Tìm ra lợi khuẩn trong quả sơ ri

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhóm các nhà khoa học Trường ĐH Cần Thơ tìm ra 9 chủng vi khuẩn có khả năng chịu được pH 2,5.

Quả sơ ri có tiềm năng để tạo nhiều lợi khuẩn tốt cho sức khỏe.
Quả sơ ri có tiềm năng để tạo nhiều lợi khuẩn tốt cho sức khỏe.

Nghiên cứu có tiềm năng phát triển thành sản phẩm lợi khuẩn, trong quả sơ ri.

9 lợi khuẩn được định danh

PGS.TS Huỳnh Ngọc Thanh Tâm và cộng sự, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Cần Thơ vừa tuyển chọn và định danh chủng vi khuẩn axit lactic có tiềm năng probiotic từ quả sơ ri có tên khoa học là Malpighia glabra L.

Theo PGS.TS Huỳnh Ngọc Thanh Tâm, probiotic là các vi sinh vật sống, khi được đưa một lượng vừa đủ và cần thiết vào cơ thể vật chủ sẽ mang lại lợi ích tốt cho sức khỏe.

Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho rằng probiotic có chức năng hỗ trợ sức khỏe của con người và động vật như: Tăng cường đáp ứng miễn dịch, giảm cholesterol huyết thanh, hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh đường ruột, ngăn chặn sự sinh trưởng và phát triển của hệ vi sinh vật gây hại đường ruột và phòng ngừa ung thư .

Những chủng vi khuẩn thường được nghiên cứu để phát triển các sản phẩm probiotic chủ yếu là các vi khuẩn axit lactic (LAB), các chủng vi khuẩn LAB được xác định có khả năng sống và phát triển tốt trong điều kiện bất lợi của hệ tiêu hóa như muối mật, pH thấp, kháng sinh, có khả năng cạnh tranh với hệ vi sinh vật gây bệnh đường ruột.

Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu về tuyển chọn các chủng vi khuẩn LAB có tiềm năng probiotic. Chúng được phân lập và tuyển chọn từ nhiều nguồn khác nhau ở cả thực vật lẫn động vật và được ứng dụng rộng rãi trong chăn nuôi hoặc chăm sóc sức khỏe con người.

Trái cây, rau và hoa là một nguồn nguyên liệu tiềm năng chứa nhiều vi khuẩn LAB với các đặc tính lợi khuẩn, thúc đẩy quá trình lên men cũng như hỗ trợ sức khỏe con người.

Những chủng vi khuẩn axit lactic ưa fructose (FLAB) chủ yếu được phân lập từ các nguồn giàu fructose như hoa, trái cây; các sản phẩm lên men từ hoa và trái cây; thực phẩm chứa nhiều fructose và từ ruột của ong mật.

Nguồn vi khuẩn LAB từ quả sơ ri rất phong phú. Việc tuyển chọn được các chủng vi khuẩn axit lactic có tiềm năng probiotic được phân lập từ quả sơ ri nhằm đa dạng hóa nguồn LAB có tiềm năng probiotic. Đây là tiền đề cho việc phát triển các chế phẩm men vi sinh thúc đẩy quá trình tiêu hóa của người và động vật.

Nhóm đã tuyển chọn được 9 chủng vi khuẩn có khả năng chịu được pH 2,5 trong đó chủng vi khuẩn HC1 có khả năng sống sót tốt nhất với mật số là 4,73 logCFU/mL.

Nghiên cứu đã tuyển chọn được ba chủng vi khuẩn HC1, KA2, TB5 có khả năng chịu muối mật cao nhất. Các chủng vi khuẩn HC1, KA2, KA3, KA4, TB4 và TB5 có khả năng kháng ba loại kháng sinh là tetracyclin (30 μg/mL), ampicillin (10 μg/mL) và ofloxacin (30 μg/mL).

Tạo chủng vi khuẩn xit lactic có khả năng chịu pH thấp

Theo nhóm nghiên cứu, một trong những điều kiện để vi sinh vật được ứng dụng trong các sản phẩm probiotic là khả năng chịu được pH thấp của dạ dày, pH dạ dày của người dao động từ 1,5 đến 2,0.

Để có thể vượt qua dạ dày, các vi khuẩn LAB phải có khả năng thích ứng được với môi trường axit trong dạ dày. Kết quả nghiên cứu này cho thấy các chủng vi khuẩn phân lập không những có khả năng kháng lại môi trường axít mà còn có thể phát triển trong điều kiện axit 3,2.

Từ quả sơ ri, nhóm cũng đã tuyển chọn các chủng vi khuẩn axit lactic có khả năng chịu muối mật. Muối mật được sản xuất trong gan từ quá trình oxy hóa cholesterol và được chuyển hóa trong ruột bởi hệ vi sinh vật đường ruột. Hàm lượng muối mật trong cơ thể người dao động từ 0,1 đến 0,3%.

Muối mật ức chế sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn như: Bacteroides, Clostridia, Escherichia coli. Nhóm khảo sát khả năng chịu muối mật 0,3% của các chủng vi khuẩn LAB phân lập từ sơ ri là một trong những yếu tố quyết định tiềm năng probiotic.

Kết quả thí nghiệm cho thấy, 9/9 chủng vi khuẩn khảo sát đều có khả năng sống sót và sinh trưởng trong điều kiện bổ sung 0,3% muối mật sau 4 giờ ủ.

Nhóm cũng đã tuyển chọn các chủng vi khuẩn axit lactic có khả năng kháng các loại kháng sinh. Chủng vi khuẩn có tiềm năng probiotic có thể ứng dụng trong thực trạng sử dụng thuốc kháng sinh ngày càng phổ biến hiện nay.

Việc ứng dụng kháng sinh trong việc tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy có thể vô tình tiêu diệt hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột, dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái đường ruột, gây suy giảm hệ tiêu hóa.

Nhóm đã tìm ra 6/9 chủng vi khuẩn LAB có khả năng kháng ba loại kháng. Bên cạnh đó, chủng vi khuẩn HC3 có khả năng chỉ kháng ampicillin ở nồng độ 10 μg/mL.

Nhóm đã tuyển chọn được 9/17 chủng vi khuẩn LAB có khả năng chịu được pH 2,5 với mật số vi khuẩn dao động từ 3,91đến 4,73 logCFU/mL. Ba chủng vi khuẩn có khả năng chịu muối mật cao nhất. 6 chủng vi khuẩn có khả năng kháng ba loại kháng sinh ampicillin, tetracyclin, ofloxacin khảo sát…

Thành công của nghiên cứu mở ra hướng ứng dụng rất lớn phát triển thành các sản phẩm lợi khuẩn có thành phần từ thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.
Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.