Tính đến tình huống bất khả kháng trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Tính đến tình huống đặc biệt, bất khả kháng là một trong những điểm đáng chú ý tại Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

18 điều khoản sửa đổi, bổ sung

Nghiên cứu Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long nhận định: So với Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT, có 18 điều khoản của Quy chế năm 2020 được sửa đổi, bổ sung và 1 điểm bị bãi bỏ (bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 40 của Quy chế).

“Những sửa đổi bổ sung điều hướng đến việc tổ chức kỳ thi được an toàn, nghiêm túc và đảm bảo độ tin cậy cao của kỳ thi, với vai trò là người tham gia tổ chức thi tốt nghiệp THPT nhiều năm qua, tôi đồng tình và đánh giá cao những điều chỉnh đó.

Những điểm mới này tạo thuận lợi cho thí sinh, nhà trường, công tác tổ chức thi của địa phương và giúp tổ chức thi an toàn, nghiêm túc” – ông Trịnh Văn Ngoãn cho hay.

Làm rõ thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho biết: Việc cho phép lãnh đạo phòng có chức năng quản lý giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên cấp THPT và công tác thi tốt nghiệp THPT thuộc sở GD&ĐT làm Phó chủ tịch Hội đồng thi là phù hợp.

Cách làm này tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở, nhất là bối cảnh các Sở GD&ĐT tăng cường sáp nhập các phòng chuyên môn, nghiệp vụ theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương như hiện nay; khắc phục phần nào khó khăn trong việc bố trí lãnh đạo các Ban của Hội đồng thi của năm 2020.

Ông Ngoãn cũng đồng tình và đánh giá cao quy định: “Tại mỗi khu vực coi thi, chấm thi, phúc khảo của Hội đồng thi phải bố trí các vật dụng để lưu giữ và bảo quản thiết bị thu, phát thông tin của những người đang thực hiện nhiệm vụ ở đó; các vật dụng này phải được niêm phong và được cán bộ công an quản lý/giám sát”.

Việc quy định phải bố trí địa điểm bảo quản và phân công công an quản lý/giám sát sẽ góp phần khắc phục tình huống vô tình vi phạm quy chế của những người làm thi, đặc biệt là góp phần phòng ngừa tiêu cực trong quá trình coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo.

Với điều chỉnh:“Đề thi dự bị chưa sử dụng tự giải mật sau khi kết thúc công tác coi thi của kỳ thi”; thay cho quy định “đề thi dự bị của bài thi tự luận chưa sử dụng được giải mật sau khi kết thúc kỳ thi” là phù hợp với quy định về giải mật của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018.

Tính đến tình huống bất khả kháng trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT ảnh 1

Tính đến tình huống bất khả kháng

Nhận định các thay đổi về quy trình ra đề thi rất phù hợp, ông Trịnh Văn Ngoãn cũng cho biết đặc biệt ủng hộ chủ trương: khi các địa phương không thể sắp xếp “các túi đề thi phải được bảo quản trong hòm, tủ hoặc két sắt” lúc vận chuyển và bàn giao thì sở GD&ĐT chủ động xây dựng phương án vận chuyển bảo đảm an ninh, an toàn cho đề thi và báo cáo Bộ GD&ĐT trước khi triển khai thực hiện.

Việc này sẽ góp phần giảm bớt thời gian, nhân lực, phương tiện và kinh phí trong quá trình vận chuyển và bàn giao đề thi.

Cùng với đó, xác định thời điểm kết thúc các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho bài thi; thời gian công an, trưởng hoặc phó trưởng ban thư ký hội đồng thi trông giữ phòng lưu trữ, bảo quản bài thi liên tục 24 giờ/ngày là lúc hoàn thành việc bàn giao cho ban làm phách bài thi tự luận và ban chấm thi trắc nghiệm là rất cần thiết để cả nước thực hiện thống nhất. Năm 2020, Quy chế chưa thể hiện cụ thể điều này.

Với những sửa đổi, bổ sung liên quan đến công tác chấm thi tự luận, theo ông Ngoãn, là cơ sở kế thừa và phát huy ưu điểm, khắc phục dần bất cập trong quá trình chấm thi tự luận những năm qua. Thay đổi này sẽ được thầy cô ở địa phương ghi nhận, đánh giá rất cao. Các quy định về bảo lưu điểm thi của bài thi/môn thi, về cộng điểm khuyến khích và quy định về đình chỉ thi được điều chỉnh theo hướng rõ ràng, chặt chẽ.

Đặc biệt, ông Trịnh Văn Ngoãn nhấn mạnh việc bổ sung quy định: Bộ GD&ĐT quyết định phương án xử lý các trường hợp đặc biệt do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và các tình huống bất thường khác. Ông Ngoãn cho rằng, bổ sung trên rất phù hợp; là cơ sở pháp lí quan trọng để Bộ GDĐT kịp thời đưa ra quyết định phù hợp khi xảy ra các tình huống bất khả kháng. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh dịch Covid - 19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Mặt khác, quy định Bộ GD&ĐT có trách nhiệm “đối sánh kết quả thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi” cũng là phù hợp.

Lý do: Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lí phần mềm quản lí thi và dữ liệu điểm thi, điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh. Việc làm này bảo đảm dữ liệu được xử lí đến nơi, đến chốn, chính xác, khách quan nhất. Đây cũng là cứ liệu quan trọng, làm cơ sở đánh giá công tác chỉ đạo chuyên môn của các địa phương; đồng thời là cơ sở để điều chỉnh công thức xét công nhận tốt nghiệp. Trong đó tính đến mức độ tham gia của điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh trong cách tính “điểm xét tốt nghiệp”.

“Tôi đồng tình và đánh giá cao sự thay đổi này. Nhìn chung những nội dung Bộ GD&ĐT điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ là rất phù hợp” – ông Trịnh Văn Ngoãn nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.