Tìm thấy loài cá phát sáng chứa chất chống đông lạnh đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong tảng băng trôi ngoài khơi Greenland, các nhà khoa học đã phát hiện ra Liparis gibbus, một loài cá có chất chống đông màu xanh lục và đỏ, phát sáng len lỏi qua các tĩnh mạch.

Loài cá ốc phát sáng mới được phát hiện. Ảnh: John Sparks và David Gruber.
Loài cá ốc phát sáng mới được phát hiện. Ảnh: John Sparks và David Gruber.

Theo một nghiên cứu mới, Liparis gibbus là loài cá ốc biến sắc chứa đầy các protein chống đông lạnh đạt “mức độ cao nhất” từ trước đến nay. Điều này đã giúp nó tồn tại trong môi trường băng giá như vùng biển cực ngoài khơi Greenland. Loài cá ốc này còn đặc biệt nhờ sự phát quang sinh học.

David Gruber, nhà khoa học nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ cho biết, tương tự các chất chống đông giúp điều chỉnh nhiệt độ động cơ ô tô, một số loài đã phát triển để có khả năng bảo vệ bản thân như vậy. Đại dương vùng cực là môi trường khắc nghiệt đối với sinh vật biển và chỉ những sinh vật thay đổi để thích nghi mới có thể tồn tại trong nhiệt độ đóng băng.

Các nhà khoa học lặn ra vùng biển cực ngoài khơi Greenland để nghiên cứu. Ảnh: CNN.
Các nhà khoa học lặn ra vùng biển cực ngoài khơi Greenland để nghiên cứu. Ảnh: CNN.

Theo National Science Foundation, gần 50 năm trước, lần đầu tiên protein chống đông được phát hiện trong một số loài cá ở Nam Cực.

Không như một số loài bò sát và côn trùng máu lạnh, cá không thể sống khi chất lỏng trong cơ thể chúng bị đóng băng. Các protein chống đông được sản xuất phần lớn trong gan, giúp ngăn chặn các hạt băng lớn hình thành trong tế bào và dịch cơ thể của chúng.

Gruber cho biết cá ốc sản xuất ra các protein chống đông, sau đó bài tiết chúng vào máu. Đặc biệt, trong tất cả các loại gen cá, cá ốc dường như "tạo ra protein chống đông thuộc 1% gen hàng đầu”.

“Cá ốc là một trong số ít loài cá sống giữa các tảng băng trôi. Thật ngạc nhiên khi một con cá nhỏ bé như vậy lại có thể sống trong môi trường cực kỳ lạnh giá mà không bị đóng băng”, Gruber nói.

Hiện tượng phát quang sinh học xảy ra khi động vật có khả năng chuyển đổi ánh sáng xanh lam thành ánh sáng xanh lục, đỏ hoặc vàng. Đặc điểm này cực kỳ hiếm gặp ở cá Bắc Cực, những loài sống trong bóng tối kéo dài. Cho đến nay, Liparis gibbus là loài cá vùng cực duy nhất được biết đến có khả năng này.

Khu vực Greenland, nơi phát hiện loài cá có thể sống trong băng giá. Ảnh: Peter Kragh.
Khu vực Greenland, nơi phát hiện loài cá có thể sống trong băng giá. Ảnh: Peter Kragh.

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm hiểu được mối liên hệ giữa huỳnh quang sinh học và protein chống đông. Tuy nhiên, nhiệt độ ấm lên ở Bắc Cực có thể gây ra mối đe dọa đối với những sinh vật đã thích nghi để tồn tại ở đó. Điều này có nghĩa tất cả năng lượng chúng dành để bảo vệ bản thân không đóng băng đều lãng phí, Burns nói.

Một số nhà khoa học dự đoán Bắc Cực sẽ không có băng trong vòng ba thập kỷ tới nếu băng tan chảy với tốc độ hiện tại.

Theo Live Science, CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ