Tìm đủ cách 'kéo' học viên tới lớp xóa mù chữ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Để công tác xóa mù chữ đạt hiệu quả, các địa phương đã tập trung mọi nguồn lực, tạo điều kiện tối đa giúp người học có thể tham gia đầy đủ.

Trường PTDTBT Tiểu học Dào San (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) tổ chức giáo viên đứng lớp là các chiến sĩ bộ đội. Ảnh: NTCC
Trường PTDTBT Tiểu học Dào San (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) tổ chức giáo viên đứng lớp là các chiến sĩ bộ đội. Ảnh: NTCC

Để công tác xóa mù chữ đạt hiệu quả, các địa phương đã tập trung mọi nguồn lực, linh động hình thức, thời gian tổ chức… tạo điều kiện tối đa giúp người học có thể tham gia đầy đủ.

Vượt qua những khó khăn

Theo ông Lê Như Xuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Bộ GD&ĐT: “Để công tác xóa mù chữ hiệu quả, đảm bảo chất lượng đề ra… các địa phương cần có sự chung tay, đồng hành của nhiều cơ quan, ban ngành, hội, đoàn thể (như hội phụ nữ, bộ đội biên phòng, đoàn thanh niên…) nhằm vận động học viên ra lớp. Mặt khác, đối tượng tham gia học xóa mù chữ chủ yếu là người trong độ tuổi lao động, phụ nữ có gia đình… do đó cần linh hoạt thời gian, hình thức tổ chức lớp học phù hợp với học viên và điều kiện thực tế”.

Trường PTDTBT Tiểu học Dào San (Lai Châu), hiện có 60 học viên (chủ yếu dân tộc Mông) tham gia lớp xóa mù chữ. Trong quá trình triển khai lớp học, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn thanh niên, hội phụ nữ… Đặc biệt, còn có thêm sự hỗ trợ của Đoàn kinh tế Quốc phòng 356 tuyên truyền, vận động và tham gia giảng dạy tại lớp xóa mù.

Cô Phạm Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Dào San cho hay: “Ban tổ chức lớp học với quan điểm khó khăn mấy cũng bằng mọi cách tuyền truyền, vận động để học viên đến lớp học xóa mù.

Vì vậy trước khi khai giảng, chúng tôi tiến hành khảo sát, lên danh sách số người mù chữ, sau đó đến từng nhà học viên phân tích, trò chuyện để người thân hiểu sự bất cập của mù chữ trong cuộc sống. Trên cơ sở đó, chúng tôi thuyết phục các gia đình, người thân tạo kiện để người học được đến lớp đầy đủ”.

Thầy Ngô Quang Hồi - Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Rạng Đông (Điện Biên) cho biết: “Quá trình rà soát, nhà trường căn cứ vào nhu cầu học tập, điều kiện thực tế của học viên để xây dựng kế hoạch mở lớp xóa mù mức độ 1. Riêng những lớp học mức độ 2, không chỉ duy trì lớp, chúng tôi còn đặt mục tiêu nâng cao tiêu chí đạt chuẩn, đảm bảo tỷ lệ đến lớp bền vững… giai đoạn 2022 - 2025”.

Theo quan sát thực tế của thầy Hồi, nhiều người khi tham gia học lớp xóa mù có tâm lý mặc cảm, tự ti, xấu hổ. Do vậy, nhiều năm qua, để vận động người dân (đặc biệt người lớn tuổi) đến lớp, nhà trường kết hợp cùng các ban ngành đoàn thể của xã, già làng, trưởng bản đến tận nhà động viên, kêu gọi.

Không những thế, “nhà trường, giáo viên chủ nhiệm tổ chức họp lớp, lấy ý kiến học viên về địa điểm mở lớp, thời gian học thuận lợi với học viên ở mỗi điểm trường. Tổ chức lớp xóa mù luôn trên tinh thần: Linh hoạt, phù hợp mọi độ tuổi, đảm bảo thuận lợi nhất cho học viên có thể tham gia học tập”, thầy Hồi nói.

Tín hiệu vui từ sự nỗ lực

Học viên tham gia lớp xóa mù chữ ở Trường PTDTBT TH Rạng Đông (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). Ảnh: NTCC

Học viên tham gia lớp xóa mù chữ ở Trường PTDTBT TH Rạng Đông (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). Ảnh: NTCC

Tại huyện Văn Quan (Lạng Sơn), công tác xóa mù chữ được Phòng GD&ĐT cùng các ban ngành quan tâm. Để đẩy lùi thực trạng mù chữ trên địa bàn, ngành Giáo dục huyện đã xây dựng kế hoạch, linh động thời gian tổ chức giảng dạy, vận động học viên sử dụng phương pháp “người biết nhiều bày cho người biết ít, người biết ít bày cho người chưa biết”.

Ông Ngô Văn Hiền - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan trao đổi: Nhờ những hoạt động thiết thực, phong trào xóa mù chữ ở huyện Văn Quan nhiều năm qua thực hiện khá hiệu quả. Mỗi năm, Phòng GD&ĐT mở 7 lớp xóa mù, riêng năm 2023, vận động được 82 học viên và mở 8 lớp.

Bên cạnh đó, để vận động học viên tham gia lớp học xóa mù, duy trì sĩ số và đi học đầy đủ, sau khi có số liệu điều tra đối tượng mù chữ, Phòng GD&ĐT phối hợp với cán bộ xã, thôn, già làng, trưởng bản, hội phụ nữ, đoàn thanh niên đến tận nhà vận động, phân tích.

“Đối với giáo viên đứng lớp, ngoài yêu cầu có kinh nghiệm, chúng tôi lựa chọn những thầy cô đang sinh sống tại địa phương bởi họ hiểu tập tục, văn hoá, đặc biệt, có thể nói tiếng dân tộc trong quá trình giảng dạy. Học viên nào chưa hiểu bài, giáo viên có thể sử dụng ngay tiếng dân tộc để phân tích, giảng giải…”, ông Hiền nói.

Ông Ngô Văn Hiền cho biết thêm, học viên các lớp xóa mù tại Văn Quan chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Đa số học viên ham học nhưng là lao động chính trong gia đình. Do đó, các lớp xóa mù phải linh hoạt thời gian, chủ yếu dạy vào buổi tối từ 19 - 21 giờ. Nhiều hôm, thầy cô giảng dạy đến 22 giờ để hỗ trợ các học viên những kiến thức còn trống…

Tương tự huyện Văn Quan (Lạng Sơn), công tác xóa mù tại tỉnh Điện Biên cũng đạt những kết quả đáng ghi nhận. Bà Nguyễn Thị Thuý - Trưởng phòng GDTX chuyên nghiệp và nghiên cứu khoa học (Sở GD&ĐT Điện Biên) chia sẻ: Năm 2022, các cơ sở giáo dục trên địa bản tỉnh đã mở được 28 lớp xóa mù chữ với 619 học viên tham gia chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2, đạt 96,87% kế hoạch giao.

Các lớp xóa mù được phân bố chủ yếu ở các huyện: Tuần Giáo (8 lớp/125 học viên); Mường Chà (7 lớp/140 học viên); Điện Biên Đông (7 lớp/200 học viên); Nậm Pồ (4 lớp/94 học viên); Mường Nhé (3 lớp/60 học viên)”.

Năm 2023, theo kế hoạch, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ mở 54 lớp với quy mô 1.223 học viên. Hiện đã có một số huyện triển khai mở lớp như: Tuần Giáo, Mường Nhé, Mường Ảnh, Điện Điên Đông với 36 lớp/876 học viên.

Bà Thuý còn cho biết: “Hiện nay, công tác xóa mù chữ được toàn ngành giáo dục quan tâm. Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư 33 về hướng dẫn công tác xóa mù chữ, tổ chức các đợt tập huấn để hướng dẫn triển khai thực hiện công tác chương trình xóa mù chữ. Ngay sau đó, Sở GD&ĐT Điện Biên tập huấn thực hiện chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1 cho toàn bộ giáo viên trực tiếp dạy xóa mù chữ…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.