Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh đào tạo CNTT hết sức quan trọng, nhu cầu lớn của xã hội. Những năm gần đây Chính phủ quan tâm đến cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực lĩnh vực CNTT. Bên cạnh đó, xu thế chuyển đổi số để hệ thống giáo dục đại học thích ứng, đáp ứng thay đổi, tận dụng thế mạnh của công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng cơ hội cho người học được đặt ra.
Thứ trưởng cho rằng, sự hợp tác giữa các cơ sở GDĐH để phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số, tận dụng và chia sẻ nguồn lực của nhau rất quan trọng. Cần có sự thúc đẩy hơn nữa CNTT để đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số. Để có sự hợp tác, liên kết mạnh mẽ toàn hệ thống, các sơ sở GDĐH hàng đầu có kinh nghiệm, nguồn lực để tổ chức triển khai khẩn trương, hiệu quả
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đưa ra gợi ý để các trường cùng bàn luận như: Về chỉ tiêu tuyển sinh ở từng trường dựa trên tỷ lệ sinh viên/giáo viên khó khăn dựa trên cách tiếp cận truyền thống; Việc tổ chức giảng dạy trực tuyến, đề xuất với bộ để có cơ chế thí điểm, dần hoàn thiện hành lang pháp lý về đào tạo trực tuyến CNTT và các lĩnh vực khác.
“Quan trọng là chia sẻ nền tảng, tài nguyên, học liệu hỗ trợ học tập chuyển đổi số trong cả hệ thống. Chúng ta sẵn sàng tạo cơ chế riêng để triển khai thực hiện” – Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Thí điểm các trường hợp tác với nhau, có đề án đào tạo, kết nối cùng doanh nghiệp. Những trường này sẽ làm nòng cốt để các trường khác cùng tham gia thêm vào đề án này. Để thực hiện, Bộ GD&ĐT cần làm gì, từng trường làm gì, mức độ mở rộng ra sao, lĩnh vực CNTT, máy tính ở những ngành nào…. để trên cơ sở đó tiến tới triển khai.
Tham luận của đại diện các nhà trường đều ủng hộ ý tưởng kết nối các trường. Đại diện ĐHQG TPHCM coi đây là cơ hội tốt để các trường có cơ hội hợp tác cùng nhau thúc đẩy phát triển GDĐH trong lĩnh vực đào tạo nói chung và CNTT nói riêng.
Trong thời gian tới có nhiều lĩnh vực ngành nghề phát sinh liên quan đến chuyển đổi số, nhân lực cần rất lớn. Bộ có dự báo nhu cầu nguồn nhân lực nhằm đáp ứng chiến lược đào tạo. Đặt hàng những chính sách cụ thể để triển khai. Bộ xây dựng nền tảng chung để kết nối, chia sẻ, dựa trên nền tảng đó để xây dựng chương trình hiệu quả.
Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng cho biết, đã xây dựng đề án chuyển đổi số, song song triển khai đề án đào tạo trực tuyến. Trường đã ký kết hợp tác với 7 trường kỹ thuật để cùng nhau chia sẻ học liệu, thực hành.
Tuy nhiên, Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng cho biết thêm, các trường xây dựng định hướng chương trình đào tạo hợp lý, từ đó xây dựng kho dữ liệu chung để chia sẻ. Trường đang khai khá tốt hợp tác với doanh nghiệp, sinh viên có cơ hội đến thực hành tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, Trường ĐH Bách khoa đang xây dựng hệ thống học liệu chung cho một số môn học. Rất mong việc chia sẻ nguồn học liệu cần có hướng dẫn để các trường thuận lợi triển khai.
ĐHQG Hà Nội cho rằng liên kết công nhận tín chỉ góp phần đưa ra tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn. Hiện mức học phí không cao, đề án đào tạo CNTT có thể triển khai chính sách lấy thu bù chi, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng đào tạo, xây dựng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu chất lượng.
Cần có mặt bằng chung để tiệm cận trình độ, các thầy cô tiếp cận mặt bằng như nhau. Có thể chia sẻ hệ thống học liệu khung đảm bảo chất lượng trao đổi học thuật; Hỗ trợ, dành nguồn lực giảng dạy, lựa chọn tự học cho sinh viên.
Học viện Bưu chính Viễn thông cho rằng nhân lực CNTT thiếu, người học cần học, quy định số sinh viên/giáo viên đã mang đến khó khăn nhất định. Nhiều môn đào tạo trực tiếp cần thiết vì đặc thù, nhưng có môn trực tuyến tốt hơn trực tiếp.
Hiện quản lý sinh viên, thu học phí, học tập được cụ thể hóa học liệu số, thực hành ảo với các ngành kỹ thuật, thấy hiệu quả hơn với thực hành trực tiếp. Trường kiến nghị Bộ liên kết các trường, có thể cho phép các trường top đầu, chọn thêm các trường căn cứ vào năng lực giảng dạy, ứng dụng CNTT trong chuyển đổi số để tham gia, thí điểm nhân rộng.