Tín dụng sinh viên chưa theo kịp tốc độ tăng học phí

Tín dụng sinh viên chưa theo kịp tốc độ tăng học phí

Tuy nhiên, mức cho vay tối đa hiện nay là 2,5 triệu đồng/tháng/người, trong khi học phí đại học nhiều trường tăng từ 2-5 lần. Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách tín dụng sinh viên vẫn chưa theo kịp giai đoạn tự chủ đại học.

Nâng mức vay tín dụng, thêm chính sách hỗ trợ

Theo lộ trình, từ năm 2020, các trường đại học sau khi đủ điều kiện tự chủ sẽ tự xác định mức học phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Dự báo học phí đại học trong thời gian tới có thể tăng gấp đôi hoặc gấp 3 so với hiện nay.

Thực tế những ngày qua, khi các trường khối y dược công bố mức học phí mới, nhiều học sinh, phụ huynh đã “sốc” vì có ngành học tăng học phí gấp 5 lần so với hiện nay. Trung bình người học sẽ phải bỏ ra từ 2-7 triệu đồng/tháng để đóng học phí, chưa kể chi phí sinh hoạt hằng ngày. Việc tăng mạnh học phí đang kéo theo nỗi lo những học sinh, sinh viên nghèo học giỏi sẽ khó có cơ hội học đại học.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - cho biết, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và các bộ ngành liên quan có nhiều chính sách để hỗ trợ sinh viên, đảm bảo mọi học sinh đều có cơ hội vào học đại học.

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ  ký Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg  về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Đây là chính sách để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh, sinh viên trong thời gian theo học tại trường. Mức vốn cho vay tối đa là 800.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên.

Qua hơn 10 năm triển khai, chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đã đem lại nhiều kết quả tích cực, đã thực hiện cho vay hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, mang lại cơ hội học tập cho nhiều người. Đến năm 2019, sau khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi có hiệu lực và Luật Giáo dục sửa đổi được Quốc hội thông qua, lường trước việc mở rộng quyền tự chủ đại học sẽ dẫn đến việc tăng học phí, Bộ GDĐT và Bộ Tài chính đã đề xuất nâng hạn mức tín dụng đối với học sinh, sinh viên để các em có thể trang trải được chi phí học tập khi học phí tăng.

“Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1656 về việc điều chỉnh mức cho vay đối với học sinh, sinh viên. Theo đó, mức cho vay tối đa mới là 2,5 triệu đồng/tháng/người. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.12.2019. Người vay được trả nợ sau khi tốt nghiệp theo từng tháng và không dựa vào mức thu nhập người vay. Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ căn cứ vào mức thu học phí, sinh hoạt phí và nhu cầu người vay để quyết định mức cho vay cụ thể” - đại diện Bộ GDĐT thông tin.

Ngoài việc nâng mức vay tín dụng cho sinh viên nói chung, Bộ GDĐT cũng đang đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách miễn học phí đối với sinh viên sư phạm, để thu hút người giỏi cho ngành này.

Ngoài miễn học phí, sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ thêm 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Tuy nhiên, nếu ra trường không công tác trong ngành Giáo dục, hoặc công tác trong ngành Giáo dục không đủ thời gian theo quy định sẽ phải hoàn trả khoản kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.

“Bộ GDĐT đang hoàn thiện dự thảo nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm và sớm ban hành để áp dụng từ năm học tới”- ông Bùi Văn Linh cho biết.

Vay tín dụng vẫn khó đủ tiền đi học

Dù có chính sách vay tín dụng, tuy nhiên với mức học phí mới của trường y dược phía Nam, lên đến 5-7 triệu đồng/tháng thì vẫn quá sức với học sinh, sinh viên nghèo. Thời gian tới khi các trường đều được tự chủ toàn diện, học phí chắc chắn tăng, sẽ có gia đình, dù vay tín dụng vẫn không thể đủ tiền để cho con em đi học.

Phạm Thái Sơn - sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cho hay, số tiền vay từ chương trình tín dụng sinh viên không đủ số với mức học phí của trường khiến em vô cùng khó khăn để lo đủ tiền học mỗi kỳ.

“Gia đình em là hộ nghèo nên thuộc diện được hưởng chính sách vay vốn ngân hàng để học đại học, với mức vay là 12.500.000 đồng/năm học với mức lãi suất là 0,5%. Trong khi đó, ngành học của em có mức học phí là 15.500.000 đồng/năm. Vì số tiền vay được không đủ nên kể từ khi nhập học em đã đi làm thêm nhiều công việc khác để bù vào tiền học phí và trang trải cuộc sống. Làm thêm nhiều đôi lúc khiến em cũng không còn đủ thời gian để tập trung học tập” - Sơn chia sẻ.

Cũng rơi vào tình cảnh khó khăn như Sơn, em Nguyễn Như Quỳnh (sinh viên đang học tại Trường Đại học Thương mại) nói rằng, năm học đầu tiên thì mức vay tín dụng tạm đủ để đóng học phí. Tuy nhiên, mỗi năm học phí đều tăng theo lộ trình mà số tiền được vay thì vẫn giữ nguyên.

“Chính sách vay tín dụng chưa theo kịp lộ trình và tốc độ tăng học phí của các trường, nên sinh viên chúng em đang gặp khó khăn. Em đành dùng tiền vay được của kỳ sau bù lên cho số tiền học phí thiếu hụt của kỳ trước. Đến kỳ tiếp theo sẽ phải dành nhiều thời gian đi làm thêm để lấy tiền đóng học”- Quỳnh nói.

Ngoài ra, Quỳnh cũng kiến nghị cần kéo dài thời hạn trả nợ thành 2 năm sau khi ra trường thay vì 1 năm như hiện tại để giảm bớt áp lực cho sinh viên nghèo.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên Bùi Văn Linh, hạn mức vay vừa được Chính phủ điều chỉnh tăng lên 2,5 triệu đồng/tháng và mới có hiệu lực từ cuối năm 2019. Hiện cũng chưa kiến nghị để tiếp tục nâng mức vay tín dụng vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ông cho rằng, lúc này các trường đại học rất cần thể hiện trách nhiệm xã hội, có thêm những chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tăng học bổng cấp cho sinh viên nỗ lực trong học tập, để không ai phải bỏ học vì tăng học phí.

Theolaodong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...