Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, bà Nguyễn Thu Thủy- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cùng 200 đại biểu là các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Chính phủ Việt Nam đã tiến hành thực hiện chiến lược “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020” với việc thông qua các mục tiêu đầy tham vọng cho GDĐH Việt Nam như: Phát triển các chương trình giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu và định hướng nghề nghiệp - ứng dụng.
Bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình trong toàn hệ thống. Xây dựng và hoàn thiện các giải pháp bảo đảm chất lượng và hệ thống kiểm định giáo dục đại học. Xây dựng một vài trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế…
Vì vậy, trên các định hướng đó, các trường đại học lớn phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học mạnh của cả nước; nguồn thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ, sản xuất và dịch vụ đạt tối thiểu 15% tổng nguồn thu của các cơ sở giáo dục đại học vào năm 2010 và 25% vào năm 2020; Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục đại học, sự quản lý của Nhà nước và vai trò giám sát, đánh giá của xã hội đối với giáo dục đại học...
“Các mục tiêu của Đề án đổi mới GDĐH chứng tỏ quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện hệ thống giáo dục đại học trong môi trường kinh tế xã hội biến đổi nhanh chóng. Việc xây dựng các trường đại học mô hình mới hay còn gọi là các trường đại học xuất sắc hợp tác với Chính phủ các nước có nền giáo dục đại học hiện đại cùng sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tài chính quốc tế là động lực mạnh mẽ trong quá trình thực thi chiến lược đổi mới toàn diện nền giáo dục đại học Việt Nam.
Dự án xây dựng một số trường đại học xuất sắc – là chiến lược quan trọng trong nỗ lực của Chính phủ Việt Nam muốn tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế (như Đức, Pháp, Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á, có thể cả Anh, Mỹ, Nga). Trong khuôn khổ này, công tác xây dựng 4 trường đại học kiểu mẫu - đại học xuất sắc đã được triển khai. Cho tới nay đã có 3 trường được hình thành gồm Trường Đại học Việt Đức (2008), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (2009) và Trường Đại học Việt Nhật (2014).
Trong hơn 10 năm hình thành và phát triển, với những thành quả đạt được từ đào tạo đến NCKH và định vị Nhà trường, Dự án Trường Đại học Việt Đức (xây dựng bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới và hỗ trợ nguồn lực con người và tài chính của Chính phủ Việt Nam và Đức) đang phát triển đúng hướng.
Nhà trường đã thành công trong việc thiết lập và thí điểm mô hình mới về khung chính sách quản trị, tài chính và đảm bảo chất lượng của một trường đại học tự chủ và tự chịu trách nhiệm cao, qua đó góp phần hình thành một cơ chế tài chính cấp quốc gia áp dụng cho các trường đại học nghiên cứu theo mô hình mới.”- Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các diễn giả đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi sâu về cấu trúc quản trị nhà trường với các cơ quan quản trị, điều hành trực tiếp tham gia vào quá trình ra quyết định như Hội đồng trường, Ban giám hiệu và Hội đồng Nội trị nhằm đảm bảo nguyên tắc tự chủ quản trị và học thuật.
Bên cạnh việc giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm thiết lập và thí điểm mô hình mới về khung chính sách quản trị, các bước xây dựng và phát triển phương án tài chính bền vững, các đại biểu đã cùng nhau bàn luận về hệ thống kiểm định chất lượng của một trường đại học tự chủ và tự chịu trách nhiệm cao cũng như quá trình chuyển giao các chương trình đào tạo được phổ biến.
Trường Đại học Việt Đức ra đời năm 2008 là thành quả của sự hợp tác về giáo dục đại học giữa Chính phủ Việt Nam, Chính phủ CHLB Đức và Bang Hessen của CHLB Đức với mục tiêu: “Xây dựng để trở thành một trường đại học, một trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam, đạt trình độ khu vực và quốc tế, được tổ chức và hoạt động theo mô hình mới, có tính chất thí điểm, có tác dụng tạo động lực thúc đẩy đổi mới hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, góp phần nâng chất lượng giáo dục đại học Việt Nam lên ngang tầm chất lượng các trường tiên tiến trong khu vực và trên thế giới”.
Mô hình xây dựng Trường Đại học Việt Đức được dựa trên nền tảng và kinh nghiệm phát triển nền giáo dục đại học đã thành công của CHLB Đức, nhằm xây dựng một đại học tiêu chuẩn Đức tại Việt Nam.
Trong hơn 10 năm hình thành và phát triển, Trường đã hợp tác với các đại học đối tác Đức để triển khai 15 chương trình đào tạo, bao gồm 8 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ và 7 chương trình đào tạo trình độ cử nhân. Có gần 3.200 sinh viên và học viên đã và đang được đào tạo theo chương trình tiên tiến của Đức được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Ngoài ra, sinh viên, học viên của trường cũng được học thêm ngoại ngữ tiếng Đức; số sinh viên, học viên quốc tế theo học ở trường đến từ 20 quốc gia, đạt tỷ lệ 4,6% trên tổng số sinh viên, học viên; có khoảng 40% sinh viên, học viên năm cuối của trường theo học học kỳ cuối tại các trường đại học của Đức thông qua các hình thức tài trợ khác nhau