Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt sang Úc

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chương trình 'Divine Feminine of the East - Thần nữ phương Đông' do Vietnam Centre tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 31/8/2023 tại Sydney (Úc).

'Thần nữ phương Đông' sẽ diễn ra vào ngày 31/8/2023 tại Sydney (Úc).
'Thần nữ phương Đông' sẽ diễn ra vào ngày 31/8/2023 tại Sydney (Úc).

Chương trình “Divine Feminine of the East - Thần nữ phương Đông” do Vietnam Centre tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 31/8/2023 tại Sydney (Úc). Chương trình hướng đến quảng bá và lan toả nét đẹp văn hóa tín ngưỡng bản địa của người Việt ra với thế giới.

Ông Nguyễn Anh Vũ - đại diện Vietnam Center cho biết: “Thần nữ phương Đông” là một trong những chương trình đầu tiên giới thiệu nét văn hóa đạo Mẫu Việt Nam đến cộng đồng văn hóa tại Úc cũng như trên toàn cầu. Tiêu điểm của sự kiện là nghi lễ hầu đồng, hứa hẹn sẽ đem đến một góc nhìn rất khác về văn hóa Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới.

“Thần nữ phương Đông” tái hiện lại câu chuyện về các vị thần bản địa luôn che chở, dạy dỗ con người làm thiện tránh ác, độ trì cho quốc thái dân an, chẳng hạn như Quan lớn Đệ Tam Thoải Phủ, Chầu Đệ Nhị thượng ngàn, ông Hoàng Bảy, cô Bơ Thoải…

Chương trình được đạo diễn và dàn dựng bởi hội quán văn hóa Nam Ngọc Hiên - đơn vị từng mang tiết mục “Lễ cưới truyền thống Việt Nam” đến với sân khấu quốc gia Kennedy Center của Hoa Kỳ vào cuối năm 2022.

“Thần nữ phương Đông” cũng được cố vấn bởi Four Palaces - Tứ Phủ, một trong những tổ chức đi đầu trong việc quảng bá văn hóa truyền thống và giá trị thẩm mỹ trong đạo Mẫu thông qua các nội dung song ngữ Việt - Anh.

Ông Nguyễn Anh Vũ nói rằng, mặc dù đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên đây là một trong những lần hiếm hoi mà nghi lễ hầu đồng được giới thiệu tại nước ngoài. Bởi vậy, những người làm chương trình tin rằng tiết mục sẽ mang đến cho khán giả Sydney cũng như bạn bè quốc tế góc nhìn mới về chiều dày văn hóa Việt Nam.

Để quảng bá những nét văn hóa đặc sắc nhất của đạo Mẫu, những người trẻ của Nam Ngọc Hiên đã thiết kế những toà nón Tứ Phủ. Đây là những món đạo cụ không thể thiếu để tạo nên không gian tâm linh đạo Mẫu.

Quan niệm cho rằng vũ trụ được hình thành bởi bốn cõi: Thiên (Trời) - Địa (Đất) - Thuỷ (Nước) - Nhạc (Núi rừng). Mỗi cõi được cai quản bởi một Phủ. Bốn toà nón có các màu khác nhau, đại diện cho một Phủ: Thiên đỏ, Địa vàng, Thuỷ trắng, Nhạc xanh lá.

Nón Tứ Phủ.

Nón Tứ Phủ.

Có thể thấy rõ những toà nón Tứ Phủ được khai thác từ các yếu tố truyền thống nhưng có thêm những sáng tạo. Tầng nón lớn trên cùng đại diện cho toàn cõi vũ trụ. Từ vành nón phủ xuống lớp tua đủ màu, tượng trưng cho vạn linh. Trên đỉnh nón là muôn hoa nở rộ. Nón lớn là nón thúng, chiếc nón quen thuộc của người phụ nữ Việt Nam xưa, cũng là hình tượng chiếc nôi che chở con thơ.

Tầng hai là nón quai thao nhỏ hơn, tượng trưng cho một Phủ cụ thể trong Tứ Phủ. Xung quanh nón Phủ là bốn chiếc nón nhỏ: Nón chóp đại diện chư vị thánh nam, nón quai thao đại diện thánh nữ. Từ tâm nón, trong cùng có khối cầu màu đỏ tượng trưng cho “nhất tâm”.

Điểm cuối cùng trong toà nón là chiếc quạt, cũng chính là điểm kết nối trên - dưới. Từ trên phổ xuống, quạt là để chư Thánh phổ độ chúng sinh, điều hoà cho muôn dân thái bình. Từ dưới hướng lên, quạt là để tín đồ thành tâm phụng sự chư vị.

Trong những bức tranh dân gian Hàng Trống, chủ đề Tứ Phủ vẫn thường thể hiện hình ảnh chư vị Thánh Mẫu cầm quạt đầy uy nghi và từ bi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.