Tìm việc cho sinh viên mùa dịch

GD&TĐ - Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các trường đại học không thể tổ chức chợ việc làm, ngày hội nghề nghiệp… để làm cầu nối cho sinh viên và các nhà tuyển dụng như thường lệ.

 Sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng tham gia Ngày hội việc làm khối ngành công nghệ tháng 4/2021.
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng tham gia Ngày hội việc làm khối ngành công nghệ tháng 4/2021.

Kết nối với doanh nghiệp để tổ chức tuyển dụng trực tuyến, triển khai mô hình quản trị viên tập sự… là những đổi mới trong nỗ lực giải quyết đầu ra cho sinh viên.

Nhiều giá trị cộng thêm

Đầu năm 2021, ngay sau khi nhận bằng cử nhân điều dưỡng, Nguyễn Thị Hằng quay trở lại thành phố Yokohama (Nhật Bản) làm việc. Khi còn là sinh viên năm thứ 4, ngành điều dưỡng, Hằng có khoảng thời gian làm thực tập sinh tại Nhật Bản theo chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Đông Á và thành phố Yokohama. “Cùng với chuyến Internship, em có luôn bằng Nhật ngữ N2 sau lần thi đầu tiên tại Nhật Bản. Mức lương nhận được trong thời gian làm thực tập sinh đã giúp em hỗ trợ được kinh tế cho gia đình và trang trải chi phí học tập”, Hằng chia sẻ.

Để tích lũy thêm kinh nghiệm và các kỹ năng mềm khác, khi quay trở lại trường chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, Hằng tham gia trợ giảng cho các giảng huấn Nhật Bản trong các buổi huấn luyện thực hành kỹ năng điều dưỡng cho sinh viên tại trường. Trường Đại học Đông Á hiện có khoảng 400 sinh viên chỉ chờ các chuyến bay không Covid để sang làm việc tại thị trường Nhật Bản.

Một xu hướng tuyển dụng mới đối với các doanh nghiệp, tập đoàn có chiến lược về nhân sự, theo như TS Huỳnh Hữu Hưng, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết, là hình thức quản trị viên tập sự, thực tập sinh. Theo đó, quá trình tiếp nhận sinh viên thực tập cũng là quãng thời gian đơn vị bồi dưỡng nghiệp vụ, sàng lọc ứng viên để tuyển dụng nhân lực.

“Hàng năm, mỗi tập đoàn, công ty đối tác truyền thống của nhà trường tiếp nhận khoảng từ 40 - 60 sinh viên đến thực tập hoặc kiến tập. Ngoài việc được thực tập trong môi trường chuyên nghiệp và tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến, các em còn được công ty giao và hướng dẫn thực hiện các đề tài thực tập và sẽ là đề tài tốt nghiệp, được hưởng trợ cấp theo thời gian thực tập, được ưu tiên tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp. Cơ hội việc làm cho sinh viên từ mô hình này là rất lớn và doanh nghiệp cũng rút ngắn được thời gian đào tạo lại khi người lao động đã có thời gian làm quen với công việc thực tế từ trước đó”, TS Hưng cho biết.

Xuyên suốt trong tháng 11/2021, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM đã phối hợp với Trường Đại học Văn Lang tổ chức Tháng hướng nghiệp và Ngày hội việc làm trực tuyến năm 2021 trên các nền tảng trực tuyến. Đây là hoạt động dành cho sinh viên, đặc biệt là những em năm cuối của tất cả các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Điểm nhấn của hoạt động là Tuần lễ việc làm trực tuyến – không gian giới thiệu việc làm của doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp đăng tin tuyển thực tập sinh và tuyển dụng nhân sự thông qua nền tảng trực tuyến. Hoạt động đã thu hút gần 200 doanh nghiệp tham gia với khoảng 3.000 cơ hội việc làm.

Thành phố Fukuoka (Nhật Bản) tiếp nhận trực tuyến chương trình thực tập sinh ngành điều dưỡng của Trường Đại học Đông Á.
Thành phố Fukuoka (Nhật Bản) tiếp nhận trực tuyến chương trình thực tập sinh ngành điều dưỡng của Trường Đại học Đông Á.

Hướng đến chuẩn kỹ năng nghề nghiệp

Ông Nguyễn Anh Huy – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng nhận xét: “Nếu so sánh về nguồn nhân lực thì Đà Nẵng không thể so sánh với hai đầu cầu là Hà Nội, TPHCM hay 2 địa phương mới nổi lên gần đây là Bình Dương và Bắc Giang. Dù hệ thống giáo dục ở Đà Nẵng rất tốt nhưng có “điểm yếu” là ít cọ sát thực tế”.

Từ thực tế này, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK – Đại học Đà Nẵng) đã xúc tiến ký kết hợp tác với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng. Ông Phạm Trường Sơn – Trưởng ban Quản lý đề xuất sẽ hợp tác với VNUK đào tạo và cấp chứng chỉ về thiết kế bo mạch cho sinh viên. “Các sinh viên sẽ được học tập, trải nghiệm trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, thực tế. Người học có thể tự thiết kê các bo mạch, doanh nghiệp sẽ sửa lỗi, kiểm tra tay nghề để cấp chừng chỉ”, ông Sơn gợi ý. Một hướng khác nữa là các chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại Ban Quản lý sẽ tham gia giảng dạy tại VNUK nhằm cung cấp thực tiễn từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất cho sinh viên.

Học tập trong môi trường nghề nghiệp chính là mô hình lý tưởng nhất để sớm hình thành kỹ năng nghề nghiệp. Ngoài kỹ năng mềm thì kỹ năng hội nhập quốc tế cho sinh viên được các cơ sở giáo dục đại học chú trọng nhiều hơn. Tháng 2/2021, Trần Văn Vũ và Trần Nguyên Hoàng – lớp 16 PFIEV3 (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng) vừa được nhận sang thực tập và làm Capstone Project tại Công ty La SOGET (Pháp) với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Trước đó, năm 2020 Chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV) của trường có có 6 sinh viên sang thực tập và làm Capstone Project - đồ án tốt nghiệp tại Pháp và Canada.

Tỉ lệ có việc làm của sinh viên ra trường cao là yêu cầu bắt buộc, sống còn của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay trong xu hướng cạnh tranh bình đẳng về tuyển sinh. Mô hình Trung tâm giới thiệu việc làm hoặc trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng ngày càng nhiều và không còn là điều quá mới mẻ. Đây chính là nơi thu thập nhu cầu thị trường lao động qua các kênh như báo chí, trung tâm giới thiệu việc làm thành phố, trung tâm giới thiệu việc làm vùng của Bộ LĐ-TB&XH…; kết nối giữa nhà tuyển dụng với sinh viên nhà trường. 

Theo nhận xét của nhiều cán bộ phụ trách các trung tâm giới thiệu việc làm thì nhu cầu của thị trường lao động là rất nhiều, nhưng có một tâm lý, nhất là đối với sinh viên Đà Nẵng là rất ngại đi xa. Đây thực sự là một khó khăn của nhiều trường. Trường có thể ký hợp đồng với doanh nghiệp nhưng các em lại không muốn phải đi làm quá xa, chính vì vậy, sự tin cậy giữa doanh nghiệp và nhà trường chưa có. Đó là chưa kể, một số doanh nghiệp không nêu, hoặc không thực hiện đúng cam kết về mức lương và các chế độ cho sinh viên nên thu nhập của các em thường thấp hơn so với vị trí công việc. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ