Tìm giải pháp phát triển lương thực phát thải thấp ở ‘vựa lúa’ cả nước

GD&TĐ -Việc đề ra chiến lược phát triển hệ thống lương thực thực phẩm phát thải thấp tại ĐBSCL, hướng tới mục tiêu zero carbon vào năm 2050 rất cấp thiết.

Nông dân ĐBSCL kiểm tra cây lúa trên đồng. Ảnh: Quốc Hải
Nông dân ĐBSCL kiểm tra cây lúa trên đồng. Ảnh: Quốc Hải

Đây là nhận định được các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp đưa ra tại Hội thảo “Thực trạng và chiến lược phát triển Hệ thống lương thực thực phẩm phát thải thấp tại ĐBSCL nhằm đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và giảm thiểu biến đổi khí hậu”, diễn ra tại TPHCM chiều 23/8.

Phát triển hệ thống lương thực thực phẩm phát thải thấp tại ĐBSCL

PGS.TS Phan Tại Huân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho biết: ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia, việc cung cấp lương thực thực phẩm từ khu vực này rất quan trọng, được ví là ‘vựa lúa’ của cả nước.

Do đó, việc tìm hiểu chiến lược phát triển hệ thống lương thực thực phẩm phát thải thấp tại ĐBSCL để hướng tới mục tiêu zero carbon vào năm 2050 của Chính phủ là cực kỳ cấp thiết.

37d8a86755caf194a8db.jpg
Toàn cảnh Hội thảo “Thực trạng và chiến lược phát triển Hệ thống lương thực thực phẩm phát thải thấp tại ĐBSCL nhằm đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và giảm thiểu biến đổi khí hậu”. Ảnh: Quốc Hải

“Nói đến hệ thống thực phẩm, phải nói tới cả một chuỗi (từ trang trại tới bàn ăn), nghĩa là phải đi từ sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch, tồn trữ trung gian, vận chuyển về nơi chế biến, phát sinh phụ phẩm, phế phẩm... rồi mang thực phẩm đến bàn ăn cho người tiêu dùng. Trong quá trình người tiêu dùng sử dụng cũng phát sinh ra các sản phẩm dư thừa…

Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm ‘từ trang trại đến bàn ăn là rất quan trọng’, đòi hỏi chúng ta có cách tiếp cận, tìm hiểu, thảo luận để có nhận thức trên toàn chuỗi thực phẩm, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và giảm thiểu biến đổi khí hậu”, ông Huân nói.

Cũng theo ông Huân, các nước trên thế giới đang rất quan tâm đến các loại thực phẩm phát thải thấp. Do đó, xu thế sắp tới sẽ là các sản phẩm muốn xuất khẩu, giao thương thì phải gắn liền với yếu tố trung hòa carbon, giảm carbon thì giá trị sẽ tăng.

Chuyên gia của Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cũng nhấn mạnh, trước đây, ngành nông nghiệp tiếp cận giảm thải khí C02 trên đồng ruộng; bên chăn nuôi giảm phát thải bằng cách điều chỉnh khẩu phẩn ăn... rõ ràng cách tiếp cận chỉ ở mức độ đơn lẻ, đơn ngành.

Do đó, hội thảo mong muốn mang đến cách tiếp cận mới mẻ hơn, cùng tìm hiểu thảo luận để làm sao mang đến nhận thức trên toàn chuỗi hệ thống thực phẩm; nếu tác động ở nhiều khâu, có sự phối hợp, đặc biệt ở nhà nước có chính sách để vận hành giảm C02 và các khí có hại đồng bộ hỗ trợ các khâu để mang đến sự tác động tổng hợp, thay vì chỉ ở một khâu nào đó.

Vì vậy, ban tổ chức đã mời một số chuyên gia để hệ thống lại các cách sản xuất thực phẩm tại ĐBSCL, nhìn sơ qua mức độ đang sản xuất lúa gạo, tôm, cá, cây trái... để biết mức độ đang phát thải C02 hay các khí liên quan; hệ thống chăn nuôi cá, tôm, heo... có mức độ sản xuất tập trung, phát thải như thế nào.

“Tôi hy vọng các chuyên gia sẽ đưa ra cách nhìn về mô hình canh tác lúa gạo phát thải. Hiện nay, Chính phủ đang tập trung vào 1 triệu hecta lúa phát thải thấp, đây là tín hiệu cho thấy, các bên liên quan đang cố gắng tìm cách phát thải thấp nhất. Đồng thời, các bên liên quan sẽ nhìn nhận nhận thực trạng, đưa ra các mô hình, chia sẻ hay, mới để cùng tác động theo chuỗi, đi từ sản xuất đến sau thu hoạch, tồn trữ, phân phối, tiêu thụ để giảm thiểu phát thải”, PGS.TS Phan Tại Huân nói.

a2eb7f4782ea26b47ffb.jpg
PGS.TS Phan Tại Huân. Ảnh: Quốc Hải

Tại hội thảo TS Phạm Thu Thủy, Tổ chức CIFOR-ICRAF, Đại học Adelaide (Úc) cho biết, phát thải trong lĩnh vực lương thực thực phẩm chiếm khoảng 31% phát thải toàn cầu.

Riêng tại Việt Nam, lượng phát thải của hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam chiếm khoảng 1% lượng phát thải của hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu.

Xây dựng chiến lược quốc gia toàn diện về ứng dụng công nghệ số để đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho nông sản, thực phẩm Việt Nam theo chuẩn quốc tế, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn có thể xuất khẩu với số lượng và giá trị gia tăng cao”, PGS.TS Kha Chấn Tuyền nói.

“Tuy lượng phát thải của hệ thống lương thực thực phẩm tại Việt Nam còn thấp hơn nhiều quốc gia khác nhưng tốc độ phát thải cũng đang có dấu hiệu tăng. Cụ thể, phát thải năm 2020 tăng 8% so với 2010 và hiện sản phẩm nông - lâm - thủy - hải sản của Việt Nam xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới nên việc kiểm soát lượng phát thải này rất quan trọng”, bà Thủy nói.

Theo bà Thủy, Việt Nam nếu không nhanh chóng kiểm soát lượng phát thải thì khả năng các quốc gia trên thế giới sẽ chuyển thị trường sang các quốc gia khác có lượng phát thải thấp hơn. Chưa kể, mục tiêu hướng đến mục tiêu phát thải ròng của Chính phủ sẽ khó hoàn thành.

“Phải đánh giá cả chuỗi từ nguồn cung đầu vào, chế biến, đóng gói, vận chuyển… đến tiêu dùng để có đánh giá tổng quát nhất về lượng phát thải của hệ thống lương thực thực phẩm và có những chính sách phù hợp”, bà Thủy nói thêm.

Cơ hội và thách thức nào cho ĐBSCL?

TS Phạm Thu Thủy, Tổ chức CIFOR-ICRAF, Đại học Adelaide (Úc) đánh giá: Hiện chiến lược phát triển Hệ thống lương thực thực phẩm phát thải thấp tại ĐBSCL đang có những cơ hội tốt. Chẳng hạn, những cam kết nguồn lực tài chính cho biến đổi khí hậu và giảm phát thải hệ thống lương thực thực phẩm của Chính phủ và các bên liên quan đã được đẩy mạnh. Đặc biệt, nền tảng pháp lý về an ninh lương thực đang dần được hoàn thiện và có nhiều chính sách đột phá.

“Ưu thế về thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường của các mặt hàng nông sản ĐBSCL trên thị trường quốc tế, chưa kể ngày càng có nhiều hợp tác xã đầu tư chuỗi liên kết khép kín từ khâu tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu xây dựng nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp…”, bà Thủy dẫn chứng.

Tuy nhiên, cũng có nhiều hạn chế để xây dựng chiến lược giảm phát thải ở khu vực ĐBSCL như quy hoạch vùng và ngành, thu hút đầu tư chưa hiệu quả, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, nhân lực còn kém so với cả nước…

148c213ddc9078ce2181.jpg
PGS.TS Kha Chấn Tuyền. Ảnh: Quốc Hải

PGS.TS Kha Chấn Tuyền, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cũng thừa nhận thách thức lớn nhất của nông nghiệp vùng ĐBSCL chính là khâu tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật còn manh mún, nhỏ lẻ. Từ đó, chuyên gia này khuyến cáo nông nghiệp ĐBSCL cần tránh phát triển theo chiều rộng còn mang tính tự phát, phá vỡ các quy hoạch ngắn hạn và dài hạn, khai thác tài nguyên đất, nước thiếu kiểm soát, gây nên tác động xấu cho phát triển bền vững…

Nói rõ hơn, ông Tuyền cho rằng, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp ĐBSCL hiện nay chưa thật sự bền vững.

Cụ thể, chất lượng đầu vào và sản xuất nông thuỷ sản còn yếu; mối liên kết giữa sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ rất yếu; thêm vào đó, doanh nghiệp chưa tham gia vào quá trình sản xuất, chưa đầu tư, khuyến khích nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn nhà thu mua yêu cầu, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, hướng dẫn sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Từ đó, hệ thống cơ sở chế biến, bảo quản chậm phát triển, chưa đáp ứng về quy mô, công nghệ.

Trên cơ sở những nghiên cứu từ thực tế, chuyên gia này đề nghị cần nhanh chóng nghiên cứu và định hướng thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù cho từng địa phương ở ĐBSCL. Đặc biệt, cần phân tích và thử nghiệm ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu có chỉ số MI thấp trong các hoạt động sản xuất lúa, cây có múi, lợn, vịt, tôm và cá; sớm quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung để tạo nguồn nguyên liệu đủ lớn cho sản xuất có giá trị gia tăng cao;…

“Nền tảng của Việt Nam chúng ta là sản xuất nông nghiệp và ĐBSCL là nơi sẽ phát huy giá trị cao nhất để triển khai các chiến lược, chính sách để hướng đến mục tiêu zero carbon vào năm 2050. Vì vậy, kỳ vọng các chuyên gia sẽ đưa ra các giải pháp để góp phần xây dựng chính sách hướng đến mục tiêu phát thải ròng mà Chính phủ đề ra”, PGS.TS Phan Tại Huân - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ