Tim Cook và chiếc bóng của người tiền nhiệm

GD&TĐ - Những cuộc thảo luận sau ngày cựu Tổng Giám đốc Apple Steven Jobs ra đi đều xoay quanh tương lai của kỹ nghệ điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị điện tử cẩm tay khác. 

Tim Cook và chiếc bóng của người tiền nhiệm

Thung lũng Silicon (trung tâm điện tử của nước Mỹ) vốn quá quen với sự ra đi của các “cá nhân cộm cán” cũng chưa bao giờ chứng kiến sự chuyển giao thế hệ kịch tính như sự ra đi của Jobs. 

Trong khi Apple cố gắng vấn an là “hoạt động của công ty vẫn bình thường” và Tổng giám đốc mới Tim Cook gởi tin nhắn đến cấp dưới khẳng định “Apple sẽ không thay đổi gì cả”, sự lo lắng vẫn xuất hiện nơi này nơi khác. 

Giống như người tiền nhiệm, Cook có nhiều kinh nghiệm trong việc bảo đảm cho ra đời những sản phẩm chiếm ưu thế về cạnh tranh. Ông được xem là “lão làng” trong đợi ngũ chuyên viên nòng cốt của Apple với tư duy chiến lược giống như Jobs.

Duy trì sự liên tục để chuẩn bị thay máu

Theo nhiều nhà phân tích thì “thời kỳ quá độ” trong hoạt động sáng tạo của Apple phải kéo dài thêm từ 2 - 3 năm, đủ để Cook chuẩn bị chứng minh khả năng của mình. 

Trong thời gian này, các sản phẩm “nóng” của Apple như iPhone và iPad vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ lực với các cải tiến mới về cả giao diện, nội dung và sức mạnh xử lý, độ bền của pin. 

Công ty sẽ cố gắng làm cho máy tính, điện thoại và máy tính bảng của nó mỏng hơn, đẹp hơn, nhẹ hơn, nhanh hơn và dễ sử dụng hơn. Đây là những tiêu chuẩn cần phải có để thu hút người mua trong thị trường công nghệ cạnh tranh khốc liệt. 

Thực tế cho thấy, nếu Apple không có các con chủ bài mới thì nguy cơ bị Samsung (của Hàn Quốc), Nokia (của Phần Lan), Sony (của Nhật Bản), Google (Mỹ) và HTC (công ty sản xuất điện thoại thông minh của Đài Loan) đuổi bám và bắt kịp là hoàn toàn có thể xảy ra. 

Hiện Apple vẫn chiếm ưu thế so với các hãng khác về doanh thu nhưng lượng máy bán ra đã bị Samsung qua mặt ngay cả tại thị trường chủ lực của nó là Mỹ. 

Nhưng nếu Apple muốn giữ cho cổ phiếu của nó không tiếp tục mất giá trên thị trường chứng khoán thì hãng phải đi theo lộ trình của Jobs và không ngừng suy nghĩ thêm nét độc đáo cho iPhone và iPad và cả laptop. 

“Jobs là người dự báo khá tốt thị trường, có khi trước đến 10 năm, nên Cook cũng phải chứng tỏ khả năng này. Dự báo sai sẽ thất bại” – Một nhà quan sát nói. 

Nhờ dự báo đúng sức hút của iPad nên Apple đã thắng lớn. Còn nhớ, khi ý tưởng iPad của Jobs mới ra đời, nhiều người đã nghi ngờ thành công của nó. 

Bây giờ, họ thấy mình đã sai. Dự báo triển vọng của một sản phẩm trong tương lai và biết cách biến chúng thành hiện thực luôn là thế mạnh của Jobs.

Thung lũng Silicon được xây dựng trên ý tưởng này, khi những “con nghiện” công nghệ trẻ ngồi trong các garage tìm cách xây dựng các sản phẩm mới có khả năng hạ bệ các sản phẩm cũ đang lưu hành. 

Apple lúc còn phôi thai cũng có câu chuyện thành công riêng thú vị của nó. Nhưng khi công ty phát triển thành người khổng lồ với hơn 50.000 nhân viên và tên tuổi đã được xác lập thì các mục tiêu sẽ khó đạt hơn nhiều; nguy cơ cũng lớn hơn vì ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người. Cook biết rõ điều này. 

Ông từng nói: “Chúng ta chấp nhận rủi ro và ý thức được là rủi ro có thể đến từ thất bại, đồng thời cũng biết cách biến thất bại thành thành công”. 

Bây giờ, Cook đã có cơ hội (thậm chí nhiều cơ hội) hiện thực hóa tư duy trong cương vị mới. Những người từng quan sát chặt chẽ các bước tiến của Apple tin rằng ông có thể làm được việc này. Một phần vì Jobs đã chọn đúng người thay thế cho mình. 

“Tôi rất lạc quan về tình hình - Michael Maccoby, cố vấn điều hành và tác giả cuốn sách The Productive Narcissist: The Promise and Peril of Visionary Leadership, nói - Jobs là người tài năng và ông cũng đã tìm được người tài năng như thế để thay mình. 

Có nhiều yếu tố tích cực sau kỷ nguyên Jobs. Apple đã tạo ra một bộ khung, một tiến trình công nghệ và bằng sáng chế. Có những cửa hàng Apple và có cả một nền văn hóa Apple. Hơn nữa, Apple còn góp phần định hình thái độ và cách ứng xử của người tiêu dùng”.

Không hoàn toàn là cái bóng của Jobs

Thật ra, Cook không phải là “lính mới” trong cương vị Tổng giám đốc. Những lúc Jobs phải tạm rời công việc để điều trị ung thư, ông đã bắt đầu xử lý công việc của một tổng giám đốc. 

Và ông đã làm như thế nhiều lần, kể từ năm 2004 trước khi chính thức thay thế Jobs. Chính quãng thời gian “tập sự” này của Cook đã làm cho cấu trúc lãnh đạo của Apple trở thành “đặc biệt”, bảo đảm tính liên tục, giúp nó không bị mất phương hướng như Yahoo, Microsoft hay HP.

Sự thăng tiến của Apple trước 2012 là “cơn địa chấn” hiếm có trong kỹ nghệ điện tử, trong đó có đóng góp đáng kể của Cook. “Cook với tác phong ăn nói chậm rãi rất đối lập với cá tính nói thẳng của Jobs. 

Nhưng chính đây là yếu tố để được Jobs chọn. Jobs không muốn người kế vị là bản sao của mình trong một thị trường công nghệ có nhiều biến động và cạnh tranh khốc liệt - Jeffrey Pfeffer, giáo sư nghiên cứu về tác phong công ty tại Đại học Stanford nói - Có thể nói Cook chính là Jobs, nhưng mềm mỏng hơn”. 

Pfeffer so sánh tình trạng của Apple hiện nay với hãng hàng không Southwest Airlines, nơi người đồng sáng lập “ồn ào” Herbert D. Kelleher vừa nhường chỗ cho Gary C. Kelly, một người điềm đạm. 

Apple vốn nổi tiếng với truyền thống rất kín kẽ về công việc của mình nên Cook, 53 tuổi hầu như rất ít trả lời phỏng vấn từ khi lên nắm quyền. 

Trong bài diễn văn đọc tại Đại học Auburn, nơi ông tốt nghiệp, vào năm ngoái, Cook mô tả quyết định tham gia Apple của ông vào 1998 như “phút ý nghĩa nhất trong cuộc đời” và “nó đã tạo ra cơ hội cho tôi phát huy khả năng”. 

Nhưng Cook tham gia đội ngũ Apple khi nó đang trên bờ vực phá sản và được ví như chàng David trước gã khổng lồ Microsoft. 

Lúc đó, một giám đốc công nghệ còn chê Cook “phạm sai lầm” khi rời Compaq, nơi ông là phó chủ tịch phụ trách vật tư. Cook giãi bày: 

“Quyết định tối hậu của một người đôi khi không thông qua sự phân tích hơn thiệt mà qua cảm nhận mang tính dự báo. Vấn đề là nó phải đưa ra đúng lúc”. 

Cook đã đúng, Compaq đi từ “vững chắc” lúc Cook chia tay đến “bị xóa sổ” trong danh sách công ty công nghệ. Năm 2002, hãng HP (Hewlett-Packard) đã mua lại nó và những rắc rối của Compaq tiếp tục nhiễm sang HP đến tận hôm nay. 

“Thất bại của HP cho thấy trong thế giới công nghệ, tất cả các dự báo chỉ có thể đúng trong vòng 1 tháng” – một nhà phân tích nói. Cook đã xây dựng được một mạng lưới vệ tinh nhà cung cấp thiết bị tốt đến mức Sam Walton của Wal-Mart cũng phải ghen tị. 

“Điều đó cho phép công ty bán iPad ở giá chấp nhận được” - Eric Bleeker, nhà phân tích tại The Motley Fool nhận định. Cook cũng là người đẩy mạnh việc đưa hệ điều hành iOS của Apple vào các sản phẩm mới. 

“Nếu Apple muốn sản xuất truyền hình Internet, nó chỉ cần đưa iOS vào TV" – Bleeker nói. 

"Cook phải khẳng định được mình là Cook, chứ không phải bản sao của Jobs. So sánh nào cũng khập khiễng vì những bí ẩn được xây dựng quanh Jobs sẽ biến thành lực cản cho Cook nếu ông ta không biết cách thoát ra” - Rob Kaplan, giáo sư quản trị kinh doanh tại Trường Kinh doanh Harvard nói. 

Một điều khác ở Cook so với Jobs là Cook ủng hộ các sản phẩm cỡ trung để cạnh tranh với máy tính bảng của Samsung. 

Trong khi Jobs rất dị ứng với các sản phẩm kích cỡ nằm giữa điện thoại di động và máy tính bảng thì Cook lại muốn đưa chúng xích gần nhau. 

Vì vậy iPhone 5 đã dài hơn iPhone 4 và iPad nhỏ lại thành iPad mini. Cook cũng thích ứng dụng cài sẵn Internet radio trong khi Jobs không ưa.

Báo hiệu một tương lai đầy khó khăn

Tại Thung lũng Silicon, thành công này thường dẫn đến thành công khác. May mắn cho Cook là sau khi Jobs ra đi, Apple vẫn còn đủ tài năng trong ban giám đốc để giúp ông phát huy di sản của Jobs, ít ra cho đến khi họ còn làm chung trong công ty. Vào thời điểm hiện nay, ít có công ty nào dung nạp được nhiều tài năng công nghệ, thiết kế và tiếp thị như Apple.

“Jobs đủ khôn ngoan để qui tụ quanh mình những con người tài năng có thể làm tốt những gì ông ta chưa làm xong hay lấp vào những khoảng trống sáng kiến ông để lại - Shaw Wu, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Sterne Agee nhận xét – Đội ngũ của Jobs rất gắn kết và các thách thức càng khiến họ đoàn kết với nhau để đưa công ty đi lên”. 

iOS 7 là hệ điều hành đầu tiên được Jonathan Ive, người phụ trách thiết kế phần cứng của Apple “cầm cương” thực hiện. Ông nhận trọng trách thiết kế giao diện phần mềm thay cho Scott Forstall, người cầm đầu bộ phận phát triển phần mềm điện thoại di động của Apple sau khi ông này bị sa thải vì phần mềm bản đồ mới Apple Maps do Apple tự làm thay cho Google Maps trên iPhone 5 bị chê dữ dội vì những sai sót định vị.

Sinh tại Anh, Ive vào làm việc tại Apple từ năm 1996 và được giao cầm đầu đội thiết kế iPhone, iPad và iMac. Cook rất tự tin khi gọi hệ điều hành điện thoại di động mới iOS 7 của Apple là “thay đổi lớn nhất của iOS từ khi nó được đưa vào iPhone”. 

“Nói chung, Ive có trách nhiệm tạo cho sản phẩm của Apple sức hấp dẫn và thân thiện so với các sản phẩm khác” - Wu nói. Philip W. Schiller - Phó chủ tịch phụ trách tiếp thị cũng là một nhân vật quan trọng khác của Apple. 

Schiller chính là người đã giúp công ty thoát khỏi tình trạng gần như phá sản vào những năm cuối 1990; giúp Apple cải thiện hình ảnh và doanh thu trong 14 năm sau đó.

Muốn theo chân người tiền nhiệm, Cook phải biết cách chấp nhận rủi ro trong các dự án mới của công ty như Jobs từng làm với iPad. “Sau iPhone là gì? Là những sản phẩm dùng cho phòng khách hay một sản phẩm pha trộn giữa PC và máy tính bảng? Cook phải trả lời được câu hỏi này trước khi định ra hướng đi mới cho công ty” – Một chuyên viên công nghệ nói. 

Cho đến nay, chưa có công ty nào sao chép được thành công ngoạn mục của Apple. Microsoft, Google và HP đều cố gắng bắt chước Apple nhưng thành công chỉ mức độ. 

Lý do là chúng không có các lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược xuất sắc. Nhiều người tin là bộ ba Tim Cook, Philip Schiller và Jonathan Ive sẽ giúp Apple đứng vững. 

Apple từng đứng trước các thách thức lớn. Còn nhớ khi iPhone được trình làng năm 2007, nó đã đoạt ngay danh hiệu số 1 điện thoại thông minh (smartphone). 

Nay các điện thoại dùng hệ điều hành Android của Google đã chiếm được thị phần lớn hơn trên thị trường điện thoại di động. iPad rất thành công, nhưng Motorola Xoom và Samsung Galaxy dù chưa phải là đối thủ nhưng đang ăn dần vào thị phần của nó. 

Trong khi Apple thâu tóm đến 74% thị trường máy tính bảng vào năm 2011, thì theo dự báo của nhóm phân tích kỹ nghệ IHS iSuppli, đến năm 2015 tỉ lệ này sẽ chỉ còn 44%. Nói vậy để thấy trách nhiệm của Cook rất nặng nề. 

Thời gian sẽ chứng minh cho sự chọn lựa của Jobs. Cái mới và độc đáo luôn là ưu thế của Apple so với các công ty công nghệ khác. 

Đòi hỏi phải có để tạo ra cái mới là quyền sở hữu các bằng sáng chế. Ai sở hữu trước các bằng sáng chế “của tương lai”, người đó sẽ thắng. Nếu không sẽ gặp kiện cáo lôi thôi và thua đối thủ. 

Trên thực tế, các vụ kiện tụng liên quan đến bằng sáng chế ngày càng nhiều, và cỗ máy tìm kiếm Google đang đi đầu trong việc mua bằng sáng chế của các hãng khác, kể cả những công ty đang trên bờ phá sản, đặc biệt là các bằng sáng chế cần thiết cho các “sản phẩm của tương lai”.

“Chúng ta chấp nhận rủi ro và ý thức được là rủi ro có thể đến từ thất bại, đồng thời cũng biết cách biến thất bại thành thành công"

Theo Forbes, The Economist và Wall Street Journal 7.2013

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ