Chia sẻ thêm về phương án tổ chức thi này, ThS Chu Thị Hảo cho biết:
Nhìn một cách tổng thể, kỳ thi THPT Quốc gia được chờ đợi từ rất lâu nay đã đi vào thực tế. Chính sách của Bộ GD&ĐT đang cập nhật, theo kịp dần với nền giáo dục văn minh, tiên tiến của thế giới.
Với quy định này, vấn đề thi chứng chỉ cần phải được Bộ giám sát chất lượng cho chặt chẽ, tránh tình trạng chạy chứng chỉ Ngoại ngữ để thí sinh không phải thi.
Đề thi các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý theo hình thức tự luận, thời gian thi 180 phút; các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian thi 90 phút. Theo tôi, những năm sau Bộ GD&ĐT cần nhịp nhàng hơn, cho tất cả các môn đều có phần thi trắc nghiệm và tự luận. Bài tự luận trong thời gian 30 phút viết trên một trang A4.
ThS Chu Thị Hảo cũng khuyến nghị Bộ GD&ĐT nên thực hiện một Đề án hoặc thành lập một Ban Kỳ thi quốc gia do một lãnh đạo Bộ chủ trì, để chuẩn bị và triển khai kỳ thi, khi nào công việc ổn định mới giao lại cho các cơ quan chuyên trách.
Các nước tiên tiến trên thế giới có tổ dịch vụ thi chung để các trường đại học dựa vào kết quả đó để tuyển sinh. Cho nên Bộ GD&ĐT không nên giao hoàn toàn cho các trường đại học quyết định việc tuyển sinh. Bộ GD&ĐT lo khâu đề thi, quy chế chung và giám sát tổ chức thi.
Về coi thi và chấm thi, giao cho lực lượng cán bộ, giáo viên của các trường ĐH, CĐ tham gia các hội đồng coi, chấm thi; nhưng để đảm bảo độ tin cậy, trung thực, khách quan nên lắp camera cho các phòng thi, giám sát toàn thời gian thi.
Về công nhận tốt nghiệp, những học sinh không tốt nghiệp vẫn có giấy chứng nhận học hết THPT để đi học nghề. Học sinh nào muốn học ĐH, CĐ đợi sang năm thi lại cùng với học sinh khóa sau hoặc có thể đến cuối năm tổ chức tiếp kỳ thi quốc gia như kỳ thi đầu tháng 6 để những học sinh nào không đạt thi lại và cả những học sinh đạt điểm thấp thi lại để các trường ĐH, CĐ xét tuyển.
ThS Chu Thị Hảo nhận định: Điều cần quan tâm là kết quả cuối cùng làm sao kỳ thi diễn ra nghiêm túc, không chạy theo bệnh thành tích để nhanh chóng thay đổi phương pháp dạy và cách học hiện nay.
Việc đổi mới giáo dục là vấn đền tất yếu của mọi nền giáo dục trên thế giới, không riêng gì Việt Nam. Các nước phái triển trên thế giới đã đổi mới và thành công như: Pháp, các nước châu Âu, các nước Đông Âu, nhất là Nga, Ucraina, với những câu hỏi trắc nghiệm khách quan (TNKQ).
Tôi tin rằng với sự quan tâm của Thủ tướng, sự chỉ đạo của Bộ GD ĐT, chúng ta sẽ đổi mới thực sự nghiêm túc và chất lượng. Kỳ thi THPT Quốc gia sẽ thành công tốt đẹp.