Trường học chủ động phương án chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2025

GD&TĐ - Giúp học sinh lớp 10 lựa chọn tổ hợp môn phù hợp hay tổ chức khảo sát HS khối 12 đăng ký hai môn tự chọn là cách nhiều trường thực hiện...

Giờ học của học sinh Trường THPT Võ Trường Toản (Quận 12, TPHCM). Ảnh: M.A
Giờ học của học sinh Trường THPT Võ Trường Toản (Quận 12, TPHCM). Ảnh: M.A

Giúp học sinh lớp 10 lựa chọn tổ hợp môn phù hợp hay tổ chức khảo sát học sinh khối 12 đăng ký hai môn tự chọn là cách nhiều trường thực hiện nhằm điều chỉnh phương án dạy và học phù hợp với những thay đổi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

“Thăm dò” để xây dựng phương án ôn tập

Để có cơ sở xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho kỳ thi, trước khi năm học 2024 - 2025 bắt đầu, nhiều trường THPT đã tổ chức thăm dò và thống kê ban đầu việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp tự chọn của học sinh để chủ động xây dựng phương án dạy học cũng như ôn tập.

Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM), sau khi thống kê số học sinh lớp 12 đăng ký các môn tự chọn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đơn vị tổng hợp được 24 tổ hợp. Trong đó dẫn đầu là tổ hợp 2 môn tự chọn Tiếng Anh, Vật lý với 332 học sinh, sau đó đến tổ hợp Hóa học, Sinh học với 120 em. Tiếp đến là các tổ hợp Vật lý, Hóa học; Tiếng Anh, Hóa học; Tiếng Anh, Lịch sử; Tiếng Anh, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật… Còn lại những tổ hợp như Địa lý, Công nghệ; Tin học, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật; Tin học, Địa lý…, mỗi tổ hợp chỉ có 1 học sinh chọn.

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là quyết định quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến kết quả tốt nghiệp cũng như hướng đi tiếp vào đại học của học sinh. Việc chọn 2 môn để thi nên các em tập trung vào môn sở trường, có thế mạnh hoặc hứng thú, điều này sẽ giúp việc học và ôn thi trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn.

“Hiện, một số trường đại học có tổ hợp riêng nên các em phải lưu tâm tham khảo nhằm tăng cơ hội trúng tuyển. Quan trọng nhất vẫn là tìm hiểu kỹ và cân nhắc thận trọng khi chọn môn thi tốt nghiệp để có thể tối đa hóa cơ hội và tiềm năng của mình”, thầy Phú nhấn mạnh.

Trường THPT Đắc Ơ (Bù Gia Mập, Bình Phước) đã thông tin cho học sinh nắm rõ dự thảo quy chế thi tốt nghiệp. Từ đó định hướng xem học sinh có năng lực, thế mạnh ở môn học lựa chọn nào thì lựa chọn và phân lớp để học theo. Chia sẻ của thầy Lê Văn Thắng - Phó Hiệu trưởng, trường còn căn cứ nhu cầu, xu hướng các phương án thi và xét tuyển các trường đại học để định hướng phân luồng cho học sinh đảm bảo thi tốt nghiệp và xét đại học.

Tương tự, cô Trần Thị Minh Đức - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ: “Cuối năm học 2023 - 2024, nhà trường tổ chức cho học sinh đăng ký chọn môn tốt nghiệp 7 lần. Từ nguyện vọng của học sinh, đầu năm học này, trường xếp lớp ôn thi tốt nghiệp THPT ở buổi 2 để các em làm quen với cấu trúc đề thi mới năm 2025. Đồng thời yêu cầu các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giảng dạy riêng cho lớp ôn này. Hiện, các em quen và bắt nhịp được công tác tổ chức của nhà trường”.

truong-hoc-chu-dong-phuong-an-2.jpg
Tiết “học chạy” của học sinh lớp 10, Trường THPT Bà Điểm (Hóc Môn, TPHCM). Ảnh: M.A

Định hướng từ khi bước vào lớp 10

Thầy Hồ Sĩ Nhật Nam - Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình (Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hay, nhà trường căn cứ vào các nhóm môn học tự chọn cũng như tình hình cơ sở vật chất, đội ngũ… để lên “thực đơn” môn học cho học sinh lựa chọn.

Nhà trường cũng thông tin rõ về dự thảo quy chế thi tốt nghiệp để các em nắm rõ và có định hướng 2 môn tự chọn ngay từ lớp 10. Sau khi công bố kết quả trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nhà trường tiếp tục tư vấn, định hướng để học sinh “chốt” phương án lựa chọn các tổ hợp môn trên cơ sở 7 tổ hợp môn đã đưa ra.

“Khi đăng ký tổ hợp môn lớp 10, các em được lựa chọn 3 nguyện vọng tổ hợp để có thể thay đổi. Chẳng hạn, năm nay trong 7 tổ hợp mà trường đưa ra có tổ hợp Hóa - Sinh do ít học sinh lựa chọn không đủ mở lớp, nên nhà trường đã định hướng các em chọn lại”, thầy Nam cho hay.

Đặc biệt, năm học 2024 - 2025, nhiều trường THPT tại TPHCM cho học sinh khối 10, 11 và 12 học “chạy” 2 môn thi tự chọn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đơn cử, lần đầu tiên Trường THPT Bà Điểm (Hóc Môn, TPHCM) tổ chức cho học sinh toàn trường học “chạy”, thực hiện ở buổi 2 với 2 môn tự chọn trong số các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Công nghệ. Hằng tuần, mỗi khối học 1 buổi dành cho 2 môn đã chọn. Cụ thể khối 10 học vào chiều thứ 2, khối 12 học vào chiều thứ 4 và khối 11 học vào chiều thứ 6.

Theo thầy Hiệu trưởng Võ Thành Danh, mô hình này rất cần thiết, dù ban đầu gặp phải vài khó khăn, tùy vào cơ sở vật chất của mỗi đơn vị mà triển khai phù hợp. Chẳng hạn, khi tổ chức lớp “học chạy” mỗi khối cần thêm 2 phòng học. Để đáp ứng, nhà trường đã chia hội trường làm đôi, đồng thời tận dụng phòng bộ môn để dạy buổi chiều cho học sinh.

“Tuy nhiên, thực tế tại trường phần lớn học sinh chọn 2 môn Tiếng Anh, Vật lý hay Tiếng Anh, Hóa học nhưng ít em chọn môn Tin học. Do đó với môn Tin học, do không đủ điều kiện để thành lập lớp nên nhà trường khuyến khích các em qua Câu lạc bộ Tin học của trường để học tập nâng cao trình độ. Ngoài ra, nhà trường gặp gỡ học sinh và phụ huynh để tư vấn lựa chọn môn học khác”, thầy Danh cho hay.

Cô Trần Thị Minh Đức - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết: “Với học sinh lớp 10 vẫn học đầy đủ nhóm tổ hợp môn để các em đánh giá bản thân học môn nào tốt nhất, phát huy được năng lực sở trường. Tuy nhiên, đến cuối năm lớp 11 các em được tư vấn định hướng chọn môn tốt nghiệp. Bên cạnh đó, năm nay trường mạnh dạn đưa cấu trúc đề năm 2025 vào chương trình giảng dạy cho học sinh làm quen dần, từ đó định hướng rõ năng lực phù hợp với môn nào”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Những ngày rối ren

GD&TĐ - Ngay khi Hàn Quốc bước vào năm mới 2025, Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội Yoon Sukyeol ra tuyên bố 'sẽ chiến đấu đến cùng' chống lại lệnh bắt giữ.