Tìm giải pháp để thư viện cuốn hút học sinh

GD&TĐ - Hà Nội yêu cầu xây dựng hệ thống thư viện hiện đại, có tài liệu phong phú, thân thiện, trang bị từ 3 đến 5 máy tính có nối mạng Internet tại thư viện để phục vụ giáo viên, học sinh.

Thư viện thân thiện của trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Thư viện thân thiện của trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Trước tình trạng học sinh đang “thờ ơ” với thư viện, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tìm những giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, cộng đồng về tác dụng, vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách, chung tay xây dựng hệ thống thư viện trường học.

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Các nhà trường cần xây dựng và phát huy vai trò của thư viện trường học. Cần tăng cường giáo dục kỹ năng đọc, phương pháp đọc, phương pháp tìm kiếm, thu thập và xử lý thông tin cho học sinh thông qua hoạt động tích hợp trong các môn học chính khóa, trong các hoạt động ngoại khóa của nhà trường.

Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng và phát triển hệ thống thư viện hiện đại, có vốn tài liệu phong phú, thân thiện với học sinh, chủ động tổ chức giao lưu giữa tác giả - tác phẩm và người đọc, phục vụ hiệu quả nhu câu học tập suốt đời của học sinh.

Tích cực xây dựng nguồn tài nguyên trong thư viện, thường xuyên bổ sung tài liệu, đảm bảo chất lượng và số lượng, phong phú về chủng loại, cân đối về thành phần với các loại hình tài liệu truyền thống, tài liệu điện tử, kho học liệu phong phú, phù hợp với từng cấp học.

Tổ chức hiệu quả phong trào “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay”. Các đơn vị đăng ký danh hiệu thư viện xuất sắc cần tổ chức ít nhất 1 hoạt động chuyên đề trong Cụm và tổ chức tặng sách với đơn vị trường học kết nghĩa (trong cụm, trong Thành phố hoặc khu vực khó khăn).

Thí điểm và hình thành thư viện điện tử phục vụ học sinh và nguồn học liệu mở cho trường học; thúc đẩy phối hợp, liên kết giữa các thư viện với trung tâm văn hóa, thể thao, trung tâm học tập cộng đồng, điểm văn hóa xã.

Tăng cường luân chuyển sách, báo, tài liệu giữa các thư viện, chú trọng luân chuyển từ hệ thống thư viện của các nhà trường có điều kiện tới các địa bàn nông thôn, miễn núi, vùng có điêu kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhằm phục vụ học sinh và cộng đồng.

Thành phố sẽ quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng trong Thư viện trường học theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, thân thiện, hiện đại hội nhập quốc tế, phù hợp với từng cấp học. Xây dựng môi trường đọc và không gian đọc thân thiện, an toàn.

Về phía nhà trường, cần bố trí thời khóa biểu để học sinh học 2 buổi/ngày có ít nhất 1 tiết thư viện/1 tuần. Đối với Học sinh học 1 buổi/ngày, cần giúp các em được tiếp cận dễ dàng với các nguồn tài liệu có trong thư viện vào đầu giờ học, giờ ra chơi và cuối buổi học.

Tiến hành đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động Thư viện trường học nhằm tạo môi trường thuận lợi giúp học sinh tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức phục vụ phong phú, phù hợp với điều kiện của các nhà trường như: Thư viện lưu động, túi sách/ giỏ sách lưu động, góc đọc trong lớp, thư viện xanh, xây dựng thư viện thân thiện với các góc hoạt động hiệu quả, phục vụ đọc tại chỗ và mượn về nhà cho học sinh và cộng đồng.

Tích cực ứng dụng CNTT trong công tác Thư viện trường học. Trang bị và sử dụng hiệu quả các thiết bị nghe nhìn và trang bị từ 3 đến 5 máy tính có nối mạng Internet tại thư viện phục vụ giáo viên, học sinh.

Triển khai thống nhất việc sử dụng phần mềm quản lý thư viện tích hợp với phần mềm quản lý trường học. Thành lập các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, câu lạc bộ yêu sách, câu lạc bộ STEAM với tổ chức linh hoạt, chương trình và hình thức hoạt động đa dạng, phù hợp với điều kiện của nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ