Tín hiệu vui từ giáo dục mũi nhọn

GD&TĐ - Năm học 2024 - 2025, cả nước có 6.482 thí sinh dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT, tăng 663 em so với năm học 2023 - 2024.

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.

Trong số này có 3.803 em đoạt giải, chiếm 58,68% tổng số thí sinh dự thi.

Kết quả chấm thi và xếp giải cho thấy, học sinh đoạt giải năm học này phủ đều ở hầu hết địa phương. Một số tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn cũng có học sinh đạt thứ hạng cao nhất trong kỳ thi, như: Điện Biên (1 giải Nhất môn Sinh học), Lào Cai (2 giải Nhất môn Toán và Lịch sử), Phú Thọ (1 giải Nhất môn Lịch sử), Quảng Bình (1 giải Nhất môn Vật lý), Gia Lai (1 giải Nhất môn Tin học)… Đặc biệt, Thái Nguyên tạo nên dấu ấn khi bước chân vào top 10 tỉnh, thành có số học sinh giành giải cao nhất (2 giải Nhất, 17 giải Nhì, 29 giải Ba, 42 giải Khuyến khích).

Mặc dù, các trường THPT chuyên vẫn đi đầu về số lượng giải tại địa phương, nhưng ngày càng nhiều học sinh không chuyên mang về giải thưởng trong kỳ thi này. Đơn cử ở Hà Nội, trong thành tích chung với tổng số 200 học sinh đoạt giải - dẫn đầu cả nước - có đóng góp của những trường như Việt - Đức (Hoàn Kiếm), Nguyễn Gia Thiều (Long Biên), Phan Huy Chú (Đống Đa), Ngô Quyền (Ba Vì); đặc biệt có cả trường ngoài công lập như Newton, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hoàng Long, Quốc tế Nhật Bản…

Các địa phương khác, trường không chuyên có số học sinh giỏi quốc gia nổi bật năm nay phải nói đến Trường THCS - THPT Đông Du (Đắk Lắk) với 9 giải; Trường THPT Chi Lăng (Gia Lai) với 5 giải; Trường THPT thị xã Quảng Trị (Quảng Trị), Trường THPT Trần Quốc Tuấn (Phú Yên), Trường THPT Giá Rai (Bạc Liêu), mỗi trường 3 giải…

Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy khoảng cách giáo dục, trong đó có giáo dục mũi nhọn giữa các địa phương, trường THPT chuyên và không chuyên ngày càng được kéo gần. Kết quả này khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông và hướng đi đúng trong công tác dạy học, phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi của ngành Giáo dục.

Theo đó, nguyên tắc cốt lõi luôn được quán triệt là đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà để tạo điều kiện làm tốt chất lượng mũi nhọn. Nhiều địa phương, nhà trường có định hướng chiến lược trong đào tạo mũi nhọn, đầu tư mạnh mẽ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên; đồng thời có chính sách khuyến khích học sinh giỏi và giáo viên xuất sắc, tạo động lực mạnh mẽ cho các trường học, cá nhân tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi. Công tác tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi ở địa phương được coi trọng; từ đó thúc đẩy phát triển chất lượng giáo dục mũi nhọn nói riêng, dạy và học nói chung.

Cũng phải nói đến những đổi mới căn bản, đồng bộ trong công tác tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Theo đó, tăng cường sự tham gia của cơ sở giáo dục đại học, sở GD&ĐT trong các khâu tổ chức thi; nâng cao trách nhiệm chuyên môn của chuyên gia khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên các học viện, viện nghiên cứu, đại học, trường đại học và giáo viên trường THPT tham gia tổ chức thi; tăng tỷ lệ giải bảo đảm phù hợp với quy định của các Olympic khu vực và quốc tế; thí sinh không giành giải sẽ được cấp Giấy chứng nhận tham dự kỳ thi… Cách xét chọn đội tuyển thay đổi cũng tạo cơ hội cho nhiều học sinh hơn.

Kết quả tốt đẹp trong công tác đào tạo học sinh giỏi sẽ được phát huy, với hành trình bền bỉ, đúng hướng và sự quyết tâm cao của ngành Giáo dục, các nhà trường.

Việc cần tiếp tục quan tâm, làm tốt là công tác phát hiện, thu hút từ sớm học sinh có tố chất; có định hướng, lộ trình phát triển cho từng học trò; khơi dậy cho các em khát vọng chinh phục tri thức, bản lĩnh để khẳng định bản thân… Đặc biệt quan trọng là quan tâm đầu tư các nguồn lực cho công tác này; từ đó khích lệ, tạo động lực cho cả giáo viên bồi dưỡng đội tuyển và học trò.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm vàng giúp nhanh khỏi cảm cúm

Thực phẩm vàng giúp nhanh khỏi cảm cúm

GD&TĐ -Bệnh cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus gây ra. Dưới đây là một số thực phẩm cần bổ sung sẽ giúp bạn nhanh khỏi bệnh.