Tìm giải pháp đào tạo nhân lực chất lượng cao lĩnh vực nông, lâm, thủy sản

GD&TĐ - Các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực nông, lâm, thủy sản được các nhà quản lý, chuyên gia bàn luận tại Hội thảo ở TP Huế.

Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”. (Ảnh: Đại Dương)
Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”. (Ảnh: Đại Dương)

Chiều 3/10, tại Đại học Huế (TP Huế) diễn ra Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.

Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đại học Huế tổ chức. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Văn hóa và Giáo dục Quốc Hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo các cơ quan Ban ngành Trung ương và địa phương, các cơ sở giáo dục đại học, các doanh nghiệp…

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho hay, những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có bước phát triển về số lượng và chất lượng, góp phần đáng kể vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản và xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho các lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế. Số lao động qua đào tạo được có bằng cấp, chứng chỉ đạt tỷ lệ rất thấp, khoảng 4,.6%; công tác đào tạo tổ chức chưa đồng đều, chưa bao phủ hết các vùng sản xuất trọng điểm; đội ngũ quản lý có tầm tư duy chiến lược, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành, cán bộ có khả năng tham mưu, tư vấn chính sách mang tầm khu vực và quốc tế còn ít.

img-20241003-170408-649.jpg
Ông Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo.

Hiện tại, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 26% tổng số lao động trong cả nước, trong khi đó, chỉ có chưa đến 2% tổng số sinh viên nhập học hàng năm đăng ký học đại học các ngành này. Thậm chí một số ngành nông nghiệp truyền thống có rất ít hoặc không có sinh viên đăng ký học.

“Nếu không có giải pháp đủ mạnh, quyết liệt, thực tiễn này tác động rất tiêu cực tới nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, tạo nguy cơ không đạt được mục tiêu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

PGS.TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế bày tỏ, trong số các trường đại học thành viên của Đại học Huế, Trường Đại học Nông Lâm tiền thân là Trường Đại học Nông nghiệp II - Hà Bắc, được thành lập ngày 14/8/1967 có sứ mạng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, sản phẩm khoa học - công nghệ tiên tiến, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn cho miền Trung, Tây Nguyên và cả nước theo hướng hội nhập và phát triển; mục tiêu đến năm 2030, Trường Đại học Nông Lâm là một trong những trường đại học hàng đầu của cả nước về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

1-7163.jpg
PGS.TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế phát biểu chúc mừng Hội thảo.

Hội thảo có thể xem là cơ hội lớn để các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục đại học, các địa phương, doanh nghiệp đánh giá được thực trạng và đề xuất quan điểm, mục tiêu, các giải pháp đột phá về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại Hội thảo, các đại biểu trình bày nhiều tham luận thực tiễn, sát với tình hình “khan hiếm” nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực trên. Cụ thể như “Kết quả tuyển sinh giai đoạn 2021 - 2024, giải pháp thu hút người học và chính sách hỗ trợ cho các trường đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” của PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; “Thực trạng tuyển sinh, đào tạo và cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ở miền Trung” của PGS.TS Nguyễn Hữu Văn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế…

2-9545.jpg
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày tham luận về giải pháp thu hút người học và chính sách hỗ trợ cho các trường đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Nhiều giải pháp được nêu bật cụ thể trong các tham luận như: “Kinh nghiệm thu hút các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực về nông, lâm nghiệp và thủy sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Đồng bằng sông Cửu Long” của GS.TS Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ; “Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành nông nghiệp” của bà Nguyễn Tâm Trang, Tổng Giám đốc nhân sự, Kiêm phó Chủ tịch Hội đồng điều hành Công ty CP Greenfeed Việt Nam…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ