Tìm hướng đi cho nguồn nhân lực vùng ĐBSCL

GD&TĐ - Hiện nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với thực tế là trình độ nhân lực còn thấp. Làm sao để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực? Làm gì để vùng phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu… Câu chuyện được các nhà khoa học, nhà giáo và nhà quản lý chia sẻ nhân dịp đầu năm 2018.

SV Trường ĐH Tiền Giang tham dự Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL 2016
SV Trường ĐH Tiền Giang tham dự Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL 2016

Giảng viên đại học phải biết xã hội cần gì

GS Võ Tòng Xuân nhận định: Trước hết, phải hiểu rõ thực trạng của việc đào tạo nghề và sự phát triển các trường đại học, cao đẳng. Hiện nay, các trường đào tạo nghề từ trung cấp đến cao đẳng chuyên nghiệp phần lớn chưa được quan tâm một cách đúng mức, chất lượng đào tạo cần cải tiến rất nhiều. Đặc biệt là chúng ta còn thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích thanh niên học nghề. Vẫn còn diễn ra tình trạng trường trung cấp xin chuyển lên cao đẳng và nhiều trường cao đẳng xin chuyển lên đại học!

Về đào tạo nguồn nhân lực, vùng ĐBSCL nên dành ưu tiên số một cho lĩnh vực nông nghiệp. Đó là cây lúa, cây ăn quả, thủy sản…, thời gian tới chúng ta rất cần những chuyên gia ở lĩnh vực này. Họ phải được đào tạo bài bản, có thể ứng dụng nền nông nghiệp 4.0, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn và thân thiện môi trường. Song song với đội ngũ kỹ sư, những nhà vi sinh vật thì vùng cũng cần nhân lực cho công nghệ sau thu hoạch trong nông nghiệp, thủy sản. Giờ đây chúng ta không thể rung cây cho trái rụng rồi đem bán mà phải đảm bảo nhiều tiêu chí, từ khâu trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển...

Vùng cũng đang phát triển các hợp tác xã kiểu mới nhưng hiện nay chưa có nơi đào tạo cán bộ. Thiết nghĩ, trong khối ngành Kinh tế cần có các chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp, Kinh doanh nông nghiệp… Nguồn nhân lực này có trình độ chuyên môn cao, được học bài bản khi về các hợp tác xã sẽ đóng vai trò là các “CEO” để kết nối người nông dân, đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước.

Một điều hết sức chú trọng là ĐBSCL phải có nguồn nhân lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Trước hết, các trường, bên cạnh đào tạo chuyên môn thì cần định hướng sinh viên ra trường có ý thức bảo vệ môi trường, sản xuất sản phẩm sạch, an toàn.

Ông thầy giảng dạy đại học ngày nay cũng phải bước ra ngoài xã hội xem cần gì để về thiết kế bài giảng phù hợp. Các ngành đào tạo phải nghiên cứu kỹ thực tế ĐBSCL, cập nhật những vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu để có thể truyền đạt kịp thời cho sinh viên…

Đừng để "không xong là đi Bình Dương"

PGS.TS Lê Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ chia sẻ: Chúng tôi thường nghe câu nói vui của nhiều người ở ĐBSCL: “Chuyến này không xong là đi Bình Dương”, đây là câu nói nửa đùa, nửa thật nhưng rất đau.

Câu nói này của bà con ám chỉ về con đường cuối cùng là không thể sống nổi ở quê hương để rồi đùm túm nhau đi lao động ở Bình Dương. Sự dịch chuyển lao động này là điều trăn trở của nhiều người. Minh chứng là tỉnh Cà Mau thời vụ rất gần nhau giữa tôm - lúa nhưng đến vụ thì tìm người lao động không ra; nhiều hộ phải đi mua máy cấy!

Trong một chuyến đi công tác học tập tại Nhật Bản, trường đại học nước bạn có dẫn chúng tôi đi thăm một ông nông dân. Người dân này làm nông nghiệp chỉ khoảng 1,8 ha nhưng doanh thu một năm lên đến 2 triệu USD. Hỏi ông trồng gì, ông bảo ông trồng cái người ta cần. Mỗi năm ông đi các khách sạn 5 sao, các nhà hàng để liên kết trồng các loại rau, quả trang trí, làm đẹp cho các món ăn… Đó là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ và trăn trở; mấu chốt vấn đề chính là ở tư duy, trình độ của người lao động.

Năm 2018 là năm đầu tiên Trường ĐH Cần Thơ đưa sinh viên ngành nông nghiệp đi thực tập nông nghiệp ở Nhật Bản. Các em thực tập với thời gian 3 tháng để học được tư duy sản xuất, học được trách nhiệm, đạo đức sản xuất và thực sự trải nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao. Ở trong nước, nhà trường đã ký hợp tác với nhiều doanh nghiệp để sinh viên đến thực tập. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương ký kết với trường để đào tạo nguồn nhân lực... Làm những việc này chúng tôi mong muốn các em học ở Cần Thơ đi Bình Dương làm việc với tư cách là người có đào tạo, có trình độ chứ không phải bỏ quê đi lao động chân tay.

Trường ĐH Cần Thơ năm 2018 đang chuyển dịch sang một bước mới trong lịch sử phát triển. Trước tiên là Đề án tự chủ hoàn toàn đã trình Chính phủ. Thứ hai là thành lập xong Hội đồng trường, chỉ chờ quyết định của Bộ GD&ĐT phê duyệt. Triển khai những giải pháp này thì vai trò của ĐH Cần Thơ sẽ chuyển sang một hướng mới, trách nhiệm và tích cực hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ