Tìm lời giải cho bài toán thiếu giáo viên tại Côn Đảo

GD&TĐ - Do thiếu GV ở một số môn, các cơ sở giáo dục tại huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) đang áp dụng nhiều giải pháp để đảm bảo đủ về số lượng, nhất là với lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Dù thiếu giáo viên nhưng các nhà trường vẫn áp dụng nhiều biện pháp để duy trì hoạt động dạy học, nhất là các khối lớp thực hiện theo Chương trình GDPT 2018.
Dù thiếu giáo viên nhưng các nhà trường vẫn áp dụng nhiều biện pháp để duy trì hoạt động dạy học, nhất là các khối lớp thực hiện theo Chương trình GDPT 2018.

Nguồn tuyển đang bị thiếu

Ông Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Côn Đảo chia sẻ: Tổng số giáo viên các cấp học trên địa bàn là hơn 200 người nhưng vẫn thiếu khoảng 20 giáo viên so với biên chế giao. Tuy nhiên, nguồn tuyển giáo viên đang gặp khó khăn, nhất là với các môn Tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học hay môn tích hợp trong chương trình mới như Hoạt động trải nghiệm, Khoa học tự nhiên… Hiện, các trường vẫn tích cực, chủ động trong việc triển khai hoạt động giáo dục vừa đảm bảo chương trình, vừa đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch bệnh. Mỗi nơi cũng có những cách làm phù hợp để bổ sung đội ngũ giáo viên, nhất là những môn thuộc Chương trình GDPT 2018.

Trường THCS Lê Hồng Phong có 32 giáo viên đứng lớp và gần 600 học sinh. Năm đầu tiên thực hiện dạy lớp 6 theo chương trình mới, nhà trường đã bố trí giáo viên và chuẩn bị trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Với một số bộ môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, giáo viên cũng được tập huấn kỹ càng về cách thức, phương pháp giảng dạy.

“Việc áp dụng hình thức hợp đồng thỉnh giảng là có nhưng không nhiều, chủ yếu theo biên chế có mà bị trống do chưa tuyển dụng được. Nhà trường đang thỉnh giảng giáo viên bộ môn Tiếng Anh. Sắp tới, trường hợp đồng thêm hai thầy cô nữa ở các môn Ngữ văn và Sinh học để thay thế cho hai giáo viên vừa mới chuyển công tác. Đến nay, nhà trường đã hoàn thành công tác kiểm tra, đánh giá cuối kỳ I cho học sinh. Thầy cô đang dạy kiến thức theo chương trình học kỳ II của năm học này” – cô Vương Mỹ Lan – Hiệu trưởng nhà trường thông tin.

Theo cô Phạm Phương Mai – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc, với số lượng 1.053 học sinh được chia làm 33 lớp và 42 thầy cô giáo, nhà trường hiện còn thiếu 11 giáo viên. Trường đang làm thủ tục để hợp đồng thỉnh giảng thêm 4 giáo viên. Vị hiệu trưởng thừa nhận, cái khó chính nằm ở nguồn tuyển. Huyện Côn Đảo đang không có nguồn tuyển, phải tuyển và áp dụng các cách làm khác nhau để tuyển dụng giáo viên từ các tỉnh/thành trong đất liền.

“Theo chính sách mới nhất của tỉnh đang áp dụng, mỗi giáo viên dạy tại đây ngoài lương cố định được nhận thêm khoản phụ cấp 2,3 triệu đồng mỗi tháng. Do vậy, phần lớn giáo viên ở trường chúng tôi đến từ hơn 20 tỉnh, thành phố khác nhau. Việc chi trả thêm phụ cấp cho giáo viên theo chính sách chung của tỉnh đã phần nào giúp cho thầy cô thêm động lực để vượt qua khó khăn, yên tâm công tác và gắn bó với nghề. Hơn ai hết, chúng tôi rất trân trọng những nỗ lực, cống hiến của các thầy cô giáo để cùng nhau đoàn kết, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học, bất chấp khó khăn về dịch bệnh” – cô Mai chia sẻ.

Huyện Côn Đảo thiếu khoảng 20 giáo viên theo chỉ tiêu.
Huyện Côn Đảo thiếu khoảng 20 giáo viên theo chỉ tiêu.

Áp dụng hợp đồng thỉnh giảng

Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Biên chế và quản lý đối với giáo viên từ mầm non đến THCS thuộc thẩm quyền UBND huyện. Dưới góc độ quản lý ngành, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị huyện/thị/thành phố tổ chức xét tuyển giáo viên thành nhiều đợt. Do đó, từ năm học 2020 – 2021 trở đi, sau một đợt xét tuyển mà chưa đủ, các đơn vị sẽ tiếp tục đăng thông báo xét tuyển tiếp.

Hiện nay, vẫn còn một lượng giáo viên bị “vướng” chuẩn nếu theo Luật Giáo dục 2019. Tức, các thầy cô này khi ra trường đến nay chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng (với mầm non) và đại học (với tiểu học và THCS). Theo đó, sở GD&ĐT đang đề nghị để cho phép các trường áp dụng hình thức hợp đồng thỉnh giảng tạm thời chứ chưa tuyển. Từ đó, lực lượng giáo viên này sẽ được đào tạo và học liên thông lên trình độ cao hơn để phù hợp với chuẩn mới. Đây là hai giải pháp đang được địa phương áp dụng để đảm bảo cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Tại huyện Côn Đảo, số lượng giáo viên bị thiếu không quá nhiều. Các trường vẫn có thể điều tiết giáo viên để dạy hỗ trợ cho các môn, riêng một số môn đặc thù vẫn dạy trực tuyến từ đất liền ra. Còn về phía tỉnh tổ chức tuyển dụng liên tục nhằm thu hút giáo viên từ các nơi để hỗ trợ, bổ sung. Kể từ khi thực hiện Nghị định 71/2020 của Chính phủ đến nay, đa số giáo viên của tỉnh đã chủ động đi học nâng trình độ chuẩn được đào tạo”, đại diện ngành Giáo dục tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhấn mạnh.

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Côn Đảo Nguyễn Văn Mạnh, trước thực trạng thiếu giáo viên, giải pháp tình thế của ngành Giáo dục địa phương là sắp xếp giáo viên dạy chéo môn, thực hiện tăng tiết. Ngoài ra có thể hợp đồng thỉnh giảng cho giáo viên để đứng lớp. Phòng cũng đề xuất với UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh có thêm chính sách hỗ trợ thêm để thu hút giáo viên ra Côn Đảo như tăng phụ cấp đặc biệt, hỗ trợ về nhà ở hoặc tiền thuê nhà ở cho giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.