Tìm cơ chế xã hội hóa CSVC các hoạt động thể thao trong trường học

GD&TĐ - Đà Nẵng đặt ra mục tiêu đến năm học 2016 – 2017, tất cả các HS tốt nghiệp tiểu học của thành phố đều biết bơi. Thế nhưng, đến nay, 11 bể bơi di động đặt tại các trường tiểu học từ Chương trình Bơi an toàn do Tổ chức Liên minh Vì sự an toàn của trẻ em Hoa Kỳ tài trợ đã bắt đầu xuống cấp khi đã quá hạn sử dụng từ 2 năm nay. 

Tìm cơ chế xã hội hóa CSVC các hoạt động thể thao trong trường học

Chủ trương xã hội hóa bằng cách kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng bể bơi tại 38 điểm trường cũng gặp nhiều vướng mắc cả về cơ chế lẫn sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư.

Xã hội hóa… nửa vời

Năm 2015, UBND TP Đà Nẵng đã trích từ ngân sách, hỗ trợ cho 11 bể bơi di động đặt tại 11 điểm trường tiểu học ở các quận, huyện với mức 96 triệu đồng/bể để dạy miễn phí cho HS trong 2 tháng nghỉ hè. Số bể bơi này là do Tổ chức Liên minh Vì sự an toàn của trẻ em Hoa Kỳ (Chương trình TASC) tài trợ và chuyển giao cho thành phố khi kết thúc dự án. Mỗi bể bơi di động này đều đảm nhận dạy học sinh theo cụm trường, như bể bơi đặt tại Trường Tiểu học Núi Thành (Q. Hải Châu) còn phục vụ cho cả HS của Trường Tiểu học Lý Công Uẩn và Tiểu học Lê Đình Chinh. Mỗi suất học khoảng từ 8 - 10 em học sinh.

Thế nhưng, theo như tính toán của cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt thì với 96 triệu đồng này, nhà trường phải cân đối theo kiểu “liệu cơm gắp mắm” bởi: “Theo như quy định thì 80% trong số này dùng để chi trả lương GV dạy với mức 50.000 đồng/tiết, 20% còn lại là chi phí duy trì bể bơi, vệ sinh, thay nước, công tác quản lý…. Trong đó, cứ 1,5 khóa học thì mới được quyết toán 1 thùng hóa chất để xử lý nước.

Thế nhưng, trên thực tế, cứ xong một khóa học là nhà trường phải xử lý nước để đảm bảo chất lượng; khoản thanh toán cho mục giám sát, kiểm tra… thì thường là Ban giám hiệu chúng tôi không nhận để “bù” qua việc chi trả thêm cho bảo vệ nhà trường tiền phục vụ dọn khu vệ sinh, sắp xếp, trông giữ xe cho phụ huynh. Đó là chúng tôi đã linh động “dùng” bảo vệ có sẵn của nhà trường nên chi phí cũng đã giảm được ít nhiều”.

Cô Thu Nguyệt cũng thừa nhận là thường thì GV dạy bơi chấp nhận thanh toán ít hơi nhiều so với số tiết thực dạy: “Sau khi cân đối kinh phí được cấp cho hoạt động bể bơi, có những GV thực dạy 200 tiết nhưng thực nhận chỉ khoảng 170 tiết. Cũng không thể “tiết kiệm” bằng cách hợp đồng ít GV vì phải luân phiên để thời gian vào bể của mỗi GV không quá lâu, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Những HS nào đăng ký học bơi không rơi vào mốc thời gian tháng 6 và 7 thì phải nộp học phí 200.000 tháng/em theo chủ trương xã hội hóa. Như Trường Tiểu học Núi Thành, trong tháng 4, 5 và nửa đầu tháng 8/2015, với mức học phí thu được từ 120 em đăng ký theo học không đủ để trang trải cho các chi phí.

Cô Thu Nguyệt băn khoăn: “Thường thì sau khi học xong một khóa cơ bản tại các bể bơi di động ở các trường tiểu học, phụ huynh tiếp tục cho con em theo học một khóa bơi tại trung tâm huấn luyện để tập bơi với đường bơi dài, mức học phí khoảng từ 1,1 đến 1,5 triệu/khóa/em với nhóm khoảng 8 em, bao gồm cả tiền bể và tiền thầy. Tại sao phụ huynh chấp nhận mức học phí gấp nhiều lần trong khi ở các trường, mức thu theo hình thức xã hội hóa chỉ với 200.000 đồng/tháng thì lại không thu hút được nhiều HS? Nếu có bể bơi đúng theo chuẩn độ sâu thì sẽ thu hút được HS các cấp tham gia”.

Bể bơi của Trường THCS Lương Thế Vinh được UBND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) đầu tư xây dựng với số vốn gần 5,5 tỷ đồng cũng nằm trong tình trạng xã hội hóa… một nửa tương tự như 11 bể bơi di động. Bắt đầu đưa vào sử dụng từ tháng 12/2014, trong 7 tháng đầu tiên, nhà trường được UBND quận Liên Chiểu hỗ trợ mỗi tháng 6,5 triệu đồng/tháng để trả lương cho 3 nhân viên.

Sau thời gian này, nhà trường phải tự hạch toán, lấy thu bù chi. Thầy Huỳnh Duy Linh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tính đến cuối năm 2015, qua hạch toán thu – chi của bể bơi đã âm vào ngân sách hoạt động của năm 2016 hết 3 triệu rồi. Kế hoạch năm 2016 chúng tôi chưa biết sẽ cân đối như thế nào”.

Theo như thầy Duy Linh thì ngoài một nhân viên chuyên về kỹ thuật, điện, nước và xử lý hóa chất lọc hồ bơi, nhà trường phải hợp đồng thêm 2 bảo vệ phục vụ riêng cho bể bơi. “Chúng tôi đã tính đến phương án hợp đồng lao động theo thời vụ, khi nào bể bơi hoạt động thì mới ký hợp đồng nhưng như thế lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Mức học phí hiện tại chúng tôi thu trong khoảng 200.000 - 300.000 đồng/tháng, mỗi tuần 3 buổi. Do bể bơi của nhà trường chưa có mái che nên cũng không khai thác hết được công suất trong hè, chỉ mở được các lớp đầu giờ buổi sáng và cuối giờ buổi chiều”.

Cơ chế nào để xã hội hóa?

Hầu hết 11 bể bơi do Chương trình TASC tài trợ đã xuống cấp trầm trọng. Cô Thu Nguyệt cho biết, thời gian khai thác bể bơi di động là 5 năm nhưng Trường Tiểu học Núi Thành đã kéo dài qua năm thứ 7: “Khung xương sắt đã hoen rỉ rất nhiều, lớp bạt cũng đã bắt đầu mục, dự trù kinh phí để sửa chữa gần bằng mua một bể bơi mới”. Đà Nẵng đã tính đến phương án kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư xây dựng và khai thác bể bơi tại 38 điểm trường.

Theo cô Thu Nguyệt, các thủ tục đầu tư đã hoàn tất nhưng đến khâu cuối cùng thì bị tắc do vướng về mặt pháp lý: “Nhà trường không thể ký hợp đồng với doanh nghiệp vì đất là của Nhà nước” chủ trương xã hội hóa xây dựng bể bơi.

Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT Hải Châu cho biết: “Ngoài xây dựng bể bơi tại Trường Tiểu học Núi Thành, chúng tôi còn có kế hoạch cho 6 công trình kêu gọi xã hội hóa khác gồm bể bơi tại 5 trường tiểu học khác và một công trình gồm cả bể bơi và nhà đa năng tại Trường THCS Hồ Nghinh.

Tuy nhiên, do vướng về mặt pháp lý nên đều đang phải gác lại”. Theo như bà Thúy Hà thì nếu không vướng quỹ đất xây dựng trường lớp thì nên tạo cơ chế để các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục thể chất, vừa giảm gánh nặng kinh phí cho Nhà nước, vừa tạo điều kiện cho HS rèn luyện thể lực.

Về vấn đề này, ông Lê Trung Chinh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố đã giao cho Sở GD&ĐT Đà Nẵng cùng các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng đề án xã hội hóa xây dựng bể bơi, nhà đa năng trong trường học với những cơ chế hỗ trợ hợp lý.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 của TP Đà Nẵng, bà Đặng Thị Cẩm Tú – Phó Trưởng phòng Mầm non, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Việc đầu tư bể bơi có chi phí ban đầu và chi phí vận hành lớn, lợi nhuận không cao hoặc không có lợi nhuận nên việc đầu tư của tổ chức, cá nhân vào xây dựng bể bơi còn hạn chế”. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân để đến thời điểm này, mới chỉ có một doanh nghiệp có dự án đầu tư xây dựng bể bơi tại Trường Tiểu học Núi Thành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ