PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Vân và nhóm nghiên cứu Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên đã tìm ra hoạt chất kháng nấm, kháng khuẩn, gây độc tế bào, giảm đau, chống tiêu chảy, trừ giun, chống UV… trong cây mắc khén.
Gây độc tế bào ung thư và kháng khuẩn
PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Vân và nhóm nghiên cứu đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học cây mắc khén (Zanthoxylum rhetsa) nhằm định hướng khai thác, sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài nguyên thực vật này”.
PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Vân chia sẻ, mắc khén thuộc họ Cam (Rutaceae). Một số tên thường gọi khác là vàng me, sẻn hôi, hoàng mộc hôi. Theo y học dân gian, quả mắc khén có vị đắng cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng làm se, kích thích, lợi tiêu hóa.
Vỏ thân thơm, bổ và hạ nhiệt. Vỏ rễ màu đỏ nâu có vị đắng, mùi thơm dễ chịu, tính ấm, có tác dụng kích thích, trị giun, điều kinh, lọc máu ở thận. Quả được dùng để trị đầy hơi, tiêu chảy, thấp khớp.
Tinh dầu quả dùng chữa thổ tả; Vỏ thân dùng trị tiêu chảy, sốt rét, thấp khớp, mất trương lực của dạ dày. Mắc khén phân bố ở Ấn Độ, Myanmar, Lào, Việt Nam. Ở Việt Nam, mắc khén mọc hoang hoặc được trồng khá phổ biến ở vùng núi phía Bắc và một số tỉnh phía Nam.
Các nghiên cứu về thành phần hóa học cây mắc khén (Z. rhetsa) trên thế giới cho thấy cây này có thành phần chủ yếu là các hợp chất quinoline alkaloid, ngoài ra còn có một số hợp chất khác như amide, lignan, coumarin, triterpenoid, flavonoid.
Các nghiên cứu về hoạt tính sinh học cho thấy nhiều hợp chất thu được từ cây này có những hoạt tính sinh học đáng chú ý như kháng nấm, kháng khuẩn, gây độc tế bào, giảm đau, chống tiêu chảy, trừ giun, chống UV…, trong đó nổi bật nhất là khả năng gây độc tế bào ung thư và kháng khuẩn.
“Điều này đã thôi thúc nhóm nghiên cứu đi sâu tìm hiểu rõ thành phần, cơ chế hoạt động cũng như phương pháp chiết xuất để tận dụng hoạt chất quý này”, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Vân chia sẻ.
Ở Việt Nam, cây mắc khén được coi là cây đặc sản của vùng núi phía Bắc, đặc biệt ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An... Đồng bào dân tộc Tây Bắc thường dùng quả mắc khén thay hạt tiêu làm gia vị.
Tuy nhiên, các nghiên cứu về thành phần hóa học cũng như hoạt tính sinh học cây Z. rhetsa ở Việt Nam chưa có nhiều. Cho tới nay, mới chỉ thấy có một số kết quả công bố về thành phần hóa học tinh dầu quả Z. rhetsa, nhưng đây cũng chỉ là những nghiên cứu sơ bộ về thành phần hóa học tinh dầu mà chưa có các nghiên cứu định hướng sử dụng các thành phần có hoạt tính cao để làm thuốc chữa bệnh.
Khai thác các hoạt tính quý
Nhóm nghiên cứu đã phân lập, xác định cấu trúc hóa học và hoạt tính kháng nấm, kháng khuẩn, gây độc tế bào ung thư của các hợp chất thứ cấp từ các bộ phận lá, quả, vỏ thân cành cây mắc khén.
Kết quả đã phân lập và xác định cấu trúc của 15 hợp chất từ vỏ thân, trong đó có 1 chất mới là Zanthorhetsavietnamese, 8 chất từ lá và 5 chất từ quả. Một số chất thể hiện có hoạt tính tiềm năng, trong đó đáng chú ý là hoạt chất nitidine và hesperidin.
Nhóm cũng đã nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính kháng nấm, kháng khuẩn, gây độc tế bào ung thư của các mẫu tinh dầu thu được từ các bộ phận quả, lá, cành quả, cành lá, vỏ thân cành cây mắc khén.
Từ các kết quả này, nhóm đã tìm ra các thành phần có tiềm năng trong cây mắc khén Z. rhetsa như nitidine, hesperidin và tinh dầu có hoạt tính kháng nấm, kháng khuẩn, gây độc tế bào ung thư, đồng thời chiếm hàm lượng cao trong cây.
Để tiến tới việc khai thác một cách có hiệu quả các thành phần hoạt tính này nhằm định hướng phát triển thành các sản phẩm thiên nhiên có giá trị chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhóm đề xuất có thêm các nghiên cứu về một số hoạt tính khác như kháng viêm, giảm đau, chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch, độc tính cấp, độc tính bán trường diễn... của các thành phần này.
PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Vân chia sẻ, việc định danh thành phần dược liệu có trong mắc khén có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó triển vọng nhất là các loại thuốc điều trị ung thư, thuống kháng khuẩn… lành tính, không gây độc cho các tế bào lành.
Tuy nhiên từ lúc hoàn thiện nghiên cứu hoạt chất đến ra được sản phẩm là chặng đường dài. Nhóm hy vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu hơn để hiện thực hóa lý thuyết này.