Phát hiện trong nghiên cứu thực tiễn
Vừa qua, Hội thảo khoa học “Giải pháp tăng cường sự tham gia cấp uỷ của cán bộ nữ hướng tới đại hội lần thứ XIV của Đảng: Kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên - Huế và Lâm Đồng” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội Xã hội học Việt Nam và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ai-len.
Cụ thể, nghiên cứu được thực hiện trong tháng 11 và 12 năm 2024, ở hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Lâm Đồng. Đây là hai nơi có tỷ lệ tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy thấp hơn mức trung bình của cả nước. Nghiên cứu đã tìm hiểu thực trạng, xác định các yếu tố ảnh hưởng và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao cơ hội cho cán bộ nữ tham gia vào cấp ủy đối với tất cả các địa phương, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị cho công tác quy hoạch cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và Đại hội Đảng lần thứ XIV.
Qua kết quả tìm hiểu từ thực tiễn hai tỉnh cho thấy, có tới 25,6% đảng viên tham gia khảo sát nhận định một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy thấp là do “chính sách chưa tạo điều kiện cho cán bộ nữ”. Việc cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ cho cán bộ nữ tham gia đào tạo chưa kịp thời, khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn so với cán bộ nam trong việc chuẩn bị các điều kiện cho việc được đề bạt, bổ nhiệm. Một số chỉ tiêu quy hoạch hay bổ nhiệm cán bộ còn mang tính định hướng, chưa bắt buộc và không có quy định xử lý kèm theo đã tạo ra những hạn chế trong việc thúc đẩy bình đẳng giới với công tác cán bộ.
Đại diện nhóm nghiên cứu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, GS. TS Nguyễn Hữu Minh cho biết, các cấp ủy Đảng đã tổ chức triển khai tích cực nghị quyết và các chỉ thị ở địạ phương. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp hiện đang thấp hơn so với mục tiêu phấn đấu của Nghị quyết số 11-NQ/TW năm 2007. Tính đến nay, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp là: 15,96% ở cấp tỉnh, 19,63% ở cấp huyện, và 24,77% ở cấp xã.
Trong báo cáo tóm tắt, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp có sự khác biệt giữa các khu vực và giữa các địa phương. Tỷ lệ này ở khu vực Đông Nam Bộ là cao nhất, với 31,8% ở cấp xã, 27,3% ở cấp huyện, và 21,3% ở cấp tỉnh. Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy cấp xã thấp nhất (chỉ đạt 22,9%); khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy cấp huyện thấp nhất (chỉ đạt 16,9%); và khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy cấp tỉnh thấp nhất (chỉ đạt 13,4%).
Bên cạnh đó, một số chính sách còn thiếu sự linh hoạt và nhạy cảm giới, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ nữ tham gia vào cấp ủy như quy định về hình thức học tập trung hay tại chức gắn với độ tuổi bởi độ tuổi học tập trung trùng với thời gian mà nhiều cán bộ nữ sinh con và nuôi con nhỏ.
Cần sự chỉ đạo từ người đứng đầu các địa phương
Từ các số liệu đưa ra trong báo cáo, có thể thấy định kiến giới là rào cản lớn đối với sự tham gia lãnh đạo của cán bộ nữ. 23% đảng viên cho rằng “công việc lãnh đạo phù hợp với nam giới hơn” và 17,4% nhận định “năng lực của phụ nữ hạn chế hơn nam giới”.
Ngoài ra, thiếu sự ủng hộ từ gia đình và quan niệm coi công việc chăm lo gia đình là trách nhiệm của phụ nữ đang cản trở cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, có tới 48% đảng viên cho rằng cán bộ nữ chỉ có thể giữ vai trò phó bí thư hoặc cấp ủy viên vì “nữ giới phải chăm lo cho gia đình”. Đáng chú ý, định kiến giới không chỉ đến từ xã hội mà còn đến từ chính cán bộ nữ, chỉ 66,7% nữ đảng viên tin rằng cán bộ nữ có thể đảm nhiệm vị trí bí thư, không chênh lệch nhiều so với 64,4% ở nam đảng viên.
Thảo luận tại hội nghị, đại diện và lãnh đạo các Tỉnh ủy tại Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng và Bình Phước đã trình bày những báo cáo về thực tiễn vấn đề ở địa phương mình, đồng thời cùng rút kinh nghiệm và đưa ra những khuyến nghị, đề xuất. Kinh nghiệm thành công trong việc nâng cao tỷ lệ của cán bộ nữ vào cấp ủy từ hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước cho thấy, mặc dù yếu tố nguồn lực rất quan trọng nhưng yếu tố quyết định tỷ lệ tham gia của cán bộ nữ vào cấp uỷ chính là sự chủ động và kiên quyết của cấp ủy và người đứng đầu trong chỉ đạo cùng với những nỗ lực tự thân của cán bộ nữ.
Trong hội thảo, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao sự tham gia của cán bộ nữ vào các cấp ủy, bao gồm việc xây dựng chính sách linh hoạt cho cán bộ nữ trẻ và nữ trên 40 tuổi, hỗ trợ cân bằng công việc và gia đình. Đồng thời, cần tăng cường truyền thông để thay đổi định kiến giới về năng lực của phụ nữ và tạo sự ủng hộ từ gia đình, xã hội. Các kế hoạch hành động chi tiết và đồng bộ cần được triển khai trong đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ nữ, đồng thời tạo điều kiện cho họ giữ các chức danh chủ chốt. Cuối cùng, việc xây dựng hệ thống dữ liệu và chỉ tiêu về sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy, cập nhật thường xuyên sẽ giúp lãnh đạo cấp ủy bố trí cán bộ kịp thời.
“Phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc ra các quyết định chính sách. Vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong khu vực công là điều cần thiết ở Việt Nam và sẽ đảm bảo quan điểm và tiếng nói của phụ nữ được hiện diện trong tất cả các lĩnh vực. Đại sứ quán Ireland rất ủng hộ nghiên cứu này nhằm đảm bảo rằng phụ nữ Việt Nam được đại diện trong nhiều lĩnh vực chính trị khác nhau.” Ông Sean Farrell, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo.