Thoát nghèo nhờ vốn ngân hàng
Về bản Pá Quăn, xã Trung Lý, huyện Mường Lát hỏi thăm nhà ông Hà Văn Hôm, không khó. Bởi lẽ, ông Hôm là người hiện nay đang làm ăn kinh tế “có tiếng” ở bản này. Nhà ông Hôm có một đàn bò hơn chục con, trị giá hàng trăm triệu đồng, khiến nhiều người phải thán phục.
Được sự giới thiệu của ông Len Văn Minh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Lý, chúng tôi đến thăm gia đình ông Hà Văn Hôm (60 tuổi), để xem đàn bò của gia đình và hỏi chuyện làm ăn của ông.
Nhà ông Hôm nằm bên Quốc lộ 15C, xung quanh là một bãi đất rộng thênh thang dưới chân núi. Ngôi nhà của ông Hôm là nhà cấp bốn, lợp mái phibro xi măng, xung quanh được quy hoạch vườn trồng rau, ao nuôi cá và chuồng trại nuôi gà, lợn cùng đàn bò hàng chục con. Trong ngôi nhà của vợ chồng ông Hôm, có đầy đủ tiện nghi như ti vi, tủ lạnh, xe máy và rất ngăn nắp.
Đồng bào dân tộc Mông ở bản Pom Khuông, xã Tam Chung (Mường Lát) vay vốn ngân hàng CSXH phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. |
Hôm chúng tôi đến thăm, đàn bò của gia đình ông đang thả trên đồi. Ông Hôm dẫn chúng tôi ra bãi cỏ bên cạnh nhà rồi cất tiếng gọi “chậc chậc”. Một lúc sau, lũ bò lần lượt từ trên đồi kéo xuống vây quanh ông để được liếm những hạt muối mà ông quẳng xuống bãi cỏ. Con nào cũng mập mạp. “Cách đây hai tuần, nhà tôi bị chết mất 6 con bò, trong đó 1 bò mẹ và 5 con bò nhỡ vì mắc bệnh tụ huyết trùng. Nếu không chết mất 6 con, thì đàn bò của gia đình tôi cũng đã được 16 con rồi”, ông Hôm nói.
Ông Hôm kể, trước đây gia đình ông thuộc diện nghèo trong bản. Năm 2016, vợ chồng ông quyết định vay 30 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện Mường Lát để phát triển kinh tế. Khi vay được vốn, ông mua 2 cặp bò (2 bò mẹ và 2 bò con) rồi chăm nuôi chúng và nhân đàn lên. Đến đầu năm nay, đàn bò của ông đã lên tới gần 20 con, nên ông bán đi 2 con được 28 triệu đồng rồi phụ thêm vào để trả hết nợ ngân hàng. “Nếu tính tổng giá trị của đàn bò của gia đình tôi hiện nay cũng được khoảng gần 150 triệu đồng. Tới đây, gia đình tôi đang làm hồ sơ, xin vay khoảng 100 triệu đồng nữa để mua thêm bò, mở rộng chuồng trại nuôi gà và giống lợn cỏ... nhưng không biết có được vay số tiền lớn như thế không”, ông Hôm trăn trở.
Giúp hàng nghìn hộ nghèo có vốn
Trò chuyện với chúng tôi về công tác giúp người nghèo tiếp cận đồng vốn để phát triển kinh tế, ông Trần Văn Hoàng - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Mường Lát, cho hay: Chỉ tính từ đầu năm đến hết tháng 9, trên địa bàn huyện đã có 1.839 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần thu hút và tạo việc làm ổn định cho hơn 1.800 lao động (trong đó có 14 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc); góp phần xây dựng được 3 căn nhà ở cho hộ nghèo và 264 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn tại địa phương...
Song song với việc giúp người nghèo có vốn làm ăn, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã thực hiện công tác ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. “Tính đến thời điểm 30/9/2019, dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên đạt 191.575 triệu đồng, chiếm 98,8% tổng dư nợ; nợ quá hạn là 346 triệu đồng, chiếm 0,18% dư nợ ủy thác”, ông Hoàng cho hay.
Có vốn vay từ ngân hàng CSXH, đồng bào Dao ở bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi, Mường Lát (Thanh Hóa) chuyển đổi cơ cấu mùa vụ hiệu quả. |
Cũng theo Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mường Lát, trong 9 tháng năm 2019, các tổ chức chính trị - xã hội đã tiếp tục phối hợp cùng Ngân hàng CSXH triển khai thực hiện tốt công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng dịch vụ ủy thác, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), như: sắp xếp, kiện toàn các Tổ TK&VV hoạt động yếu kém; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, quá hạn, thu lãi; kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay; xử lý nợ rủi ro; tuyên truyền nâng mức cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách và nâng cao tỷ lệ cũng như mức gửi tiết kiệm hàng tháng qua các Tổ TK&VV.
Bên cạnh đó, để kịp thời hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, Ngân hàng CSXH huyện đã trình Chủ tịch Hội đồng quản trị ra quyết định xóa nợ đối với 8 món vay bị rủi ro do nguyên nhân khách quan với tổng số tiền là 73.099.786 đồng. Trong đó, nợ gốc là 56.800.000 đồng và nợ lãi là 16.299.786 đồng. Ngoài ra, đơn vị đang tiếp tục trình Chủ tịch Hội đồng quản trị xem xét xử lý nợ đợt 3 năm 2019 đối với 16 món vay bị rủi ro do bị ảnh hưởng trong đợt lũ lụt, sạt lở đất hồi đầu tháng 8 vừa qua với tổng số tiền là 140 triệu đồng đồng. Trong đó, xóa nợ 9 món với số tiền 61 triệu đồng tiền gốc và khoanh nợ cho 7 món với số tiền 79 triệu đồng tiền gốc.
Nhận xét về hộ gia đình ông Hà Văn Hôm, Giám đốc Trần Văn Hoàng nói: “Gia đình ông Hôm là một trong những hộ nghèo được vay vốn của Ngân hàng CSXH đã phát huy đồng vốn rất hiệu quả. Bản thân ông Hôm là người chịu khó học hỏi cách thức làm ăn từ các mô hình thực tế và thông qua kênh báo chí, truyền hình. Nếu ông Hôm làm hồ sơ để vay thêm vốn phát triển kinh tế, thì đơn vị chúng tôi sẽ xem xét để tạo điều kiện thuận lợi nhất. Hiện nay, gia đình ông Hà Văn Hôm thuộc diện được vay mức tối đa là 100 triệu đồng để phát triển kinh tế ”.