Đọc các tài liệu nghiên cứu về thành phần quả bí đỏ, một điều khiến chị chú ý là hàm lượng polysaccharide rất lớn.
Polysaccharide là một polyme tự nhiên tồn tại trong động vật, thực vật và vi sinh vật. Chúng có các hoạt tính sinh học phong phú như gây độc tế bào, chống lại sự tấn công của virus, chống oxy hóa và điều hòa miễn dịch.
Ngoài hoạt chất quý này, bí đỏ còn chứa nhiều thành phần có hoạt tính sinh học như protein, alkaloid, flavonoid, sterol, acid béo, enzym và polysaccharide. Bí đỏ cũng là một nguồn phong phú các chất dinh dưỡng và vitamin đặc biệt là â-carotene. Chưa kể các thành phần kháng sinh khác nhau bao gồm các thành phần chống nấm đã được phân lập từ các bộ phận khác nhau của cây bí đỏ.
“Khi đi học ở Nhật Bản, tôi thấy người Nhật sử dụng bí đỏ rất phổ biến trong bữa ăn hàng ngày. Điều này càng thôi thúc tôi tìm ra những hoạt chất quý trong bí đỏ để có hướng ứng dụng rộng hơn”, TS Thủy nói.
Polysaccharide có trong các loại quả họ bầu bí, trong đó bí đỏ chiếm nhiều nhất, lên đến 12% trọng lượng khô. Điều khiến TS Thủy vui mừng là hoạt chất này có thể được chiết xuất hoàn toàn bằng nước, không sử dụng bất cứ loại dung môi hóa học nào.
Nguyên liệu thịt bí đỏ tươi có thể đem chiết xuất ngay, hoặc phơi khô để bảo quản tốt hơn trước khi tiến hành chiết xuất. Hoạt chất có mùi thơm dễ chịu, màu vàng nhạt, dễ sử dụng làm thuốc hay thực phẩm chức năng.
TS Thủy và cộng sự đã nghiên cứu quy trình chiết tách, xác định thành phần, cấu trúc hóa học, cấu trúc không gian và đánh giá khả năng hạ đường huyết in vitro và in vivo cũng như hiệu quả khôi phục tổn thương tụy của chuột tiểu đường khi điều trị bằng polysaccharide chiết tách từ loài bí đỏ phổ biến ở Việt Nam.
Nhóm sử dụng hai nhóm chuột khác nhau để thử nghiệm hoạt tính hạ đường huyết, 6 nhóm chuột với liều lượng uống khác nhau. Sau bảy ngày uống mẫu thử (PP-PE) liều 100 mg/kg/ngày, mức đường huyết trong máu của chuột đã giảm từ 345,6 mg/dL xuống còn 243,0 mg/dL/ngày (giảm 29,8%). Trong khi đó, sau bảy ngày uống thuốc
Chlorproamide (thuốc điều trị đái tháo đường nhóm sulfonyluea) liều 100 mg/kg/ngày thì mức đường huyết trong máu từ 345 mg/dL đã giảm xuống còn 179,4 mg/dL (giảm 47,6%). Kết quả nghiên cứu cho thấy, mẫu PP-PE có hoạt tính hạ đường huyết rất tốt, thể hiện qua khả năng ức chế enzym á-glucosidase và á-amylase; khả năng giảm mức đường huyết và cải thiện tổn thương mô tuyến tụy của chuột bị tiểu đường.
Kết quả nghiên cứu cấu trúc ở trên cho thấy, PP-PE có cấu trúc mạch nhánh, cấu trúc không gian dạng hình que và sự tập hợp phân tử trong dung dịch có khả năng là các yếu tố cấu trúc có quan hệ đến hoạt tính sinh học của polysaccharide từ quả bí đỏ. Tuy nhiên, vấn đề này cần được nghiên cứu thêm.
PGS.TS Thành Thị Thu Thủy vừa bảo vệ thành công xuất sắc đề tài “Nghiên cứu thành phần hóa học và khả năng hạ đường huyết của polysaccharide có nguồn gốc từ quả bí đỏ (chi Cucurbita) nhằm ứng dụng điều trị bệnh tiểu đường”. Nhóm tác giả dự định sẽ tiếp tục thực hiện các nghiên cứu tiếp theo để cho ra sản phẩm là thực phẩm chức năng hỗ trợ người bệnh tiểu đường.
TS Thủy cho biết, hiện bệnh nhân tiểu đường phải tiêm insulin và uống thuốc. Các liệu pháp này có hiệu quả chữa trị nhưng cũng kèm theo một số tác dụng phụ. Việc sử dụng các chất chống tiểu đường có nguồn gốc tự nhiên từ quả bí đỏ sẽ khắc phục được điều này.
Trên thị trường hiện chưa có bất cứ sản phẩm nào hỗ trợ điều trị tiểu đường làm từ hoạt chất polysaccharide trong bí đỏ. Nhóm tác giả hy vọng nghiên cứu sẽ mở ra hướng ứng dụng mới, đem lại giải pháp phòng và điều trị an toàn cho người bệnh.