Mấy tháng nay, hàng trăm giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn và các quận, huyện khác của TP Hà Nội đứng ngồi không yên vì có nguy có “mất việc”. Trước đó cũng có hàng trăm giáo viên hợp đồng ở các địa phương khác cũng như “ngồi trên đống lửa” vì lo sợ bị cắt hợp đồng.
Nguyên nhân của câu chuyện này có liên quan mật thiết đến hai từ “biên chế”. Đối với giáo viên hợp đồng, đương nhiên là họ nằm ngoài diện biên chế. Vì thế, muốn tiếp tục bám trụ với nghề thì họ phải trải qua kỳ thi tuyển dụng viên chức.
Nhiều giáo viên phân trần, họ đứng lớp giảng dạy hàng chục năm nay, công việc hàng ngày là đứng trên bục giảng, làm bạn với “Phấn trắng, bảng đen” vì thế không có điều kiện tiếp xúc với ngoại ngữ; nay muốn được vào “biên chế” buộc phải “vượt rào” được môn này.
Khổ nỗi, với những giáo viên đã có thâm niên đứng lớp và tuổi ngoài “tứ tuần” thì để “vượt rào” thành công, chẳng khác gì “đánh đố” họ. Đây cũng là lý do khiến nhiều giáo viên bỏ thi ngay trong buổi thi sát hạch môn Tiếng Anh - kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục của thành phố Hà Nội vừa qua.
Cũng liên quan vấn đề biên chế, mới đây nghị trường Quốc hội “nóng” lên với đề xuất “bỏ biên chế suốt đời” của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Đề xuất này khiến đội ngũ nhà giáo có rất nhiều tâm tư, băn khoăn, lo lắng; bởi họ cũng chính là một trong những đối tượng chịu tác động trực tiếp nếu như đề xuất này trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội không tán thành đề xuất này vì cho rằng, không những không tạo được động lực cho giáo viên mà còn tạo thêm áp lực không đáng có cho đội ngũ thầy cô giáo, nhất là với những thầy cô dạy ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của Tổ quốc.
Vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” về tinh giản biên chế giáo viên. Để đạt chỉ tiêu giảm 10%, nhiều địa phương đã “nhắm” vào ngành Giáo dục để thực hiện tinh giản biên chế. Vô hình trung giáo viên trở thành những người “yếu thế” trong lộ trình thực hiện giảm biên chế của một vài địa phương. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, hiện vẫn còn thiếu khoảng 87.000 giáo viên các cấp. Thực trạng này khiến nhiều người đặt câu hỏi, việc tinh giản biên chế giáo viên của một số địa phương có là nghịch lý?
Chủ trương là, bảo đảm ở đâu có người học phải có giáo viên đứng lớp. Điều này cũng được Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tái khẳng định trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường Quốc hội ngày 7/11. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, sẽ kiến nghị với Chính phủ để thành lập một nghị quyết riêng về vấn đề biên chế của giáo viên. Ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ được cử tri trong và ngoài ngành Giáo dục theo dõi, giám sát.