Tìm chỗ đứng cho vaccine thú y của Việt Nam ngay tại thị trường quốc nội

GD&TĐ - Việt Nam đã sản xuất thành công và xuất khẩu một số loại vaccine. Tuy nhiên, nâng cao chất lượng cho thương hiệu vaccine vẫn là bài toán khó.

Quang cảnh diễn đàn.
Quang cảnh diễn đàn.

Tiềm năng lớn về phát triển vaccine

Trong bối cảnh nhiều biến thể dịch bệnh ra đời, việc kiểm soát dịch bệnh trong chuồng trại và đàn vật nuôi phải được thực hiện chặt chẽ và bảo vệ nghiêm ngặt. Vì vậy, vaccine là một biện pháp hiệu quả trong việc giảm thiểu thiệt hại, giúp sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm (ATTP).

Thời gian qua, nhờ sự không ngừng cải tiến và các kết quả nghiên cứu vaccine qua nhiều thế kỷ, cả con người và vật nuôi đều được hưởng lợi, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an ninh lương thực thế giới

Tại Diễn đàn Ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vaccine thú y tại Việt Nam hôm 28/12, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT), cho biết Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập cuộc đua chế tạo các loại vaccine thú y và sản xuất được những loại vaccine quan trọng: Cúm gia cầm (Navet-Vifluvac) năm 2012; vaccine phòng bệnh tai xanh từ năm 2015; vaccine lở mồm long móng từ năm 2018; vaccine phòng bệnh dại từ năm 2019 và gần đây nhất là vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi (NAVET-ASFVAC và AVAC ASF LIVE) năm 2022.

“Trong thời gian tới, với những thành tựu và dấu ấn đã được thế giới ghi nhận, Việt Nam có tiềm năng lớn để tiếp tục phát triển và sáng tạo ra các loại vaccine mới, đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe vật nuôi và người tiêu dùng. Với xu hướng xã hội hóa nguồn lực cùng sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, ngành thú y và chăn nuôi Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để áp dụng những công nghệ tiên tiến, phát triển các loại vaccine hiện đại”, bà Thủy chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), việc sản xuất vaccine thú y trong nước là vô cùng quan trọng để đối phó với tình trạng dịch bệnh gia tăng trên động vật tại Việt Nam.

Ông Long cho biết, năm nay đã phát hiện 16 ổ dịch cúm gia cầm, giảm 30% so với năm trước. Tuy nhiên, công tác tiêm phòng vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt yêu cầu. Về bệnh dại, chỉ trong năm 2023 đã gây ra tổn thất kinh tế lên tới gần 1.000 tỷ đồng nhưng tỉ lệ tiêm phòng dại mới đạt 60%. Bệnh viêm da nổi cục trên gia súc cũng chưa đáp ứng đủ yêu cầu tiêm phòng, chỉ đạt 47% từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, bệnh tai xanh ở lợn đã được kiểm soát trong nhiều năm qua, nhưng số lượng vaccine (34 triệu liều) vẫn còn hạn chế, gây lo ngại cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi lợn.

Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất vaccine

TS Nguyễn Hữu Vũ, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Hanvet cho biết trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia có 2 nhà máy sản xuất thuốc thú y, Malaysia có 1, Thái Lan thậm chí không có nhà máy nào.

Tại diễn đàn, ông Vũ trăn trở với vấn đề, là tại sao vaccine trên đàn vật nuôi vẫn chưa được sử dụng nhiều. Nguyên nhân, theo người đứng đầu Hanvet, nằm ở chỗ thương hiệu, trình độ sản xuất, kiểm soát chất lượng còn hạn chế.

“Tự nhận xét, chất lượng vaccine của Hanvet có lẽ chỉ khoảng 80% so với nước ngoài”, chủ doanh nghiệp vaccine bày tỏ và thừa nhận, độ phủ của vaccine của Việt Nam còn tương đối thấp.

Đồng quan điểm với các đại biểu, TS Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam, chỉ ra rằng, một trong những lí do là tâm lý "sính ngoại" khiến vaccine nội chưa tìm được chỗ đứng. Để giải quyết tình trạng trên, bà kiến nghị, bên cạnh nâng cao chất lượng vaccine của doanh nghiệp trong nước, còn phải tuyên truyền phối hợp thông tin của cơ quan báo chí, các viện, trường đào tạo chuyên ngành.

“Càng nhiều người biết đến vaccine nội, biết tới khả năng của vaccine nội càng tốt”, bà Hương nói và nhấn mạnh thêm, rằng chất lượng tạo nên thương hiệu. Khi vaccine nội đã đảm bảo chất lượng thì doanh nghiệp sản xuất rất cần sự ủng hộ của Cục Thú y, người sản xuất để cả ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Tại Diễn đàn, Ông Nguyễn Thanh Ba, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vaccine, sinh phẩm - Công ty CP Dược và Vật tư Thú y Hanvet Hanvet cho biết để ứng phó bệnh dại, Công ty đã sử dụng Tế bào Vero từ ngân hàng giống tế bào Hoa Kỳ ATCC CCL81 và Giống virus Dại chủng PM nhận chuyển giao từ CDC Hoa Kỳ. Đồng thời, áp dụng công nghệ để tinh chế kháng nguyên để tăng khả năng phòng, chống bệnh dại.

Để sản phẩm đạt hiệu quả cao, công ty thực hiện quy trình kiểm soát chất lượng toàn diện: Từ chất lượng nguyên vật liệu đầu vào; quá trình sản xuất đến kiểm nghiệm sản phẩm trước khi xuất xưởng.

Theo đó, sản phẩm vaccine Rabiva của công ty đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe của Việt Nam và quốc tế đối với vaccine phòng bệnh dại cho động vật và đã được lưu hành rộng rãi trong nước.

Bên cạnh đó, vaccine này đã bắt đầu được xuất khẩu sang các quốc gia như Sri Lanka, Myanmar và các nước Trung Đông, góp phần mở rộng thị trường quốc tế.

“Tại các địa phương, vaccine Rabiva đã chứng minh được hiệu quả trong tiêm phòng dại cho chó mèo, giúp công tác phòng, chống bệnh dại đạt kết quả tốt và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Với những đóng góp này, Công ty Hanvet đã góp phần quan trọng vào Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, hướng đến mục tiêu nâng cao an toàn cho đàn vật nuôi và xã hội”, ông Ba cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ