Ông Lê Quốc Hạnh - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hà Nội: Tôi tin tưởng vào tính nghiêm túc của kỳ thi THPT Quốc gia
Tôi cho rằng, việc Bộ GD&ĐT quyết định tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia là quyết định đúng đắn. Việc hợp nhất kỳ thi là nhu cầu từ lâu, cũng là chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ GD&ĐT từ nhiều năm nay, đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như yêu cầu về đổi mới giáo dục.
Thời điểm này, Quyết định đã chính thức ban hành, việc bàn nên hay không nên không còn ý nghĩa nữa.
Việc quan trọng là lần đầu tiên tổ chức, các nhà trường, các nhà chuyên môn nên tập trung vào việc bàn thảo xem sẽ tiến hành kỳ thi này như thế nào cho tốt, cho đạt hiệu quả cao nhất.
Không cần phân tích nhiều, chỉ riêng mặt số học, việc từ hai kỳ thi nay chỉ còn một, điều đó cũng đủ thấy việc giảm tải, giảm gánh nặng rất nhiều cho thí sinh vào toàn xã hội.
Dù là lần đầu tiên, cá nhân tôi vẫn tin tưởng vào sự nghiêm túc của kết quả kỳ thi, đủ tin cậy để các trường đại học nói chung, Trường Đại học Hà Nội nói riêng làm căn cứ xét tuyển. Không chỉ với sự quan tâm của toàn Ngành, sự giám sát sát sao của toàn xã hội với kỳ thi, chắc chắn kỳ thi năm tới sẽ nghiêm túc hơn, tốt hơn mọi năm.
Riêng về phương án tuyển sinh, môn thi được quy định trong kỳ thi THPT Quốc gia là 4 môn thi tối thiểu, gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.
Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Như vậy, trong 4 môn thi đã có đến 3 môn truyền thống của Trường Đại học Hà Nội. Vì vậy, định hướng chung, phương án tuyển sinh năm sau của trường, nếu có thay đổi cũng sẽ không thay đổi nhiều.
Ông Trần Văn Phước - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế): Thi thêm kỹ năng nghe, nói với môn Ngoại ngữ
Cá nhân tôi cho rằng, việc tổ chức kỳ thi “2 trong 1” thực sự có lợi cho nhân dân, cho đất nước, giảm gánh nặng rất nhiều cho thí sinh và toàn xã hội.
Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) chắc chắn sẽ sử dụng kết quả kỳ thi TPHT Quốc gia làm căn cứ xét tuyển đầu vào.
Vấn đề là cách tổ chức làm sao cho thực sự khách quan, không tiêu cực. Dù là thi ở địa phương cho các thí sinh không có nhu cầu học đại học, hay thi theo cụm thi do các trường đại học chủ trì cũng phải làm thực sự nghiêm túc.
Việc xét tốt nghiệp và đủ điều kiện xét tuyển vào đại học, theo tôi cũng cần có mức điểm khác nhau. Ví dụ, quy định tổng 4 môn thi đạt 13 điểm là thí sinh đỗ tốt nghiệp thì điểm để đủ điều kiện xét tuyển vào đại học có thể phải cao hơn 3 điểm.
Với Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) chắc chắn sẽ sử dụng kết quả kỳ thi TPHT Quốc gia làm căn cứ xét tuyển đầu vào. Tuy nhiên, với số lượng học sinh quá lớn, không thể tổ chức thi nghe, nói, nên riêng với môn Ngoại ngữ, dự kiến nhà trường sẽ thêm một lần sàng lọc bằng kỳ kiểm tra kỹ năng nghe, nói đối với thí sinh.
Để tránh ít nhất việc loại thí sinh, nhà trường cũng sẽ thực hiện xét tuyển số lượng thí sinh bằng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia và thí sinh lọt qua vòng nghe, nói để trở thành sinh viên chính thức của trường ít chênh lệch.
Ví dụ, chỉ tiêu của trường là 1.200 chẳng hạn, thì sẽ chỉ lấy khoảng 1.300 hoặc 1.400 em từ kết quả kỳ thi quốc gia. Như vậy, qua vòng nghe nói, chỉ có khoảng 100 - 200 thí sinh bị loại.
Hiện Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) đang lên phương án tuyển sinh theo hướng như trên, để có thể có phương án chính thức nộp lên ĐH Huế trước ngày 10/10 tới đây.
Ông Phan Văn Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng): Khuyến khích sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia làm căn cứ xét tuyển.
Kỳ thi THPT Quốc gia là một bước đột phá của đổi mới giáo dục. Tôi cho rằng, phương án thi mới có rất nhiều điểm thuận lợi cho các trường và Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) cũng được thụ hưởng những thuận lợi chung đó.
Thứ nhất, việc kết nối được 2 kỳ thi THPT và thi đại học sẽ làm giảm áp lực và đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với các kỳ thi năm trước.
Thứ 2, việc chính thức thêm ngoại ngữ như một một thi bắt buộc là đúng với xu thế phát triển của xã hội, thúc đẩy học sinh phổ thông học ngoại ngữ. Với các trường đai học, với phương án thi này cũng sẽ tính toán trách nhiệm của mình nhiều hơn nữa với môn học này.
Việc quyết định ngoại ngữ nằm trong 4 môn thi tối thiểu, theo tôi, còn có một ý nghĩa lớn nữa, đó là mở ra khả năng rất lớn đối với việc đảm bảo chất lượng đào tạo đại học.
Khi học sinh được rèn luyện ngoại ngữ ở bậc THPT, thì chính vốn kiến thức này khi bước vào đại học sẽ giúp các em dễ dàng tiếp cận với các tài liệu bằng tiếng Anh. Điều này chắc chắn sẽ giúp chất lượng đào tạo đại học nâng lên.
Với Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), với phương án thi mới sẽ phải thực thi trách nhiệm lớn hơn, không chỉ đào tạo đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ trong các trường phổ thông mà còn bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đang giảng dạy tiếng Anh trong các nhà trường.
Với công tác tuyển sinh năm 2015, lãnh đạo ĐH Đà Nẵng ủng hộ tuyệt đối kỳ thi THPT Quốc gia theo quyết định của Bộ GD&ĐT; đồng thời khuyến khích các trường thành viên nghiên cứu sử dụng kết quả kỳ thi này làm căn cứ xét tuyển.
Là một trường thành viên của ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng cũng đang tích cực lên phương án cho kỳ tuyển sinh năm tới theo chỉ đạo chung đó.