Ngành rau quả của Việt Nam đang khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta tháng 11/2024 đạt 500 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng năm 2024 lên 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt tới 7,2 tỷ USD; riêng xuất khẩu sản phẩm các loại quả có thể đạt tới trên 6,5 tỷ USD. Các tỉnh phía Bắc, với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, có tiềm năng lớn để phát triển nhiều loại cây ăn quả, đóng góp cho sự khẳng định vị thế của ngành rau quả Việt Nam trên trường quốc tế.
Tại Diễn đàn Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc ngày 6/12, ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình, cho biết những năm gần đây, việc mở cửa thị trường quốc tế cho các loại nông sản và trái cây tươi của Việt Nam đã đánh dấu một bước tiến lớn trong chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, việc đưa các loại trái cây vào thị trường Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã mở ra nhiều cơ hội và lợi ích cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và các tỉnh phía Bắc nói riêng, trong đó vải thiều và nhãn được xuất khẩu sang các thị trường quan trọng gồm Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Mỹ.
Mặc dù xuất khẩu tăng nhưng nông sản nước ta đang gặp phải những khó khăn như: trái cây xuất khẩu ra nước ngoài gây rủi ro cao nếu thị trường này thay đổi đột ngột về chính sách nhập khẩu; cùng với đó là công tác bảo quản sau thu hoạch khiến sản phẩm dễ hư hỏng; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết giữa các hộ nông dân và doanh nghiệp; nhu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm trong xuất khẩu ngày càng khắt khe…
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, đánh giá vấn đề lớn nhất hiện nay khi xuất khẩu cây ăn quả sang Trung Quốc – thị trường số 1 của Việt Nam là hai bên chưa thống nhất được các quy trình kiểm dịch, dẫn đến thời gian thông quan kéo dài. Ngoài ra, một số sản phẩm chưa được tái ký nghị định thư, cũng như còn chịu tần suất kiểm tra rất cao.
Riêng với nông dân tỉnh Hòa Bình, bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm (Cao Phong, Hòa Bình), chia sẻ đặc sản cam Cao Phong đang chịu cạnh tranh mạnh về giá cả bởi hiện nay hoạt động của các HTX, hộ sản xuất vẫn đối diện với nhiều khó khăn như đất trồng cam đang có dấu hiệu suy thoái sau thời gian dài sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học, công tác cải tạo phục hồi tốn kém về chi phí, thời gian.
Do đó HTX này sau 7 năm chưa thể đưa quả cam vào hệ thống siêu thị vì những quy định, yêu cầu của nhiều siêu thị không mang lại lợi ích cho người trồng. Đặc biệt, đã có hiện tượng các đơn vị phân phối đánh tráo sản phẩm, sử dụng thương hiệu của HTX nhưng sản phẩm không phải, làm giảm uy tín của HTX với người tiêu dùng.
Còn theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch chỉ ra rằng hiện nay ngành chế biến chỉ mới đáp ứng khoảng 10-17% sản lượng rau quả/năm. Số còn lại là rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến và tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu. Tổn thất sau thu hoạch còn quá cao, lên tới trên 20%.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản nói chung, ông Tuấn gợi ý, chúng ta có thể tham khảo một số công nghệ tiên tiến được ứng dụng trong sơ chế bảo quản rau quả tươi như: công nghệ bảo quản rau quả tươi bằng kỹ thuật CA; công nghệ bảo quản rau quả tươi bằng kỹ thuật bao gói MAP; công nghệ bảo quản rau quả tươi bằng chế phẩm tạo màng; công nghệ giấm chín quả bằng khí Ethylene.
Công nghệ tiên tiến ứng dụng trong chế biến rau quả dạng khô (sấy/chiên) như: công nghệ sấy bơm nhiệt, quy mô 2 - 3 tấn/modul; công nghệ sấy thăng hoa; công nghệ và thiết bị chiên chân không liên tục.
Công nghệ chế biến rau quả lạnh đông như: công nghệ cấp đông siêu tốc bằng chất lỏng (liquid freezer); Công nghệ tiên tiến ứng dụng trong chế biến nước ép/puree trái cây như: hệ thống thiết bị chế biến Puree chuối, năng suất 2 tấn/h; công nghệ và hoàn thiện thiết bị chế biến một số sản phẩm có giá trị gia tăng từ quả dưa hấu.
Năm 2023, tổng diện tích cây ăn quả toàn quốc có 1.269,4 ngàn ha, sản lượng đạt 13.887,3 ngàn tấn. Cụ thể, ĐBSCL là đứng đầu chiếm 31,8% diện tích, tiếp đến là vùng trung du miền núi phía Bắc chiếm 21,4%. Chủng loại cây ăn quả đa dạng, phong phú; trong đó chuối chiếm 12,72% tổng diện tích đứng đầu trong các loại cây ăn quả, sầu riêng xếp ngay phía sau.