Chọn trường nghề để nâng cao kỹ năng làm việc

GD&TĐ - Ngoài việc học hỏi, nâng cao kỹ năng tay nghề, nhiều người còn chuyển hướng học nghề để bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng.

Ngoài nâng cao kỹ năng, hỗ trợ công việc hiện có, nhiều người còn chuyển hướng học nghề để bắt đầu “làm chủ”.
Ngoài nâng cao kỹ năng, hỗ trợ công việc hiện có, nhiều người còn chuyển hướng học nghề để bắt đầu “làm chủ”.

Người lao động đang đối mặt với một thách thức: Cơ hội việc làm khan hiếm trong khi các doanh nghiệp chú trọng đào tạo nội bộ và đòi hỏi nhân sự có khả năng thích ứng cao, kiêm nhiệm nhiều việc cùng lúc. Vì vậy, nhiều người đã chủ động học nghề, nâng cao kỹ năng để có thêm lựa chọn.

Học nghề để khởi nghiệp

Trong hệ thống giáo dục hiện nay, giáo dục nghề nghiệp đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từ đó, cung cấp cho xã hội những nhân lực được trang bị tư duy mở và kỹ năng cần thiết.

Ngoài việc học hỏi, nâng cao kỹ năng tay nghề, nhiều người còn chuyển hướng học nghề để bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng. Trường hợp anh Trần Văn Chung (xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) là một ví dụ điển hình khi đang dành thời gian tìm hiểu các khóa học về thiết kế nội thất.

Anh Chung cho biết, anh đã làm trong lĩnh vực xây dựng hơn 7 năm, không dưới 3 lần phải tạm dừng việc, nghỉ suốt thời gian dài do công ty hết dự án. Hơn một năm qua, ngành xây dựng khó khăn, anh loay hoay hàng tháng mới ổn định chỗ làm mới. Trong số những đầu việc anh Chung được phân công, có một phần liên quan tới thi công nội thất.

Càng làm càng thấy có cơ hội phát triển nên anh Chung ấp ủ dự định rẽ hướng. “Tôi tích cực lên mạng xã hội đọc thông tin về thiết kế nội thất và tìm hiểu các chương trình đào tạo trực tuyến. Hiện, tôi đi sâu nghiên cứu và tham gia lớp thiết kế 3D cơ bản, trước mắt là nâng cao năng lực bản thân, về lâu dài có thể đổi ngành hoặc khởi nghiệp từ chính lĩnh vực này”, anh Chung chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Ngọc Mai (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đang chuẩn bị hoàn thành khóa học chăm sóc da cơ bản đến chuyên sâu tại một cơ sở đào tạo chăm sóc sắc đẹp ở Hà Nội vào tháng 10 này. Sau khi được nhận chứng chỉ đào tạo, chị dự kiến về Vĩnh Phúc mở cơ sở kinh doanh cùng người thân. Trước đây, chị Mai là chuyên viên nhân sự cho một công ty nước ngoài, đặt văn phòng ở tỉnh Bắc Giang, thu nhập ổn song áp lực cao, khả năng thăng tiến hạn chế khiến chị suy nghĩ cần thay đổi công việc.

Chị Mai cho rằng, trong xã hội hiện đại, lĩnh vực làm đẹp ngày càng được coi trọng, nhu cầu gia tăng, không chỉ với nữ mà cả nam giới. Do đó, đầu năm 2022, chị quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và ghi danh vào khóa học nghề.

“Bản thân tôi khi đi làm văn phòng cũng từng chi rất nhiều cho việc chăm sóc da mặt. Vậy nên tôi muốn thử sức, dù biết sẽ gặp nhiều thách thức khi bắt đầu từ con số 0 nhưng nếu không làm sợ sau này sẽ hối hận”, chị Mai tâm sự.

Theo nhận định của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhu cầu học nghề của người đi làm đang ngày càng có xu hướng gia tăng so với trước đây, nhất là khi nhiều công ty cắt giảm nhân sự, lượng người mất việc tăng. Ngoài ra, chính sự “bấp bênh”, phụ thuộc vào đơn vị tuyển dụng cũng thúc đẩy người lao động suy nghĩ về sự an toàn của công việc. Họ thấy rằng, giờ đây không có công việc nào được bảo đảm chắc chắn, họ luôn đứng trước nguy cơ bị mất việc. Vậy nên, tìm kiếm phương án dự phòng từ học nghề là lý do mà nhiều người lựa chọn.

Bà Phan Diễm Linh, phụ trách Ban hướng nghiệp, Công ty CP Hướng nghiệp Á – Âu, cho biết, tại công ty có 60% học viên đăng ký học nghề từ 22 tuổi trở lên. Sự nở rộ của các mô hình kinh doanh trực tuyến đưa đến cách tiếp cận mới về nghề nghiệp. Chẳng hạn, trước đây, mục tiêu cao nhất mà nhiều nhân sự học nấu ăn hướng tới là vị trí bếp trưởng tại các nhà hàng cao cấp, thì nay người lao động chú trọng vào xây dựng thương hiệu cá nhân. Từ đó họ có thể được giới thiệu cơ hội kinh doanh khác hay làm tự do, không nhất thiết phải nắm giữ một vị trí cố định tại doanh nghiệp nào cả.

Kỹ năng nghề quyết định việc làm

Tại thị trường lao động trong nước, việc tuyển dụng dựa trên bằng cấp từng bị chỉ trích là có thể loại trừ không ít ứng viên có năng lực và làm suy yếu hiệu quả tuyển dụng. Do đó, xu hướng mới, được đánh giá về kỹ năng nghề sẽ thúc đẩy sự bình đẳng, đa dạng trên thị trường lao động. Từ đó, đưa đến cơ hội nghề nghiệp ổn định, thu nhập tốt cho nhiều người.

Để nâng cao cơ hội cạnh tranh cho bản thân, nhiều sinh viên hiện nay đã chủ động tìm kiếm việc làm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đơn cử, trường hợp của Nguyễn Huy Bằng, sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, đã góp mặt tại nhiều sự kiện tuyển dụng để tìm kiếm việc làm thêm.

Với lợi thế nắm được kiến thức công nghệ thông tin, Bằng đã tìm được công việc bán thời gian là cập nhật dữ liệu data ngay từ năm 2. “Lịch học linh động nên em có thể sắp xếp được thời gian đi làm sớm. Công việc đúng chuyên ngành, kèm theo đó, doanh nghiệp em làm việc cũng khá cởi mở trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng mềm. Nhờ đó, em có thể làm quen với môi trường, văn hóa doanh nghiệp cũng như rèn luyện tác phong chuyên nghiệp. Đó sẽ là lợi thế của em sau khi ra trường đi tìm việc”, Bằng chia sẻ.

Tương tự, Trương Trần Hồng Ngọc, sinh viên năm 4 ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, hiện là kế hoạch viên dự báo và bổ sung tại một doanh nghiệp ở TPHCM dù chưa tốt nghiệp. Ngọc cho biết, từ năm 3 đã hoàn thành hầu hết các môn nhờ học vượt. Do có thời gian nên cô sinh viên năm cuối này tích cực tìm kiếm các công việc liên quan tới chuyên ngành để nộp hồ sơ.

Ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc FALMI, nhìn nhận: Thị trường lao động đang có sự gia tăng theo xu hướng nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh những yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhà tuyển dụng đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và thông thạo ngoại ngữ…

“Đây là những kỹ năng mà người lao động có thể tự trau dồi trong quá trình học tập, làm việc và là chìa khóa then chốt tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động”, ông Vân nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ