Tham dự Hội thảo khoa học có ông Đỗ Văn Thuận - Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; ông Ngô Phan Hải – Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Thành Phúc – Cục trưởng Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông và gần 150 đại biểu, báo cáo viên là cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ.
Trong bối cảnh hiện nay, quản lý văn bản, tài liệu là một trong những nhiệm vụ cơ bản của cơ quan nhà nước nhằm đảm bảo hiệu quả cải cách hành chính, chứng minh tính minh bạch và trách nhiệm giải trình các hoạt động bằng thông tin văn bản. Tuy nhiên, nhiệm vụ này đang gặp nhiều khó khăn trong thực tế triển khai tại các cơ quan nhà nước.
Kết quả khảo sát 264 công chức, viên chức đến từ 132 cơ quan nhà nước cũng cho thấy 85% các cơ quan, tổ chức nhà nước đang lúng túng khi đối mặt với việc quản lý cả văn bản giấy và văn bản điện tử, tình trạng quản lý văn bản, tài liệu tại nhiều cơ quan, tổ chức được đánh giá ở mức trung bình, thậm chí yếu, kém.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là thiếu các nghiên cứu cơ bản, thiếu định hướng chiến lược, lộ trình cụ thể, đầu tư trang thiết bị… cho việc quản lý tài liệu điện tử”.
Ông Đỗ Văn Thuận – Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phát biểu khai mạc Hội thảo |
Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Văn Thuận – Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cho biết: Sự xuất hiện và phát triển của công nghệ thông tin đã khiến cho phần lớn lịch sử nhân loại, lịch sử nhà nước, lịch sử của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ đang được ghi lại dưới định dạng điện tử, dạng số.
Đặc biệt, kết quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong bối cảnh Chính phủ điện tử là khối lượng tài liệu điện tử khổng lồ cần được xử lý, lựa chọn những tài liệu thực sự có giá trị để bảo quản, bảo vệ cho thế hệ sau.
Để quản lý khối tài liệu điện tử đó, cần có những đổi mới về quan điểm, lý luận, pháp lý và các quy trình nghiệp vụ công tác văn thư, lưu trữ. Hệ thống lý luận, hệ thống pháp lý và các quy trình nghiệp vụ văn thư, lưu trữ hiện hành tại Việt Nam chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra đối với việc quản lý tài liệu lưu trữ điện tử.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện tại ở các lưu trữ cơ quan và lưu trữ lịch sử chưa đủ các chức năng, tính năng để bảo vệ an toàn và bảo quản lâu dài tài liệu điện tử.
Ông Nguyễn Thành Phúc – Cục trưởng Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội thảo |
Hội thảo đã nhận được rất nhiều những ý kiến góp ý và trao đổi, nhìn chung những góp ý tập chung vào các vấn đề như: Sự cần thiết của Đề án; Mục tiêu tổng quan và mục tiêu cụ thể của Đề án; Các nội dung cơ bản của Đề án; Các giải pháp công nghệ triển khai đề án; Lộ trình thực hiện Đề án...
Bên cạnh đó các ý kiến cũng đề nghị Ban xây dựng Đề án tiếp thu và bổ sung hoàn thiện các nội dung như: xem xét rút ngắn lộ trình của Đề án, vị trí của Đề án trong Khung kiến trúc của Chính phủ điện tử, phạm vi của Đề án...