Đây là cơ hội, đồng thời là thách thức, đòi hỏi nhà trường, giáo viên sự chuẩn bị kỹ lưỡng giúp học sinh tự tin lựa chọn môn học này để dự thi.
Nâng cao vị thế môn học
Xác định Tin học là thế mạnh của học sinh Hà Nội, cô Dương Hồng Hạnh - Trường THPT Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ niềm vui khi môn học này chính thức được lựa chọn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Điều này góp phần nâng cao vị thế của tin học, đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội.
Bắt kịp sự đổi mới của chương trình, cô Hạnh cho biết, nhà trường đã thay đổi đồng loạt từ cách giảng dạy đến kiểm tra đánh giá, hướng đến mục tiêu cần đạt của Chương trình GDPT 2018. Với sự hào hứng và chủ động của các thầy, cô giáo, không khí học tập tích cực được lan tỏa góp phần nâng cao năng lực tin học cho học sinh.
Cô Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên chia sẻ: Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Tin học trở thành môn học quan trọng, có vai trò nền tảng giúp trang bị kiến thức, kỹ năng của công dân số, công dân toàn cầu đáp ứng nền kinh tế tri thức trong thời đại mới.
Thời điểm hiện tại, một số trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2025 mà trong tổ hợp xét tuyển có môn Tin học như: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM).
Đặc biệt tổ hợp Toán, Vật lý, Tin học (A0T) là một trong những tổ hợp có môn Tin được sử dụng nhiều nhất để xét tuyển vào các ngành/chương trình đào tạo như: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Khoa học máy tính, Công nghệ kỹ thuật máy tính và An toàn thông tin...
Những năm qua, ban giám hiệu nhà trường đã quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, xây dựng và triển khai chương trình giáo dục, đem lại chất lượng giáo dục môn Tin học đạt hiệu quả cao. Do đó, nhà trường tin tưởng học sinh lựa chọn thi Tin học tốt nghiệp THPT sẽ đạt kết quả tốt từ năm học đầu.
Xác định Tin học là môn học quan trọng của Chương trình GDPT 2018, Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đầu tư cơ sở vật chất hiện đại với 3 phòng thực hành. Máy tính được cài đặt phần mềm quản lý phòng máy và phần mềm cho học sinh thực hành. 5 giáo viên môn Tin học của trường có trình độ chuyên môn vững vàng, tâm huyết với công việc.
Chia sẻ thông tin, thầy Hiệu trưởng Lê Hồng Chung đồng thời cho hay: Tin học có mặt trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ nâng cao vị thế của môn học, tuy nhiên, nhà trường cũng lường trước một số khó khăn. Do là môn thi mới nên giáo viên còn lúng túng, chưa có nhiều kinh nghiệm ôn tập. Kiến thức bộ môn rộng, đa dạng, trong khi thời gian ôn tập có hạn đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu, xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp.
Cơ sở vật chất về cơ bản đầy đủ, song để đảm bảo việc ôn thi tốt nghiệp cho học sinh thì máy tính cần bảo dưỡng bảo trì thường xuyên. Một số máy có cấu hình thấp, hay bị treo, chưa đảm bảo hiệu năng khi sử dụng cần được thay thế để không bị gián đoạn trong các tiết học.
![Học sinh Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) tìm hiểu về ngành Công nghệ thông tin trong tương lai. Ảnh: Vân Anh co-hoi-va-thach-thuc-2.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/01d9bdbe00638231f04160fb3645397453f7782fc9f6cd8b0967b91430bdc6e659ed4bad75e80b3529554a0e354e3cfebc63b4cc55323ef70a33248940d3c8c9/co-hoi-va-thach-thuc-2.jpg)
Bắt nhịp chương trình mới
Chia sẻ về bí quyết, ôn luyện cho học sinh trước kỳ thi sắp tới, cô Trần Thị Ngọc Bích - Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho hay: Giáo viên sử dụng nhiều hình thức kiểm tra khác nhau để đánh giá tinh thần học tập trên lớp, quá trình làm bài tập dự án; đánh giá bằng điểm số các bài thực hành trên lớp, bài tập giao trên trang onluyen.vn...
Cùng đó, từ đầu năm học, nhà trường có kế hoạch kiểm tra định kỳ. Trong đó phân công cụ thể giáo viên ra đề cương, đề kiểm tra, phản biện đề. Đề cương được đưa lên website của trường trước khi kiểm tra khoảng 7 - 8 tuần. Giáo viên phản biện đề sẽ nộp đề cho ban giám hiệu trước ngày kiểm tra 1 tuần.
Nội dung ôn được thống nhất trong nhóm chuyên môn, các dạng bài ôn tập và đề kiểm tra chủ yếu bám theo đề minh họa thi tốt nghiệp THPT 2025, bổ sung phần tự luận và thực hành trên máy tính theo hướng dẫn mới của Bộ GD&ĐT. Các khâu ra đề, bảo mật đề, coi và chấm kiểm tra đảm bảo nghiêm túc, đánh giá đúng năng lực học sinh.
Cùng đó, giáo viên thống nhất mục tiêu giáo dục, tạo kênh liên lạc trao đổi thông tin thường xuyên. Nhà trường - giáo viên - phụ huynh phối hợp chặt chẽ để đồng hành cùng học sinh. Điều đó không chỉ giúp các em ổn định tâm lý trong quá trình ôn tập, tự tin khi đi thi, mà còn hình thành kỹ năng ứng phó với áp lực trong cuộc sống.
Với mục đích giúp giáo viên làm quen, bắt nhịp giảng dạy Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức các tiết học mẫu bằng hình thức trực tiếp tại trường, cụm THPT kết hợp sinh hoạt online qua hệ thống trực tuyến với sự giúp đỡ của các nhà xuất bản.
Thông qua dự giờ đồng nghiệp, dự sinh hoạt chuyên môn với quy mô toàn thành phố, các thầy cô đã nắm bắt được cách xây dựng kế hoạch dạy học; xây dựng và tổ chức hoạt động phù hợp với học sinh; sử dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học giúp phát triển năng lực người học.
Ông Nguyễn Đức Nguyện - chuyên viên bộ môn Tin học, Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin và chia sẻ thêm: Để chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 - kỳ thi đầu tiên của các môn học theo Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức các chuyên đề đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, nâng cao chất lượng dạy học đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, tổ chức chuyên đề tập huấn cho 100% giáo viên Tin học lớp 12.
Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, môn Tin học lần đầu tiên có tên trong danh sách các môn thi tốt nghiệp THPT mở ra cơ hội nhưng cũng đặt ra thử thách. Tuy nhiên, với những giải pháp nêu trên, việc ôn thi tốt nghiệp môn Tin học sẽ đạt hiệu quả cao, giúp học sinh tự tin vượt qua kỳ thi với kết quả tốt nhất.