Tín hiệu vui cho doanh nghiệp

GD&TĐ - Sau lời đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai ngành ngân hàng mới đây, hiện nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp. 

 Tín hiệu vui cho doanh nghiệp

Đây thực sự là một tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn về vốn ngay trong tháng đầu tiên của năm mới 2018...

Các “ông lớn” vào cuộc

Ngay sau chỉ đạo của Chính phủ về việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô tại Nghị quyết 01, Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) đã trở thành đơn vị đầu tiên quyết định áp dụng chính sách giảm lãi suất cho vay. Theo đó, ngân hàng này thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ mức 6,5%/năm xuống còn tối đa 6,0%/năm. Đồng thời giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8%/năm xuống còn từ 7,5%/năm đối với các khách hàng là đối tượng ưu tiên, có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.

Cùng xu hướng đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng công bố sẽ đồng loạt giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời gian từ 15/1 đến 31/12/2018. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế được điều chỉnh giảm về mức tối đa 6%/năm.

Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng thông báo thực hiện giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và trung dài hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích phát triển. Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cũng đã phát đi thông báo sẽ giảm lãi suất từ 0,5 - 1%/năm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động tốt trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên...

Theo đại diện một số ngân hàng, đây là động thái tích cực trong việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về việc tín dụng ngân hàng cần tiếp tục phát huy vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện tích cực thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Tín dụng theo đó tiếp tục được mở rộng hợp lý và tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển và tạo động lực cho tăng trưởng.

Doanh nghiệp hưởng lợi

Tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho thấy, lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng năm 2017 có thể tăng hơn 40% và lợi nhuận sau thuế cũng ước tăng 44% so với năm 2016. Đơn cử, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây công bố sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2017. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng này đạt 8.800 tỷ đồng và đây là con số lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay. Tương tự, Ngân hàng Vietcombank cũng công bố mức lợi nhuận năm 2017 đạt 10.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016.

Lợi nhuận lớn là một trong những yếu tố giúp các ngân hàng giảm lãi suất, qua đó tiết giảm chi phí lãi vay cho cộng đồng doanh nghiệp. Anh Hồ Ngọc Thụ - Giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh đồ gỗ xuất khẩu có trụ sở tại phố Nguyên Hồng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, với khoản vay trị giá 15 tỷ đồng lãi suất 9%/năm, tức mỗi năm anh phải trả tiền lãi hết gần 1,4 tỷ đồng. Nay lãi suất giảm 0,5% giúp doanh nghiệp của anh tiết kiệm được khoảng 80 triệu đồng/năm.

Theo tính toán của một số chuyên gia ngân hàng, hiện tổng dư nợ của toàn ngành kinh tế vào khoảng hơn 5 triệu tỷ đồng. Như vậy, nếu toàn hệ thống ngân hàng giảm 0,5%/năm thì riêng đợt giảm lãi suất lần này đã tiết giảm cho nền kinh tế khoảng 25.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ