Tìm kiếm tài năng cho ngành xiếc: Hành trình đãi cát tìm vàng

GD&TĐ - Những năm gần đây, công tác đào tạo và tuyển dụng nhân lực cho nghệ thuật gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt với loại hình xiếc. 

Nghệ sĩ xiếc với tiết mục “Khỉ đi trên dây”
Nghệ sĩ xiếc với tiết mục “Khỉ đi trên dây”

Mặc dù Bộ VH,TT&DL đã đưa ra nhiều giải pháp như đặt hàng đào tạo, hỗ trợ tìm kiếm, phát triển tài năng... để “gỡ rối” bài toán nhân lực, thế nhưng, những khó khăn đào tạo xiếc tại Việt Nam vẫn luôn là những câu chuyện “nóng” mỗi mùa tuyển sinh.

Sự đào thải khắc nghiệt

Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam là cái nôi đào tạo diễn viên xiếc chuyên nghiệp duy nhất trong khu vực Đông Nam Á. Mỗi năm trường chỉ tuyển sinh 35 học viên nhưng không phải năm nào cũng tuyển đủ chỉ tiêu.

Năm 2017, tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển là 8.321 thí sinh, số thí sinh trúng tuyển là 679. Ngày 8 và 9/7, trường đã tổ chức thi tuyển vòng 2 (trung tuyển) và vòng 3 (phúc tuyển) và 35 thí sinh đã chính thức trúng tuyển vào trường.

Tuy nhiên, năm nào trường cũng không giữ được một số học sinh vì gia đình không có khả năng lo tiền sinh hoạt cho các em, mặc dù đào tạo xiếc được xếp vào đặc thù của ngành nghệ thuật biểu diễn và được Nhà nước miễn giảm 70% học phí đối với học sinh theo học. Trường cũng đã trích hỗ trợ tiền ăn tại nhà ăn học sinh, sinh viên của trường theo định mức là 180.000 đồng/tháng cho mỗi học sinh.

Hầu hết các học sinh chủ yếu là con em ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn vì vậy mỗi tháng phải bỏ ra một khoản tiền từ 1,5 triệu đến hai triệu đồng cho con theo học xiếc là cả một vấn đề đối với mỗi gia đình. Đó là lý do có thể lớp diễn viên được tuyển khi vào là 35 nhưng sau khi chịu sự đào thải khắc nghiệt của nghề nghiệp và cả sự nản lòng không theo được thì số tốt nghiệp thường chỉ khoảng 20 em.

Bên cạnh đó, đặc thù nghề nghiệp đòi hỏi học viên thi vào trường xiếc phải có năng khiếu. Bởi vậy, nếu vào học 35 em mà tốt nghiệp được 25 em thì đã là khóa học thành công. Chỉ qua năm thứ nhất, thậm chí là học kỳ I, thiếu năng khiếu, thiếu đam mê, không chịu được khó khăn của nghề đã khiến một số học viên “rơi rụng”.

Học viên ngành xiếc đều đang ở tuổi vị thành niên, học nội trú tại trường, sống xa gia đình, thiếu tình cảm, sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ, những chấn thương khi tập luyện phải âm thầm vượt qua, để rèn luyện và học tập. Điều đó cũng đòi hỏi nghị lực rất lớn của các em.

Khó giữ chân được người tài

Mới đây, tại Liên hoan Xiếc quốc tế Cuba Circuba 2017 diễn ra tại thủ đô La Habana, đoàn Việt Nam với tiết mục nhào lộn trên không mang tên “Cánh chim Việt” đã xuất sắc đoạt Mái bạt vàng, giải thưởng cao nhất của cuộc thi. Để có được thành tích ấy, tập thể lãnh đạo nhà trường đã phải lao tâm khổ tứ để cùng nhau tìm ra những giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, những khó khăn đào tạo xiếc tại Việt Nam từ nhiều năm nay vẫn luôn là bài toán khó.

Theo ông Hoàng Minh Khánh – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, xiếc Việt Nam đang có một khoảng trống rất lớn trong khâu đào tạo. Hiện nay nguồn lực giáo viên chuyên ngành xiếc quá mỏng khó có thể đáp ứng những tiêu chí, đòi hỏi cao hơn trong công tác tuyển sinh.

Nhiều năm nay, trường không thể tuyển dụng thêm viên chức. Mặc dù, Bộ VH,TT&DL đã ra những chỉ tiêu cụ thể về tuyển dụng viên chức trong khâu đào tạo, thế nhưng giữ được giáo viên đang cống hiến với nghề đã khó chứ chưa nói gì đến việc tăng về số lượng.

“Hiện không có nguồn giáo viên, cũng không có biên chế cho giáo viên nên vừa qua, nhà trường phải ký hợp đồng với các diễn viên trẻ, có tài năng làm giáo viên hợp đồng trong trường. Mà giáo viên hợp đồng thì lương thấp, chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, nhà ở không có, nên khó mà “giữ chân” đội ngũ này lâu dài”, ông Khánh cho biết.

Thiết nghĩ, để xiếc Việt Nam vươn ra được thế giới, bên cạnh việc phải tập trung hơn về mặt nghệ thuật cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ để nâng cao chất lượng nghệ thuật.

Từ năm 2017, khối các trường dạy nghề không thuộc quản lý của Bộ GD&ĐT nữa mà do Tổng cục Dạy nghề Bộ LĐ,TB&XH đảm trách. Các trường dạy nghề đa phần đào tạo theo lớp đông, đại trà nhưng với xiếc thì lại là đào tạo mang tính đặc thù theo hình thức dạy một thầy với một trò hoặc một trò sẽ được học nhiều thầy. Xiếc tuyển sinh rất ít mà số lượng giáo viên để giảng dạy, huấn luyện cũng không nhiều để đáp ứng tuyển sinh đại trà như nhiều trường dạy nghề thông thường. Ban Giám đốc và giáo viên Trường Xiếc rất mong Tổng cục Dạy nghề sẽ quan tâm hơn đến đặc thù của Trường để làm sao có được một cơ chế và phương pháp đào tạo hợp lý để có thể thu hút và đào tạo được nhiều tài năng trẻ phát triển cho ngành xiếc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.