Tìm về nét xưa

GD&TĐ - Nhắc đến thư pháp dễ khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh ông đồ già bên áng thư, mực tàu, giấy đỏ với những nét chữ rồng bay phượng múa. Vậy làm thế nào để lưu giữ, truyền cảm hứng đến cho thế hệ học trò.  

Có những bài viết gây bất ngờ với ban giám khảo bởi sự điêu luyện, mềm mại và sáng tạo của các em.
Có những bài viết gây bất ngờ với ban giám khảo bởi sự điêu luyện, mềm mại và sáng tạo của các em.

Trước những trăn trở trong việc thu hút các em, khiến các em nhẫn nại, tỉ mỉ, trau chuốt cho từng nét chữ, Ban giám hiệu Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn (Tuy Phước, Bình Định) tổ chức hoạt động ngoại khóa thi viết thư pháp cho học sinh toàn trường.

Ngay từ sáng sớm, các “nho sĩ” nhí trong trang phục áo dài đủ màu sắc tay cầm bút nghiên tề tựu về trường trước sự cổ vũ nhiệt tình của cha mẹ, thầy cô. Một chút se lạnh của buổi sáng mùa đông, một chút hoài cổ khiến chúng ta như quay về với khung cảnh trường thi với xênh xang áo mũ của các sĩ tử.

Thành quả của “ông đồ” nhí
Thành quả của “ông đồ” nhí 

Bước vào cuộc thi, các em ngồi ngay ngắn theo hàng, theo khối lớp dưới khoảng sân trường quen thuộc. Nhìn những đôi tay vụng về, những gương mặt trong veo chăm chú bên trang giấy, các em thật sự đã thổi vào con chữ cái hồn mộc mạc đáng yêu thơ bé của mình.

Em Đặng Quỳnh Như Ý học sinh lớp 5A chia sẻ: Đây là dịp để em thực hiện niềm đam mê, sở thích ấp ủ bấy lâu. Tết này em sẽ viết thật nhiều câu đối để tặng thầy cô và bè bạn.

Bài thi của em Trần Võ Khánh Ngọc lớp 1C
Bài thi của em Trần Võ Khánh Ngọc lớp 1C 

Còn theo thầy Gia Tấn Trọng – Hiệu trưởng nhà trường, việc đưa thư pháp vào các tiết học ngoại khóa sẽ giúp các em làm quen với nét văn hóa rất riêng của dân tộc Việt.

Cuộc thi vượt qua phạm vi một sân chơi, giúp các em hiểu về thời kì vàng son đã qua, đồng thời những giá trị cổ truyền ấy trở thành hành trang, như mạch nguồn sáng tạo viết tiếp câu chuyện của thư pháp thời hiện đại…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ