Thư viện trường học: Giáo viên là người tiên phong

GD&TĐ - Giáo viên là người tiên phong xây dựng thư viện lớp học, góp phần thay đổi tư duy dạy và học. Đây là tín hiệu đáng mừng nên được khuyến khích và áp dụng rộng rãi ở các trường học.

Sinh hoạt 15 phút đọc sách tự do (Tủ sách trống trơn vì mỗi em chọn cho mình một cuốn yêu thích).
Sinh hoạt 15 phút đọc sách tự do (Tủ sách trống trơn vì mỗi em chọn cho mình một cuốn yêu thích).

Thư viện trường học thiếu hiệu quả

Thư viện là một phần không thể thiếu của trường học. Tuy nhiên, ở một số trường học, thư viện đang bị “chết lâm sàng” trong nhiều năm qua.

Đã đến lúc những thầy cô giáo phải là người tiên phong để tạo ra cuộc cách mạng thư viện. Một hành động ý nghĩa mang lại giá trị, thổi thêm làn gió mới cho ngành Giáo dục. Mục tiêu dài hạn là tạo ra một đội ngũ công dân trẻ ham đọc sách, có kiến thức, có kỹ năng.

Thực hiện chủ trương “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” của Đảng trong Nghị quyết 29. Đó là vấn đề bảo đảm chất lượng đầu ra của việc dạy học. Giáo dục là quá trình chuẩn bị cho người học năng lực giải quyết các tình huống của cuộc sống và nghề nghiệp.

Tuy nhiên, kiến thức giáo viên giảng dạy theo chương trình dạy học hiện nay chưa đạt được hiệu quả giáo dục so với yêu cầu của xã hội. Thư viện trường học không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Danh mục sách không cập nhật và hoạt động chưa hiệu quả của thư viện nhà trường nhiều năm qua đã tước đi quyền tiếp cận tri thức đa chiều của cả giáo viên và học sinh.

Chỉ học trong sách giáo khoa là chưa đủ

Tủ sách các lớp.
Tủ sách các lớp.

Hiện nay phần lớn học sinh THPT vùng sâu, vùng xa vẫn xem sách giáo khoa là kim chỉ nam. Giáo viên chủ yếu dạy học bám vào nội dung và yêu cầu trong sách. Đọc sách tham khảo, sách kỹ năng, các tác phẩm văn học nổi tiếng…. đang là hạn chế trong phần lớn học sinh, sinh viên và một số thầy cô giáo.

Không được hình thành thói quen tiếp cận tri thức đa chiều từ nhỏ dẫn đến thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, kìm hãm năng lực sáng tạo. Nghiêm trọng hơn, điều đó từng bước tạo ra các thế hệ công dân lười biếng, tự mãn, thiếu năng lực tự học.

Một số giáo viên luôn dạy học rập khuôn, không có chí tiến thủ, thiếu hiểu biết và không có kỹ năng để thích nghi với thời cuộc. Kết quả là giáo viên và học sinh cùng lên lớp với điệp khúc “không cảm xúc”. Giáo viên thì như máy phát thanh và học sinh thì như máy thu thanh. Não bộ của người học từ chối tiếp nhận thông tin vì không còn hứng thú học tập.

Mang sách tới tận lớp học

Những người nổi tiếng hiện nay như Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, nữ hoàng truyền thông da màu Oprah Winfrey, ông chủ Tập đoàn Berkshire Hathaway - Warren Buffett hay doanh nhân giàu nhất nhì thế giới Bill Gates… họ xem việc đọc sách là phương tiện nhanh chóng hiệu quả có kinh nghiệm và kiến thức để thành công.

Là một giáo viên với mong muốn mang sách tới tận tay cho các em miền núi, tôi đã tiên phong kêu gọi vận động, quyên góp để 27 lớp học của Trường THPT Lê Hữu Trác (Hương Sơn, Hà Tĩnh) có hệ thống thư viện lớp học với gần 1.000 đầu sách. Các đầu sách như kỹ năng sống, khoa học, các tác phẩm văn học, sách tham khảo… đáp ứng mọi nhu cầu học tập tại chỗ cho các em.

Điều hạnh phúc nhất trong quá trình theo đuổi đam mê của mình là sự chung tay của đồng nghiệp, các thế hệ học sinh. Sự thay đổi trong nhận thức và hành động của các thầy cô giáo là tấm gương và động lực giúp học sinh thay thế những giờ giải lao cùng điện thoại, chơi game bằng đọc sách hay thảo luận nội dung bài học có sẵn trong tủ sách tại lớp. Tôi tin rằng khi người lớn ngừng đổ lỗi cho trẻ, tiên phong vì trẻ thì cả xã hội đều được hưởng lợi.

Học sinh chọn sách đọc luận vào giờ ra chơi
Học sinh chọn sách đọc luận vào giờ ra chơi  

Giảm áp lực học tập bằng hoạt động đọc sách thay thế cho bài tập

Rất nhiều học sinh sau khi đi du học ở các nước như Mỹ, Trung Quốc, Phần Lan… chia sẻ rằng: Tại các đất nước xa xôi ấy các em không phải làm nhiều bài tập về nhà. Nhưng có một phần khác biệt là các em phải tự giác đọc sách tại thư viện. Đúng theo số giờ đã quy định cho một học kỳ. Ai không đọc đủ sẽ không đủ điều kiện lên lớp. Giáo viên bộ môn có thể cùng nhau giảm áp lực học tập cho học sinh bằng cách yêu cầu đọc sách và viết bài thu hoạch, cảm nhận.

Với thói quen đọc sách học sinh đã tiếp cận với những kiến thức được cập nhật từng ngày qua sách. Mỗi cuốn sách mà các em được tiếp cận theo từng thể loại khác nhau luôn mang lại điều mới lạ và bổ ích. Có những cuốn sách là cả trường đời mà tác giả đúc rút.

Để làm được điều đó giáo viên phải là người đọc nhiều, đủ năng lực tư vấn cho học sinh trong quá trình chọn sách. Những đầu sách về giáo dục, nhân cách, chuyên môn…là lựa chọn khôn ngoan hơn tiểu thuyết ngôn tình, truyện tranh.

Đây được xem là giải pháp “mũi tên trúng hai đích”. Phương pháp học không nỗ lực (effortless learning) sẽ giúp các em từng bước hình thành và phát huy thói quen đọc sách, năng lực tự học.

Một công dân có kiến thức, thái độ tốt, biết rèn luyện thường xuyên, không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng sẽ là nhân tố phát triển bền vững của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.