Mặc dù còn những ý kiến trái chiều nhưng một quyết định thông minh, táo bạo và mang tầm chiến lược không phải ai cũng có thể hiểu được ngay và nếu còn nhiều người chưa hiểu ngay được mà vẫn làm và làm thành công thì quyết định đó mới xứng tầm chiến lược của những người lãnh đạo giỏi biết nhìn xa trông rộng hơn người.
Bộ GD&ĐT chỉ cần điều chỉnh khi ra đề cho 3 môn thi bắt buộc sẽ đạt được 2 mục tiêu lớn cùng một lúc, đó là: Học sinh phổ thông không còn môi trường học lệch và các trường đại học cũng chỉ cần căn cứ vào kết quả 3 môn thi bắt buộc là đủ để tuyển chọn tân sinh viên có đủ năng lực và phẩm chất.
Không cần phải thi nhiều môn sẽ đỡ tốn kém tiền của của nhân dân và xã hội mà vẫn đạt được mục tiêu cải cách giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, tiên tiến và giữ gìn bản sắc dân tộc là điều mà đất nước đang cần.
Đối với môn Toán, chúng ta cần đưa các đại lượng Vật lý, Hóa học, công nghệ …, hay nội dung của các môn học này vào đề thi của môn Toán giống như trong các giáo trình Toán đang dạy ở Hoa Kỳ sẽ tạo nên một bài thi tích hợp các môn khoa học tự nhiên với môn Toán là tâm điểm.
Không nên để những con số vô hồn làm cho môn học này không những bị cô lập với các môn học khoa học tự nhiên khác mà còn làm cho học sinh xa rời với xã hội mà họ đang sống.
Còn môn Văn nên tránh những bài văn mẫu vô hồn, không còn khả năng truyền cảm. Rất cần trong môn học này không chỉ có hồn lịch sử nhân loại, lịch sử dân tộc mà còn có cả kiến thức Địa lý, Giáo dục công dân và đặc biệt là nghệ thuật được sáng tạo bởi chính tâm hồn của học sinh.
Còn môn Ngoại ngữ cũng vậy, nên có cả khoa học thường thức, văn hóa nhân loại, các nền văn minh của thế giới chứ không chỉ là ngôn ngữ khô cứng với các kiến thức ngữ pháp chồng chất.
Phải thổi hồn vào cả 3 môn thi bắt buộc bằng kiến thức, kỹ năng của các môn học liên quan và chúng ta phải làm được như thế để học sinh thi 3 môn thi mà cũng như thi hàng chục môn trong một thể thống nhất.
Cái được lớn nhất của việc thay đổi cách ra đề thi này là từ bậc phổ thông học sinh đã phải biết liên hệ, biết gắn kết nhiều môn học để hoàn thành 1 bài thi tốt nghiệp tích hợp.
Làm như thế chúng ta xóa bỏ được hậu quả luyện thi các môn thi đại học như thời ba chung biến học sinh thành những cái máy và tự nó buộc các trường phổ thông phải đổi mới việc dạy và học để đáp ứng với yêu cầu của bài thi kiểu mới.
Như thế chúng ta đã bắt đầu đào tạo các em trở thành kỹ sư trưởng ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông.
Và ai cũng biết rằng, không có kỹ sư trưởng thì kết quả thiết kế của hàng trăm kỹ sư cũng chỉ là những mảnh ghép rời rạc và không thể tạo nên công trình vĩ đại được.
Năm học mới nào, tôi cũng được tiếp xúc với tân sinh viên trong tuần giáo dục công dân và khi nói đến kết quả của giáo dục phổ thông ngoài những điểm mạnh ai cũng biết chúng ta không thể phủ nhận việc học sinh học lệch theo những môn học phục vụ thi đại học; kiến thức, kỹ năng về thực tiễn, cuộc sống, xã hội yếu; nhanh quên những gì đã được học.
Từ những kinh nghiệm mà tôi kế thừa được từ bố tôi - một nhà giáo, nhà quản lý giáo dục được đào tạo từ khu học xá Trung ương Trung Quốc - đến thực tiễn làm công tác giáo dục và quản lý trong 34 năm qua, không phải chỉ tôi mà các nhà giáo dục học cũng nhận thức được rằng:
Mục tiêu của giáo dục và đào tạo không phải thầy cô dạy bao nhiêu điều, truyền thụ kiến thức đến mức độ nào mà là người học nhận được bao nhiêu, đạt đến thang bậc nào của nhận thức và sáng tạo sau những tháng năm học dưới mái trường và điều quan trọng hơn là từ những gì học được họ sẽ áp dụng và phát huy được đến mức độ nào trong cuộc sống.