Tín hiệu không vui từ lạm phát thấp

GD&TĐ - Hồi cuối tháng 11, Văn phòng Nội các Nhật Bản tái khẳng định quan điểm rằng nền kinh tế nước này đang phục hồi vừa phải với mức lạm phát thấp.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hơn nữa, tỷ lệ lạm phát hiện nay chỉ là tạm thời và nước này vẫn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ của mình.

“Nền kinh tế Nhật Bản đang phục hồi vừa phải. Chúng ta cần chú ý đầy đủ đến việc tăng giá, hạn chế từ nguồn cung và biến động trên thị trường tài chính, vốn”, đại diện Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết.

Tính đến cuối tháng 10, tỷ lệ lạm phát ở Nhật Bản là 3%, thấp hơn so với các thành viên trong khối G7. Theo dữ liệu từ trang kinh tế Trading Economics, Mỹ có tỷ lệ lạm phát là 8,3%, Canada 7%, Pháp 5,9%, Đức 7,9%, Italy 8,4% và Vương quốc Anh 9,9%. Tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản và những khẳng định về khả năng phục hồi của nền kinh tế là mơ ước đối với nhiều quốc gia khác.

Trên thực tế, nền kinh tế Nhật Bản đang phải đối mặt với những áp lực tương tự các quốc gia khác trên thế giới. Điều này bao gồm các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng xảy ra sau xung đột Nga - Ukraine và các vấn đề về chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn duy trì tỷ lệ lạm phát thấp nhờ hai yếu tố.

Đầu tiên, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành một số biện pháp kiểm soát nhằm hạn chế tình trạng tăng giá. Theo đó, việc tăng giá cần phải được triển khai từng bước, điều này đồng nghĩa các công ty có xu hướng đảm bảo các hợp đồng cung cấp dài hạn, từ đó ổn định chi phí năng lượng.

Tương tự với lúa mì, Nhật Bản nhập khẩu phần lớn lúa mì thông qua một tổ chức phi chính phủ cố định giá bán lại trong 6 tháng một lần. Điều này giúp Nhật Bản tránh được những tác động xấu từ việc tăng giá lúa mì sau xung đột Nga - Ukraine.

Lý do thứ hai khiến lạm phát tại Nhật Bản nằm ở mức thấp là tốc độ phục hồi của nước này sau Covid-19 chậm hơn so với các nền kinh tế khác. Chính phủ Nhật Bản đã dần dần dỡ bỏ hạn chế đối với hoạt động kinh doanh. Điều này giúp hạn chế lạm phát bằng cách làm chậm sự gia tăng nhu cầu nội địa sau đại dịch.

Ngoài ra, nhu cầu nội địa thấp cũng nhờ vào tình trạng dân số già và đang giảm của Nhật Bản. Những người lớn tuổi có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn, chi tiêu ít hơn sau đại dịch Covid-19 nên phần nào giúp kiềm chế tình trạng lạm phát ở Nhật Bản. Người dân quốc gia này cũng được đánh giá cao bởi tính tiết kiệm bền bỉ.

Tuy nhiên, trong khi các quốc gia khác phải xoay xở tìm cách ngăn lạm phát tăng vọt, Nhật Bản cũng đang vật lộn với tình trạng lạm phát thấp, tăng trưởng thấp và giảm phát trong nhiều thập kỷ.

Từ năm 1960 đến cuối những năm 1980, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản cao gấp đôi Mỹ. Nhưng từ năm 1989, khi thị trường chứng khoán sụp đổ và khủng hoảng ngân hàng, Nhật Bản bắt đầu kiểm soát được lạm phát và khiến tỷ lệ lạm phát đạt mức thấp kể từ đó. Sang những năm 2000, nước này chuyển sang tình trạng giảm phát và tiếp tục kéo dài vì dịch Covid-19.

Thời gian qua, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách, chiến lược nhằm giúp Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát. Đơn cử, cố Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra chiến lược “kiềng ba chân” (chính sách tiền tệ mạnh mẽ, chính sách tài khoá linh hoạt và chiến lược tăng trưởng khuyến khích đầu tư tư nhân) nhưng kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Kinh tế Nhật Bản có thể dần hồi phục bất chấp những biến động hiện nay trên trường quốc tế. Tuy nhiên, để hoàn toàn thoát khỏi tình trạng giảm phát, quốc gia châu Á này cần tái cấu trúc kinh tế toàn diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ