Tìm hướng giải bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô tử trường nghề

GD&TĐ - Sáng 14-11, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong tặng hoa và chúc mừng các nhà giáo 19 trường CĐ, TC nghề Hà Nội nhân ngày 20/11
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong tặng hoa và chúc mừng các nhà giáo 19 trường CĐ, TC nghề Hà Nội nhân ngày 20/11

Ngày 14/11, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021-2025.

Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, các đơn vị liên quan cùng 19 trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc thành phố Hà Nội dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU

Tuyển sinh đào tạo nghề đã khởi sắc

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị.

Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hoàng Thành Thái cho biết: Trong giai đoạn 2021-2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện tuyển sinh đào tạo 474.393/445.000 lượt người. Trung bình mỗi năm, các cơ sở này thực hiện tuyển sinh, đào tạo 237.000 lượt người, đạt 103,04% chỉ tiêu đề ra tại Chương trình số 06-CTr/TU, đạt 106,61% so với kế hoạch đề ra giai đoạn 2021-2022.

Trong 10 tháng năm 2023, các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tuyển sinh đạt 220.800 người, đạt 96% kế hoạch tuyển sinh năm 2023, tăng 2,91% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70-80%. Nhiều ngành nghề, học sinh, sinh viên ra trường được tuyển dụng 100%, như: kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ sơn ô tô, công nghệ ô tô, tự động hóa...

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị

Công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp luôn được thành phố quan tâm chú trọng. Từ năm 2021 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hợp tác với gần 3.000 lượt doanh nghiệp với nhiều nội dung, hình thức phối hợp đa dạng, như: Tiếp nhận 104.053 học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập; 1.705 doanh nghiệp tuyển dụng 397.901 học sinh, sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp; 1.301 doanh nghiệp đặt hàng đào tạo đối với 328.063 học sinh, sinh viên…

Thực tế cho thấy công tác tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tâm lý trọng bằng cấp vẫn phổ biến khiến phụ huynh chưa mặn mà với việc hướng cho con đi học nghề nên phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề. Số lượng học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS sẽ sang đi học nghề cũng chưa đáng kể.

Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh hoạt động tư vấn hướng nghiệp và truyền thông xã hội về chính sách phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS của Chính phủ nói chung và của Hà Nội nói riêng đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực. Chính sách này mở ra nhiều cơ hội cho học sinh và phụ huynh khi quyết định hướng đi cho tương lai, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và lực học của học sinh cũng như xu hướng phát triển của xã hội và thị trường lao động.

Tìm hướng giải bài toán tự chủ tài chính

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hoàng Thành Thái trình bày báo cáo.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hoàng Thành Thái trình bày báo cáo.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về 5 nhóm vấn đề: những thuận lợi cũng như khó khăn, kiến nghị cho công tác tuyển sinh, đào tạo và phân luồng học sinh tham gia học cấp giáo dục nghề nghiệp; vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng phát triển trường chất lượng cao, nghề trọng điểm; công tác tự chủ tài chính theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ. Cùng với đó là vấn đề hợp tác công tư; tiếp cận và tiếp nhận các nguồn tài trợ của doanh nghiệp trong và ngoài nước cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp; vấn đề quản lý giáo dục, biên chế, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng tay nghề, nghiệp vụ cho nhà giáo…

Nhiều ý kiến của hiệu trưởng các trường trung cấp, cao đẳng nghề đã tập trung phân tích thực trạng và nguyên nhân gây ra những khó khăn, bất cập trong việc triển khai tự chủ tài chính liên quan trực tiếp đến vấn đề học phí vẫn giữ nguyện không tăng.

Quan điểm tự chủ toàn phần hoặc tự chủ cấp I cần xác định như thế nào cho rõ ràng để các nhà trường vận hành tạo bước chuyển biến kịp thời. Tự chủ mà không có thực quyền thì lãnh đạo nhà trường không thể chủ động, quyết đoán kịp thời sẽ dẫn đến đã khó khăn lại thêm khó khăn.

Hiệu trưởng trường CĐ Thương mại – Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Thu Hà phát biểu.

Hiệu trưởng trường CĐ Thương mại – Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Thu Hà phát biểu.

Các đề xuất đề nghị thành phố đưa ra đơn giá định mức cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp vì để giải được bài toán chất lượng thì chi phí vật tư đào tạo, cần được đầu tư đầy đủ, lương thưởng giáo viên phải đảm bảo. Các trường đào tạo ngành kỹ thuật phải có sự đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng, máy móc hiện đại với mức chi phí cao mong được thành phố tháo gỡ, cho phép linh hoạt hơn trong phê duyệt danh mục thiết bị tối thiểu và thiết bị đặc thù. Trong thực tế, có nhiều loại máy móc học viên chỉ thấy trong doanh nghiệp chứ chưa hề thấy ở trong nhà trường, thiếu máy móc thực hành thì các nhà trường khó mà cung cấp ra thị trường nguồn nhân lực cao được.

Vấn đề quy hoạch lại mạng lưới và nâng cấp các trường dạy nghề cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Nhiều trường mới chỉ thay đổi ở hình thức tên gọi nhưng điều kiện cơ sở vật chất và “cái ruột” là chất lượng vẫn chưa có được bước chuyển biến xứng đáng.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn đã giải đáp kiến nghị của các nhà trường về công tác phân luồng tuyển sinh vào THPT và đại học, cao đẳng hằng năm trên địa bàn thành phố. Một số đề xuất cũng được đưa ra trao đổi xung quanh việc chia sẻ cơ sở dữ liệu, phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp giữa Sở LĐ-TB&XH với Sở GD&ĐT, giữa các trường dạy nghề và các trường THCS để tránh sự vênh, thiếu chính xác về số liệu, tỷ lệ, từ đó mới giúp cho công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp lớp 12 và lớp 9 chuyển sang đào tạo nghề hiệu quả hơn.

Đầu tư trọng tâm, quy hoạch tốt mạng lưới trường nghề

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong biểu dương Sở LĐ-TB&XH cùng các trường cao đẳng, trung cấp công lập nghề thuộc thành phố Hà Nội tham dự hội nghị lần này đã có nhiều ý kiến thẳng thắn đề xuất, kiến nghị cụ thể giúp thành phố có được sự nhìn nhận toàn diện hơn về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, trong quá trình phát triển Hà Nội phải dựa trên 3 trụ cột là văn hiến, văn hóa Hà Nội; nguồn nhân lực chất lượng cao; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong nhiệm kỳ hoạt động nào lãnh đạo thành phố cũng coi trọng đưa ra những chương trình hoạt động lớn và có tính chất trọng điểm để tạo đòn bẩy phát triển Thủ đô. Chương trình số 06-CTr/TU là chương trình lớn vì đó là câu chuyện của phát triển bền vững, ưu tiên đầu tư cho ba lĩnh vực mũi nhọn y tế, văn hóa, giáo dục.

Song Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, việc đầu tư cho lĩnh vực giáo dục thời gian qua của thành phố mới chỉ tập trung ở giáo dục phổ thông, Trường ĐH Thủ đô, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, xây dựng 5 trường phổ thông liên cấp… Trong khi đó, giáo dục nghề nghiệp liên quan trực tiếp đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dù có được đầu tư nhưng chưa thực sự được quan tâm thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn phát biểu.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn phát biểu.

Chia sẻ với những khó khăn mà các trường đang gặp phải, trong đó có tự chủ tài chính, công tác tuyển sinh… Phó bí thư Thành ủy ghi nhận, công tác đào tạo nghề vẫn có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô. Giáo dục nghề nghiệp cùng với giáo dục phổ thông hình thành nên hệ thống giáo dục hoàn chỉnh và mỗi loại hình có vai trò, vị trí quan trọng khác nhau nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô.

Phó Bí thư Thành ủy nhìn nhận, theo xu hướng của thế giới, phải phân luồng học sinh từ sớm, mở và linh hoạt. Vì thế, hệ thống trường nghề có vai trò quan trọng trong đào tạo nghề, phổ cập kiến thức nghề và đào tạo nghề ngắn hạn… Bên cạnh đó, các trường nghề cần có vai trò quan trọng hơn trong việc vừa đào tạo nghề, vừa góp phần bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống của Hà Nội - nơi tập trung hơn 1.350 làng nghề, làng có nghề.

Trên cơ sở kiến nghị của các nhà trường, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng thành phố cần đầu tư hơn nữa cho công tác đào tạo nghề, từ cơ sở vật chất, nhân lực, đến các cơ chế, chính sách ưu tiên phù hợp giúp các nhà trường tháo gỡ khó khăn. Với các trường nghề đã giữ cái gì thì phải là thế mạnh, cái gì có lợi ích cao thì tập trung đầu tư thật chuẩn chỉ và tập trung làm tốt nhất.

Từ thực trạng hoạt động của các trường cao đẳng, trung cấp nghề công lập hiện nay, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị UBND thành phố sớm có quy hoạch mạng lưới các trường nghề theo đúng định hướng của thành phố giai đoạn 2030-2045. Trong đó, sớm rà soát báo cáo thực trạng tiến độ, mức độ thực hiện tự chủ tài chính để tháo gỡ những khó khăn cho các nhà trường; Xây dựng qui chế qui định tạo điều kiện cho các trường nghề được nhận tài trợ trong nước và nước ngoài; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề chất lượng cao; đồng thời, xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ, đưa giảng viên các trường nghề đi tham quan học hỏi ở nước ngoài…

Hà Nội hiện có 352 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm 69 trường cao đẳng, 83 trường trung cấp, 48 trung tâm giáo dục nghề nghiệp/dạy nghề, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 134 doanh nghiệp, loại hình khác. Hà Nội có 19 trường trung cấp, cao đẳng công lập trực thuộc (10 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ