Hiệu quả lớn từ công tác phân luồng học sinh

GD&TĐ - “Mặc dù là trường công lập có chất lượng đầu vào tốt nhất của huyện, nhưng năm nay, tỷ lệ HS phân luồng theo hướng học nghề sau THPT của trường vẫn vào khoảng 35%.

Hiệu quả lớn từ công tác phân luồng học sinh

Đây là tín hiệu xanh cho thấy HS đã không ảo tưởng như trước, các em đã biết định hướng nghề nghiệp bằng việc tự lượng sức với lực học của mình” - Thầy Nguyễn Viết Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên, Nghệ An) chia sẻ.

Xu hướng du học và XKLĐ ở HS

Trường THPT Lê Hồng Phong, năm học 2016 – 2017 có 287 HS lớp 12. Hiện công tác ôn tập, trang bị kiến thức cho các em bước vào Kỳ thi THPT quốc gia đang được chuẩn bị tích cực. Song song với đó, nhà trường đẩy mạnh các hoạt động phân luồng hướng nghiệp.

“Thời điểm này HS vẫn chưa đăng ký dự thi THPT quốc gia 2017. Tuy nhiên, dự tính tỷ lệ HS thi để xét tuyển ĐH, CĐ chiếm khoảng 65%, còn số HS thi chỉ để tốt nghiệp THPT, sau đó đăng ký học nghề chiếm 35%” - Thầy Nguyễn Viết Hùng, Hiệu trưởng, cho biết.

Thầy Hùng cũng cho rằng, đây là “tín hiệu xanh”, phản ánh nhận thức về hướng nghiệp của HS đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các em đã không coi “đại học là con đường lập thân duy nhất” mà thay vào đó các em tự nhận biết lực học của mình, hoàn cảnh gia đình và sở trường bản thân để quyết định cho tương lai. Các em biết nhìn vào thực tế và không ảo tưởng như trước đây” - Thầy Hùng nói.

Em Hồ Thị Mạnh Kiên (lớp 12A3) là một HS có học lực khá, nhưng hiện tại Kiên đã quyết định sẽ không nộp lại hồ sơ xét tuyển đại học.

“Em vừa đăng ký một lớp tiếng Hàn để dự định đi du học sau khi có bằng tốt nghiệp. Đi du học theo hình thức vừa học, vừa làm rất vất vả nhưng em nghĩ điều này sẽ tốt hơn cho em. Học xong, em vừa có bằng, vừa có ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc”.

Trên thực tế, tìm kiếm học bổng du học để vừa học vừa làm hoặc xuất khẩu lao động sang nước ngoài đang là nhu cầu và xu hướng của nhiều gia đình HS, đặc biệt là ở nông thôn.

Tuy nhiên, để được xuất ngoại, ngoài khả năng ngoại ngữ, các em còn phải bỏ ra số tiền khá lớn. Bởi vậy, nhiều trường đã sớm vào cuộc để giúp HS và phụ huynh có sự chuẩn bị cũng như cân nhắc các điều kiện.

Trường THPT Nam Đàn 2 hiện đang phối hợp với Tổ chức Du học giáo dục học quốc tế ICO chi nhánh Nghệ An dạy tiếng Nhật cho HS có nhu cầu.

“Số HS đăng ký học khá đông, hiện nay lớp tiếng Nhật đang có 68 HS khối 11 và 34 em khối 12. Qua thời gian học, nhiều em nhận thấy không theo được thì xin nghỉ, còn lại các em có năng lực và quyết tâm thì theo học để sau này thi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản” - Thầy Lê Văn Quyền, Phó Hiệu trưởng, cho biết.

Cần cơ chế, chính sách cho sau phân luồng

Theo số liệu từ Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 và 2016 tại Nghệ An, khoảng hơn 60% HS lớp 12 thi THPT để xét tuyển ĐH, CĐ còn lại gần 40% chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT.

Con số này thể hiện được khâu “phân luồng” đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, khâu hướng nghiệp vẫn còn có những lỗ hổng.

Theo đó, mỗi năm có gần 18.000 HS THPT không vào đại học nhưng chỉ có khoảng 27% trong số này đăng ký vào học các trường cao đẳng, trung cấp nghề.

Để trám được lỗ hổng này cần khả năng nghiên cứu thị trường lao động, nghề nghiệp, cũng như mối liên kết với các Trung tâm dạy nghề, TCCN, Cao đẳng nghề…

Trường THPT Mai Hắc Đế (huyện Nam Đàn) bắt đầu phối hợp với Trường Cao đẳng nghề số 4 Bộ Quốc phòng và Trường Trung cấp nghề tiểu thủ công nghiệp tổ chức dạy nghề cho HS từ năm học 2015 – 2016 với 5 nghề hàn, điện công nghiệp, công nghệ ô tô, may điện lạnh.

Qua 2 năm triển khai đến nay đã có 170 HS đăng ký học các nghề, chiếm 90% HS của trường. Em Hồ Viết Phong (HS lớp 12 A2) cho biết: “Chúng em thực tập ba tháng với hình thức vừa học vừa làm. Qua đó em đã học được rất nhiều kinh nghiệm về tác phong làm việc, cách sử dụng các loại máy móc”.

Đánh giá về hiệu quả sau hai năm triển khai chương trình phối hợp phân luồng, ông Nguyễn Hữu Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THPT Mai Hắc Đế - chia sẻ:

Những năm trước, việc tuyển sinh ở trường chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì là trường ngoài công lập. Tuy nhiên, từ khi triển khai mô hình vừa học văn hóa, vừa học nghề, phụ huynh và HS đã quan tâm hơn và nhiều em lựa chọn đăng ký vào trường để học.

Mô hình đào tạo nghề cho HS trong các trường THPT hiện đã được triển khai ở các trường THPT như Nguyễn Trường Tộ (TP Vinh), Mai Hắc Đế (Nam Đàn), Nghi Lộc 5, Yên Thành 2, Nam Yên Thành…

Kết thúc khóa học HS vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa được các trường nghề cấp bằng trung cấp nghề và cam kết giới thiệu có việc làm, nên thu hút khá đông HS tham gia.

Tuy nhiên, quá trình triển khai mô hình này còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như phân phối chương trình dạy học để cân đối học nghề và học văn hóa.

Bởi HS THPT học văn hóa vẫn là chủ yếu, nhằm đảm bảo kiến thức để các em dự thi đầy đủ các môn bắt buộc và tổ hợp môn tự chọn của Kỳ thi THPT quốc gia, chứ không chỉ một số môn văn hóa cơ bản như mô hình của các trung tâm GDTX. 

Ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An - khẳng định: Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác phân luồng, hướng nghiệp.                                                                                                                                                           Đồng thời, có trách nhiệm gắn kết các trường THPT với các trường ĐH, CĐ, cơ sở dạy nghề có uy tín, đáp ứng nhu cầu HS. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho tỉnh những chính sách phù hợp để tạo thuận lợi cho HS và các nhà trường trong quá trình tổ chức dạy nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ