Tín hiệu tích cực trong thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở Quảng Bình

GD&TĐ - Sau 4 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, cán bộ và giáo viên ở Quảng Bình đánh giá, chương trình đã mang đến những thay đổi tích cực.

Chương trình GDPT 2018 đã mang đến những thay đổi tích cực.
Chương trình GDPT 2018 đã mang đến những thay đổi tích cực.

Sáng 13/8, Sở GD&ĐT Quảng Bình tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học và phương hướng nhiệm vụ triển khai trong năm học 2024-2025.

Nâng cao chất lượng giáo dục

Phát biểu tại hội nghị, bà Mai Thị Liên Giang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình khẳng định: “Năm học 2023-2024 là năm thứ 4 ngành giáo dục Quảng Bình tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Hội nghị là cơ hội đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất khắc phục khó khăn tồn tại”.

1000003471.jpg
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình, bà Mai Thị Liên Giang phát biểu tại hội nghị.

4 năm học qua, giáo dục tiểu học tỉnh Quảng Bình đã chủ động, linh hoạt, duy trì được sự ổn định, từng bước triển khai Chương trình GDPT 2018 trên diện rộng và gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Các cơ sở giáo dục đã bám sát các văn bản cấp trên để xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả việc dạy học lớp 1, lớp 2, lớp 3 và lớp 4 theo Chương trình GDPT 2018.

Xây dựng và quản lý hệ thống văn bản có chất lượng, tổ chức sinh hoạt chuyên đề đáp ứng việc đổi mới Chương trình GDPT 2018 phù hợp với nhiệm vụ năm học.

Giáo dục tiểu học trên địa bàn từng bước khắc phục tình trạng nhiều điểm trường lẻ, trường học có quy mô nhỏ, trường có lớp học và sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định. Tổng số trường có học sinh tiểu học là 214 trường, trong đó 175 trường tiểu học, 36 trường TH&THCS,...

Năm học 2023-2024, cấp tiểu học toàn tỉnh có 3.300 phòng học, trong đó có 2.900 phòng học kiên cố, 373 phòng học bán kiên cố, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3 và lớp 4.

Có 245 phòng thư viện, 164 phòng thiết bị, 237 phòng Tin học, 175 phòng Ngoại ngữ, 123 phòng Giáo dục nghệ thuật. 15 trường có nhà đa năng, 35 trường có phòng đa năng, 88 trường có phòng Khoa học-Công nghệ, 170 trường có khu vận động ngoài trời, 60 bể bơi.

Toàn tỉnh hiện có 414 cán bộ quản lý, 4.900 giáo viên, 186 tổng phụ trách đội, 334 nhân viên văn phòng, 201 nhân viên thư viện - thiết bị. Có 19 giáo viên trình độ trên đại học, 4.443 giáo viên trình độ đại học, 177 giáo viên trình độ cao đẳng, 8 giáo viên trình độ trung cấp. Tỷ lệ bình quân trên toàn tỉnh: 1,43 giáo viên/lớp.

100% các đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030”. 100% các cơ sở giáo dục triển khai giáo dục STEM.

Đến 15/6/2024, 8/8 đơn vị phòng GD&ĐT trên địa bàn tỉnh đã triển khai thí điểm học bạ số từ lớp 1 đến lớp 4 với 186/188 trường tiểu học (tỉ lệ 98,93%).

1000003468.jpg
Nhiều đại biểu chia sẻ khó khăn, đề xuất giải pháp để thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn đó nhiều khó khăn yêu cầu giáo dục tiểu học Quảng Bình rà soát, khắc phục trong thời gian tới như: tình trạng sau khi sắp xếp, sáp nhập, quy hoạch lại các trường, điểm trường, tại một số địa bàn dân cư phân tán, giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi học của học sinh; một số trường gặp khó khăn do việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý và giáo viên.

Một số trường tại các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Minh Hóa, Lệ Thủy có nhiều điểm trường, địa bàn rộng nên khó khăn trong công tác quản lý chuyên môn, đội ngũ, cũng như đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

Tỷ lệ phòng học cấp 4 còn cao, số phòng học bộ môn còn thiếu so với yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018 (tính đến cuối năm học 2023-2024, toàn tỉnh hiện thiếu 249 phòng học bộ môn); vẫn còn khu sân chơi, phòng học bộ môn chưa đảm bảo diện tích.

Mang cuộc sống vào bài học

Tại hội nghị, các cán bộ, giáo viên thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Đại diện Phòng GD&ĐT huyện Tuyên Hóa cho biết, trong năm học 2023-2024, huyện Tuyên Hóa đã sáp nhập từ 65 về 63 trường học. Tuy nhiên, địa bàn này vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập về trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên và cơ sở dữ liệu ngành.

Tham luận về phương pháp giáo dục giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực cá nhân, cô giáo Nguyễn Thị Long, giáo viên Trường TH học số 2 Hoàn Lão (huyện Bố Trạch) cho rằng, giáo viên phải xây dựng kế hoạch bài dạy phù hợp bởi đây là việc quan trọng, quyết định sự thành công của một giờ dạy.

1000003469.jpg
Cô Nguyễn Thị Long (Trường TH học số 2 Hoàn Lão) chia sẻ cách dạy giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực cá nhân.

Đồng thời, phải tạo hứng thú cho học sinh vì chỉ khi có hứng thú các em mới tập trung, tự giác để học.

"Thầy cô phải coi trọng kĩ năng thực hành, mang kiến thức ngoài sách vào bài giảng vì nó giúp học sinh gắn kiến thức bài học với thực tiễn cuộc sống”, cô giáo Nguyễn Thị Long cho biết.

Đại diện phòng GD&ĐT TP Đồng Hới, bà Nguyễn Thị Huyền đã tham luận với nội dung đẩy mạnh giáo dục STEM trong trường học.

Theo bà Huyền, 2019-2020 là năm học bắt đầu triển khai dạy học STEM và đến năm 2021-2022 phương pháp này mới được triển khai đại trà. Những năm đầu, giáo viên còn mơ hồ về cách dạy cũng như thiếu cơ sở vật chất phục vụ dạy học. Tuy nhiên, thực trạng đó dần được khắc phục, STEM phát huy hiệu quả nhờ tính thực tế cao, học sinh có thể học tích hợp nhiều kiến thức trong bài học, nhớ lâu, nhớ kỹ.

1000003470.jpg
Đại diện phòng GD&ĐT TP Đồng Hới chia sẻ về phương pháp dạy học STEM trong trường học.

Trình bày phương hướng nhiệm vụ triển khai trong năm học 2024-2025, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học, Sở GD&ĐT Quảng Bình, ông Lê Viết Cảm đề nghị các cơ sở giáo dục chủ động đổi mới trên diện rộng, hoạt động quản lý, dạy học đi vào chiều sâu ở từng nội dung giáo dục, từng môn học, đảm bảo được các mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; chỉ đạo các phòng GD&ĐT thực hiện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để có đủ giáo viên, bảo đảm chất lượng dạy học các môn học, hoạt động giáo dục theo Chương trình GDPT 2018, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng không tổ chức dạy học vì thiếu giáo viên.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học; thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nề nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục tiểu học.

Tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; phát động, tổ chức các phong trào thi đua, xây dựng và lan tỏa các mô hình giáo dục hiệu quả, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ