lý, kỷ luật thật nghiêm, không có chuyện bao biện lý do thế này, thế khác.

Đồng thời tiến hành sáp nhập lại những bộ phận, ban ngành giống nhau về chức năng, nhiệm vụ ở 4 cấp (xã, huyện, tỉnh, Trung ương) để giảm bớt các chức danh, đầu mối, các công viên chức không cần thiết. Nói đi đôi với làm. Cái duy tình, dễ dãi, xuề xòa, các mối “quan hệ” khác chi phối… trong tuyển chọn và đánh giá nhân sự, công chức, viên chức cần đẩy lùi triệt để, xây dựng quy trình tuyển dụng và giám sát, kiểm tra một cách chặt chẽ, minh bạch, thống nhất.

Tiến đến, cách làm, cơ quan, đơn vị Nhà nước, năm nào cũng có tuyển mới (để chọn những người có năng lực, phẩm chất tốt) và sẵn sàng thải loại dần những cán bộ, công chức, viên chức không làm được việc; dựa trên các tiêu chí, phân loại cán bộ cụ thể, công khai, giao toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị ấy.

Chỉ có vậy, mới xây dựng được một bộ máy hành chính, chính trị gọn nhẹ, làm việc minh bạch, năng động, hiệu quả, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Chỉ có vậy, lương bổng, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức mới tốt lên được. Một khi lương bổng đảm bảo; công tác đánh giá, bổ nhiệm chặt chẽ, nghiêm túc sẽ hạn chế được tình trạng cán bộ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.