Sách giả gia tăng
Theo thống kê, sách giáo dục là loại sách bị làm giả nhiều nhất. Các tên sách của NXB Giáo dục Việt Nam bị in lậu nhiều nhất, gồm: sách Tiếng Anh 3, 4, 5 kèm đĩa, sách bài tập các môn học lớp 6, 7, 8, 9; Vở bài tập tất cả các môn học lớp 6, 7, 8, 9; Bài tập cuối tuần Toán 1, 2, 3, 4, 5; Tập bản đồ bài tập và bài tập thực hành Địa lý từ lớp 6 đến lớp 12…
Những cuốn sách in lậu, làm giả này được in bằng máy công nghệ cao, nhìn giống sách thật, có dán tem chống giả, có đầy đủ thông tin xuất bản, khó phát hiện bằng mắt thường, nhưng nội dung sách in lậu, sách giả có nhiều sai sót về kiến thức.
Trước thực tế đó, NXB Giáo dục Việt Nam cũng đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT cảnh báo về việc sách in lậu, sách giả mang tên của đơn vị này được bán tại các nhà sách trên thị trường. Nghiêm trọng hơn, hoạt động in lậu còn tiếp tay cho việc phát tán những xuất bản phẩm có nội dung xấu, độc hại.
Dẫu đã siết vòng quản lý, song “sạn” và những tật chứng của thị trường xuất bản vẫn làm nhà quản lý đau đầu. Theo thống kê mới đây nhất của Cục Xuất bản, in và phát hành, các NXB đã bớt chạy theo số lượng, để quay ra đầu tư cho ấn phẩm, nên lượng sách ra thị trường chỉ còn bằng 80% so với 6 tháng trước đó.
Bản thân số sách vi phạm bị xử phạt cũng giảm gần 50% (117 xuất bản phẩm vi phạm). Một số loại sách phục vụ nhu cầu của nhiều đối tượng độc giả đã có định hướng rõ rệt trong việc lựa chọn đề tài cũng như kiểm soát nội dung.
Tuy nhiên, một số cuốn sách không được biên tập kỹ nên vẫn còn các sai sót về câu chữ, lỗi chính tả, thừa hoặc thiếu trang. Hiện tượng xuất bản không đúng quy định về bản quyền vẫn diễn ra ở vài NXB, đối tác liên kết xuất bản.
Cần chấn chỉnh quy trình xuất bản
Câu chuyện về in lậu sách là câu chuyện cũ diễn ra nhiều năm qua thế nhưng vẫn là nỗi trăn trở của những nhà quản lý về hoạt động xuất bản.
Mặc dù thời gian qua, hoạt động chống in lậu, làm giả đã được Bộ TT&TT phối hợp đồng bộ với các bộ, Sở TT&TT, đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương và các đội liên ngành địa phương để xử lý. Tuy nhiên, công tác phối hợp này vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn,
Bà Hà Kim Ngân, Trưởng phòng bản quyền Công ty Sách Alpha, cho biết, để xuất bản được một cuốn sách, các đơn vị xuất bản phải rất dụng công từ khâu mua bản quyền, sản xuất, phát hành…
Tuy nhiên, chỉ một hai ngày sau khi có mặt trên thị trường là sản phẩm đó đã được sao chép lậu và phát hành công khai song song với sách thật.
Cần chấn chỉnh quy trình xuất bản, liên kết xuất bản để khắc phục triệt để các sai sót; loại bỏ bản thảo có nội dung ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục, thẩm mỹ; duyệt sách mẫu trước khi ký quyết định phát hành... Sau đó mới đến việc đầu tư thích đáng cho các bộ sách hay, có giá trị, tạo thương hiệu cho NXB.
Theo ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, để đảm bảo công tác phối hợp hiệu quả trong năm 2016 và những năm tiếp theo, Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan, chủ động xây dựng và triển khai trên Cổng thông tin điện tử của Cục một số chuyên mục thiết thực phục vụ công tác quản lý Nhà nước về xuất bản, in và phát hành, công khai đăng tải giải quyết thủ tục hành chính và các hoạt động quản lý liên quan.
Đến cuối năm 2016, đưa hệ thống báo cáo trực tuyến vào hoạt động; Đẩy mạnh công tác trinh sát địa bàn, nắm tình hình, diễn biến của các cơ sở in, tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; lập hòm thư điện tử, đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân và các đơn vị trong ngành về tổ chức, cá nhân có dấu hiệu thực hiện hành vi in lậu, in giả, kinh doanh xuất bản phẩm trái phép, vi phạm bản quyền.
Hi vọng với những nỗ lực của các cơ quan ban, ngành, sẽ không còn những cuốn sách lậu, sách bẩn để đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc ngày càng cao của xã hội.